Nhiều ĐBQH cho rằng, các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT mang lại lợi ích trên nhiều phương diện...
Các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT mang lại hiệu quả rõ rệt cho xã hội,
giảm gánh nặng ngân sách (Dự án BOT QL1 đoạn Nam Cầu Bến Thủy 2 - tuyến tránh TP Hà Tĩnh)
Đánh giá cao việc huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông,
nhiều ĐBQH cho rằng, các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT
mang lại lợi ích trên nhiều phương diện, tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 25/5, các đại biểu thảo luận tại tổ, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015. Cùng với những nội dung quan trọng khác, việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và thu phí sử dụng đường bộ các dự án BOT đã được nhiều đại biểu dành thời gian thảo luận, cho ý kiến.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ
Không có hạ tầng sẽ không thu hút được đầu tư nước ngoài
Đánh giá cao việc huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, đại biểu Lê Nam, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho rằng: “Nếu không có tiền thì chúng ta lấy đâu ra vốn đầu tư? Bởi vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội là một việc làm tốt. Trước đây, khi bàn làm QL1 và đường Hồ Chí Minh, trong tình hình thiếu vốn, Chính phủ thuyết trình trước Quốc hội về việc huy động vốn từ nhiều nguồn khác, trong đó có BOT. Và khi Quốc hội quyết định, có đại biểu lại đặt vấn đề nếu chúng ta đặt trạm thu phí như vậy thì quyền lợi cho dân đảm bảo lâu dài như thế nào? Tôi cho rằng, khi nguồn vốn đang khó khăn thì chúng ta phải huy động, đến một lúc nào đó thì mua lại, như QL1 có thể mua lại trước thời hạn. Khi bàn chuyện thu phí, Quốc hội đã quyết định và chúng ta nên triển khai theo đúng Nghị quyết Quốc hội về làm QL1 và đường Hồ Chí Minh”.
Đồng quan điểm, trong cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhìn nhận, nếu không có hạ tầng thì sẽ không thu hút được đầu tư nước ngoài. Theo ông Hùng, tới đây chắc chắn vẫn phải đầu tư mạnh cho hạ tầng. “Việc tái cơ cấu đầu tư bước đầu đang hiệu quả. Trước kia, huy động được đầu tư tư nhân để phát triển kinh tế chúng ta phải loay hoay mãi. Nhưng từ năm 2014, tư duy khai thác nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế đang được mở rộng. Tư duy rất mới ngoài hình thức BOT, PPP, đến nay đã bán các dự án giao thông lấy tiền tiếp tục đầu tư là rất đột phá. Nếu làm được chắc chắn huy động được nguồn lực bổ sung mà nền kinh tế đang thiếu”, ông Hùng khẳng định và đánh giá, vừa qua, Bộ GTVT đã rất quyết liệt trong việc biến chủ trương thành hiện thực, tạo cơ sở thuyết phục để toàn dân hiểu được việc huy động nguồn vốn xã hội hóa và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông là cần thiết, có lợi cho người dân.
“Tôi cũng đã từng đi trên những con đường được đầu tư theo hình thức BOT và thấy nhân viên thu phí và cả các nhân viên bảo trì khác đều rất có trách nhiệm. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải kiểm soát đầu tư như thế nào cho minh bạch để người dân tin tưởng. Trước kia chưa minh bạch, thì nay đã rõ ràng, minh bạch hơn nhiều. Vốn một đồng, đưa vào đầu tư một đồng đều công khai và minh bạch nên người dân tin tưởng. Minh bạch trong chính sách, quản lý và kiểm soát đã giúp cho đồng tiền mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội”, ông Hùng nói.
Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu trong buổi thảo luận tổ chiều 25/5
Hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho biết, tại Hội nghị lần thứ 4, BCH T.Ư Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Theo đó, Nghị quyết chỉ rõ: “Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thoả đáng của nhà đầu tư. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền... để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BOT...”.
“Như vậy, việc xã hội hóa đầu tư hay kêu gọi tư nhân đầu tư vào phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương đã được xác định trong các văn kiện của Đảng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh và cho biết, đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cho việc kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành GTVT cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, một số cơ chế để tạo thuận lợi hơn cho thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng lý giải rõ hơn sự tách bạch giữa việc thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí BOT và thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện. Theo Bộ trưởng, để quản lý bảo trì các loại đường bộ theo quy định tại Luật GTĐB năm 2008, Bộ Tài chính đã ban hành hai Thông tư thu phí sử dụng đường bộ là: Thu theo đầu phương tiện do đơn vị đăng kiểm thực hiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện.
“Quy định như trên là phù hợp và không có việc phí chồng phí. Vì phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT do nhà đầu tư dự án BOT thu dùng để hoàn vốn đầu tư và chi cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hình thành từ các dự án BOT. Còn phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện do đơn vị đăng kiểm thu dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường quốc lộ và đường địa phương do Nhà nước đầu tư (không bao gồm các dự án BOT đường bộ và không dùng để hoàn vốn đầu tư)”, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải và cho biết thêm, thực tế hiện nay, Bộ Tài chính vẫn phải cấp bù từ ngân sách hàng năm cho công tác duy tu, bảo trì các tuyến đường quốc lộ do nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện không đáp ứng đủ yêu cầu.
Đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án đã phát huy ngay hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện: Tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, TNGT và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hình thức đầu tư BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), không làm tăng nợ công trong điều kiện nợ công đang ở mức cao như hiện nay, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành vận tải, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Đại biểu Trương Minh Hoàng, Cà Mau: Mong có nhiều dự án BOT để dân lưu thông thuận tiện
Trước kỳ họp này, tôi đã đi một chuyến từ mũi Cà Mau đến Thừa Thiên - Huế, chứng kiến nhịp độ đầu tư, nâng cấp, mở rộng các đoạn QL1 rất nhộn nhịp, các nhà đầu tư và đơn vị thi công đang thực hiện khẩn trương. Nhìn cảnh ấy, bản thân tôi cũng mong làm sao đẩy nhanh tiến độ để tạo thuận lợi trong lưu thông.
Về tác động, hiệu quả mà các dự án BOT đem lại cho người dân và Nhà nước, để đánh giá một cách toàn diện thì rất khó. Bởi rõ ràng khi các dự án này được đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác, tạo ra các tuyến đường khang trang, tạo điều kiện thuận lợi hơn khi lưu thông cũng như tạo điều kiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không thể tránh khỏi một số người chưa thực sự hài lòng vì cho rằng có quá nhiều điểm thu phí mọc lên cùng với các dự án BOT.
Nhìn nhận khách quan, khi nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước chưa có, chưa đủ thì rất khó để làm các dự án giao thông đột phá chứ đừng nói đến chuyện không thu phí. Với việc nộp phí khi sử dụng các dự án đầu tư BOT, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, bước đầu chúng ta phải chấp nhận điều này. Đến một giai đoạn nào đó, khi các nhà đầu tư thu phí đảm bảo rồi thì phí này sẽ giảm, tiến tới xóa dần các trạm thu phí.
Còn bây giờ, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm đường, làm cầu, hầm phải cho người ta thu phí. Mình đã không có tiền đầu tư mà lại muốn có đường đi tốt, không mất phí thì rất mâu thuẫn.