Với mức độ cải thiện 27,58% so với chỉ số xây dựng và thực thi pháp luật (MEI) của năm 2012 cùng nhiều cải thiện về xây dựng, thực thi pháp luật khác của bộ, ngành mình từ trung ương đến địa phương, Bộ GTVT được các doanh nghiệp đánh giá là “ngôi sao cải cách” năm 2014.
Đó là khẳng định trong báo cáo về Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ ngành (MEI) năm 2014 vừa được Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chiều nay 22/6 tại Hà Nội.
Lễ công bố Chỉ số Xây dựng, thi hành pháp luật (MEI) 2014 được
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chiều 22/6
Theo Báo cáo, nếu xét điểm số tuyệt đối, Bộ GTVT chỉ đứng đầu duy nhất chỉ số về rà soát, kiểm tra thi hành pháp luật, nhưng về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình ở MEI 2012 thì Bộ GTVT đứng hạng nhất ở 3 trong 5 chỉ số.
Xét về từng chỉ số, Bộ GTVT tăng cao hơn nhiều lần so với tốc độ tăng thêm trung bình của các Bộ. Ở chỉ số xếp thứ nhất so với các bộ, ngành là Chỉ số hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật (với mức tăng 50,99%) cao hơn gấp 6 lần ở Chỉ số hiệu quả rà soát kiểm tra tổng thể thi hành pháp luật (tăng 41,16%); hơn 3 lần ở Chỉ số Chất lượng VBQPPL (tăng 16,07%) và hơn 2 lần ở hiệu quả thi hành pháp luật (tăng 16,07%) so với các Bộ còn lại. Bộ GTVT có sự tăng điểm ấn tượng nhất trong MEI 2014 so với 13 bộ còn lại.
|
Đ/c Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng luôn chủ trì mọi cuộc họp giữa Ban Cán sự đảng Bộ và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của Bộ GTVT nhằm chỉ đạo giải quyết kịp thời mọi vấn đề nóng, phát sinh của Ngành. Công tác xây dựng Văn bản QPPL được đặc biệt quan tâm. Quan điểm hành động của Lãnh đạo và CB CNVC-LĐ Ngành GTVT là luôn vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp.
|
Chỉ số MEI năm 2014 được công bố lần thứ 5 liên tiếp. MEI năm 2014 là bộ Chỉ số được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011. Đây là một trong những công cụ chính sách để Chính phủ, Bộ ngành đánh giá tình hình thực hiện và triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
MEI 2014 được thực hiện dựa trên 19 chỉ tiêu được tập hợp trong 5 Chỉ số và được khảo sát, đánh giá bởi hơn 228 hiệp hội doanh nghiệp, trên 409.000 doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh trong toàn quốc về năng lực xây dựng và thực thi pháp luật ở 14 bộ ngành, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
Năm 2014, 4 trong 5 Chỉ số đánh giá, MEI năm 2014 của các Bộ, ngành đã tăng điểm so với MEI 2012, với mức tăng trung bình chung là 10%. 3 trong số 5 Chỉ số có điểm trung bình khá, 70,46 điểm/100. 5 Chỉ số độc lập tương ứng với 5 bảng xếp hạng của MEI năm 2014 là cơ sở cho cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là: Chất lượng văn bản; Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và Rà soát, kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật ở các Bộ ngành.
Kết quả lần lượt là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đứng đầu về hiệu quả soạn thảo Văn bản Quy phạm pháp luật (VBQPPL) với 58,08 điểm/100. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đứng đầu về xếp hạng chất lượng VBQPPL với 66,08 điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông đứng đầu xếp hạng hiệu quả Công khai thông tin, truyền thông và phổ biến pháp luật với 62,60 điểm, Ngân hàng Nhà nước đứng đầu trong thi hành pháp luật với 74,59 điểm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đứng đầu về rà soát, kiểm tra và tổng kết thi hành pháp luật với 68,22 điểm.
Theo Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đơn vị nghiên cứu nhận định: “MEI 2014 không phải là bản tự khai của các Bộ ngành mà là bản đánh giá của các DN, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là một trong những công cụ đánh giá năng lực và cải thiện thể chế, môi trường ở các bộ ngành nhằm cụ thể hóa, tăng tốc hội nhập quốc tế”.
Phát biểu góp ý tại Lễ Công bố, Bà Victor Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định: “Cùng với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đánh giá môi trường kinh doanh của EuroCham, AmCham thì MEI 2014 đã và đang là những chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam từ cộng đồng doanh nghiệp, khu vực dân doanh và các nhà đầu tư nước ngoài. WB kỳ vọng Việt Nam sẽ sử dụng các ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, người dân để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới”.
Theo Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan: “Mặc dù có đánh giá tích cực về các Bộ, tuy nhiên về khía cạnh ngành dọc (từ bộ, ngành xuống các sở, phòng đơn vị địa phương) lại còn tồn tại. Trong khi các Văn bản, thực thi văn bản ở Bộ, ngành trung ương rất tốt, nhưng lại nghẽn ở đơn vị địa phương. Đây là điểm “chết” trong xây dựng và thực thi pháp luật thời gian vừa qua. Tồn tại lớn nhất ở Việt Nam chính là việc xây dựng và ban hành pháp luật còn chồng chéo, hầu hết các luật, văn bản đưa ra đều có liên quan đến nhiều bộ, ngành và cơ quan. Chính vì vậy, việc thi hành và quy định trách nhiệm còn rất hạn chế ở địa phương”.