Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với chủ trương cần có một sân bay như Long Thành nhưng lưu ý tới hiệu quả đầu tư, cách thức thực hiện…
Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với chủ trương
cần có một sân bay như Long Thành nhưng lưu ý
tới hiệu quả đầu tư, cách thức thực hiện
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): “Chủ trương đúng, nhưng cần tính kỹ hiệu quả đầu tư”
Đây là chủ trương đúng vì một quốc gia với trên 90 triệu dân rất cần có sân bay, trước hết phục vụ nhu cầu trong nước, thứ hai đón khách du lịch quốc tế và thứ ba là phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
Vấn đề đặt ra là phải tính đến tính hiệu quả, có lộ trình và quy hoạch tổng thể, nếu không tính sớm quy hoạch sau này sẽ rất tốn kém. Đặc biệt, chúng ta phải tính đến hiệu quả kinh tế. Bên cạnh sân bay phải tính đến xây dựng hạ tầng cơ sở, đường sá, các khu nghỉ ngơi, sau khi xây dựng sân bay sẽ đạt đẳng cấp thế nào, từ đó xác định thiết bị, công nghệ máy móc ra làm sao. Trong cái đó bao nhiêu % mình đầu tư mua của nước ngoài, bao nhiêu dành cho trong nước. Thực tế nhiều cái trong nước mình đã sản xuất được giá sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình). Ảnh: Quốc hội.
Ngày mai 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương xây dựng sân bay Long Thành và tôi tin Quốc hội sẽ thống nhất chủ trương đầu tư còn lộ trình thế nào, cách làm ra sao phải tính toán một cách bài bản và thận trọng.
Nếu chúng ta cứ sợ mà không dám làm thì bao giờ mới có sân bay tốt, biết bao giờ mới đón được nhiều khách quốc tế vào.
Nghiên cứu sơ bộ các phương án, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, sẽ bàn và sẽ có rất nhiều ý kiến. Mục đích cuối cùng là về chiến lược lâu dài phải đáp ứng theo nhu cầu.
Sau khi Quốc hội thảo luận chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến đóng góp, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải hoàn chỉnh dự án chi tiết. Sau đó sẽ còn rất nhiều công đoạn phải làm, như giải phóng mặt bằng, giá đền bù cho phù hợp với từng giai đoạn nhất định, phù hợp với quy định của pháp luật…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): “Phải được triển khai với một lộ trình thích hợp”
Xây dựng sân bay Long Thành là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo đà cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như đáp ứng yêu cầu cao hơn về hội nhập.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: Việt Hưng.
Ngay cả khi mà Quốc hội có thông qua chủ trương về xây dựng sân bay Long Thành thì điều quan trọng là những công việc phải làm, những điều kiện đặt ra và những chuẩn mực, tiêu chí phải định rõ để cho chủ trương ấy trở thành hiện thực, đạt được yêu cầu đề ra. Việc xây dựng sân bay Long Thành phải được triển khai với một lộ trình thích hợp, tương xứng với khả năng của nền kinh tế, trong đó phải coi trọng chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu.
Tôi hết sức băn khoăn về chủ trương này vì tôi biết, ở quốc gia nào cũng vậy, muốn một điều, nhưng khi làm được lại là một điều khác. Cách làm đôi khi không tốt nó sẽ phá hủy chủ trương đúng đắn, làm cho chủ trương ấy thất bại. Ví dụ con đường đó anh dự kiến là 3 tỷ USD, cuối cùng làm 6 tỷ USD thì còn hiệu quả gì nữa. Hay thời gian làm dự kiến là 3 năm, anh lại làm trong 6 năm thì còn hiệu quả gì nữa?
Vấn đề người ta đặt ra không chỉ là chủ trương xây dựng sân bay Long Thành có đúng hay không mà còn là cách làm thế nào.
Tôi nói ví dụ, việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành kết hợp thế nào với sân bay Tân Sơn Nhất, bởi vì theo một cách nào đó có thể người ta lại hóa giải và biến sân bay Tân Sơn Nhất đó chuyển qua mục đích khác chẳng hạn, trong khi ở nhiều quốc gia thì những đô thị lớn có từ 2-4 sân bay, sân bay quốc tế cũng có 2 cái. Như vậy việc kết hợp giữa 2 sân bay này như thế nào để đạt được hiệu quả cũng là một cách phải đặt ra.
Cho nên cái nhiều đại biểu băn khoăn trong đó có tôi chính là chúng ta làm như thế nào, cái đó là chưa rõ, chưa thấy được. Do đó, nếu Quốc hội có chủ trương cho tiến hành thông qua chủ trương của việc này thì bước đầu tiên là cái tiền khả thi sẽ hết sức quan trọng.
Và không nên coi việc Quốc hội thông qua chủ trương này có nghĩa là từ nay trở về sau mọi việc đều do Chính phủ cả, mà theo tôi có thể Quốc hội sẽ lại tiếp tục xem xét chủ trương này một lần nữa sau những công tác chuẩn bị về tiền khả thi.
Chúng ta cũng phải xem những ý kiến phản biện vì hiện nay có nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành hàng không, những người có thẩm quyền và cũng có trình độ phân tích.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội:“Các yếu tố đã chín muồi…”
Hiện nay các yếu tố khách quan và chủ quan đã chín muồi để chúng ta bắt tay vào triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đối với Dự án Long Thành, chúng ta đang thực hiện nguyên tắc thời gian chuẩn bị kéo dài nhưng thời gian triển khai ngắn lại. Đây là quyết định của Bộ Chính trị và khác hẳn với những dự án khác.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (ảnh: Việt Hưng).
Các dự án khác thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng thời gian thi công thì rất dài, chính vì thế, có những dự án, ví như Dự án đường cao tốc Hải Phòng. Dự án này có một đoạn 100 km nhưng đến 7 năm chưa xong, dự kiến cuối năm nay mới xong. Như vậy là 8 năm mới xong. Điều này sẽ làm thiệt hại cho cả nền kinh tế cũng như nhà đầu tư
Lần này, Bộ Chính trị đổi lại phương thức ấy, chúng ta chuyển sang phương thức kéo dài thời gian chuẩn bị, để những kinh nghiệm tốt và không tốt đều có thể đưa vào dự án. Trong những năm 2016 - 2020 nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn, các chỉ số để tính dự toán sẽ chuẩn xác hơn.