Sáng 12/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về phương án đầu tư xây dựng Nhà ga quốc tế - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng; công tác chuẩn bị các nội dung báo cáo Thường trực Chính phủ về việc huy động nguồn vốn xã hội hóa (XHH) đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không và chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc.
Cần thiết và cấp bách xây dựng Nhà ga quốc tế - Cảng HKQT Đà Nẵng
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Nhà ga hành khách hiện tại của Cảng HKQT Đà Nẵng có công suất phục vụ tối đa 6 triệu lượt khách/năm. Trong những năm qua, lượng khách thông qua sân bay Đà Nẵng liên tục tăng nhanh, trung bình 14,5%. Theo dự báo, sân bay sẽ quá tải trong năm nay.
“Hiện nay, ACV đang có kế hoạch nâng công suất nhà ga hiện tại lên 8 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, công suất này cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu trong 3 năm tới và sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải” - ông Hùng cho biết.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chậm nhất tháng 1/2016 khởi công xây dựng
Nhà ga quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và khánh thành vào tháng 6/2017
Theo ông Hùng, việc xây dựng thêm một nhà ga hành khách quốc tế tại Cảng HKQT Đà Nẵng là rất cần thiết và cấp bách, giúp hình thành hai nhà ga, tách riêng biệt quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là khi Đà Nẵng là chủ nhà của Hội nghị cấp cao thường niên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017.
“Đà Nẵng cần có một nhà ga quốc tế với quy mô đầu tư, chất lượng dịch vụ phù hợp với vai trò và vị thế của Thành phố trong quy hoạch phát triển kinh tế vùng là đầu tàu phát triển của khu vực miền Trung” - ông Hùng nhấn mạnh.
Về nội dung này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định đây là dự án hết sức cấp bách, bởi năm nay Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ đạt công suất theo quy hoạch (6 triệu hành khách/năm). Với việc tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách đến Đà Nẵng (đặc biệt là việc mở thêm nhiều đường bay quốc tế đến Đà Nẵng) nên nhu cầu mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là rất cấp thiết, cần phải sớm triển khai.
“Tôi đánh giá cao trong thời gian qua ACV và Nhà đầu tư đã tích cực chủ động triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư dự án… Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương làm các thủ tục để đầu tháng 7/2015 điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, trong đó ACV đầu tư xây dựng Nhà ga quốc tế và Nhà VIP mới” - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hàng không chỉ đạo cụ thể từng công việc, sớm thống nhất với TP Đà Nẵng về phương án mở rộng; đồng thời yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ quan của Bộ khẩn trương phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế ngay sau khi ACV trình.
Bộ trưởng đồng ý thành lập Công ty cổ phần để đầu tư xây dựng Nhà ga quốc tế trong tháng 6/2015, nhằm đáp ứng phục vụ các chuyến bay quốc tế đi và đến Đà Nẵng (bên cạnh Nhà ga hiện tại) với công suất 4 triệu hành khách/năm.
“Nhà đầu tư khẩn trương thỏa thuận, ký hợp đồng với chủ đất để có phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chậm nhất tháng 1/2016 khởi công Dự án và khánh thành Dự án vào tháng 6/2017” - Bộ trưởng yêu cầu.
Khu vực làm thủ tục lên máy bay của nhà ga hành khách Cảng HKQT Đà Nẵng
Tiếp tục huy động vốn XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban PPP cho biết, đến nay việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và lĩnh vực hàng không nói riêng cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Danh Huy, một số cơ chế, chính sách cần phải hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi hơn, thu hút được nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người sử dụng. Trong lĩnh vực hàng không, ông Huy cho biết việc XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo 3 hình thức (theo Nghị định 15, nhượng quyền khai thác đối với các dự án đã đầu tư và cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam).
“Các bộ, ngành cơ bản đồng ý hình thức XHH, riêng đối với nhượng quyền khai thác thì các bộ, ngành có ý kiến cần nghiên cứu, xem xét lại; đặc biệt là ý kiến của Ủy ban Kinh tế đề nghị trước mắt xem xét nên chưa thực hiện nhượng quyền này cho tư nhân, nếu có nhượng quyền thì phải rà soát rất kỹ, nhượng quyền một số hạng mục, bộ phận” - ông Huy cho biết.
Cảng hàng không Phú Quốc - thực hiện chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác
Về các dự án cụ thể, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết, các dự án thực hiện XHH đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không của ACV gồm các Dự án đầu tư xây dựng Nhà xe ô tô (Cảng HKQT Nội Bài); Nhà để xe ga quốc nội (Cảng hàng không Tân Sơn Nhất); Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh; Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng (Cảng HKQT Đà Nẵng); Dự án đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác Nhà ga hàng hóa (Cảng HKQT Cát Bi) và các dự án liên quan đến nhượng quyền khai thác.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh việc huy động vốn xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không là rất cấp thiết, do nhu cầu hiện đại hóa ngành hàng không nói chung, trong đó có các cảng hàng không, sân bay rất cao, để đáp ứng nhu cầu hàng không dân dụng và đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý việc thực hiện này phải đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc căn bản về quốc phòng an ninh; nguyên tắc Nhà nước sở hữu đất, không chuyển nhượng; bảo đảm vận hành khai thác, không độc quyền; nhà đầu tư không được phép chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác nếu chưa có sự cho phép của Chính phủ...
Xuân Nguyên