Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và tổng mức đầu tư 5 dự án đường cao tốc của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) theo đúng thẩm quyền, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành.
5 dự án trên gồm: Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án Bến Lức - Long Thành; Dự án Nội Bài - Lào Cai; Dự án TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai 1 trong 5 dự án điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn. Ảnh mt.gov.vn
Về cơ chế Nhà nước hỗ trợ thiếu hụt dòng tiền trong trường hợp nguồn thu của 2 dự án Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đủ trả nợ vốn vay đến hạn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, cắt giảm các hạng mục chưa thật sự cần thiết của 2 dự án để giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phải tính toán kỹ nguồn thu của từng dự án theo hướng tối ưu hóa các khoản thu (thu phí và các khoản thu khác); trên cơ sở đó chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2015.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính cân đối, bố trí phần vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho các dự án đường cao tốc của VEC trong tổng kế hoạch vốn được giao hàng năm của Bộ Giao thông vận tải theo quy định.
Về nguyên tắc thu phí hoàn vốn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý 5 dự án trên được VEC thu phí, số tiền thu phí sau khi trừ các chi phí hợp lý phục vụ công tác thu phí, sẽ được sử dụng để hoàn vốn cho phần vốn VEC vay lại hoặc VEC tự huy động. Sau khi hoàn vốn cho phần vốn do VEC huy động (cả gốc và lãi) thì dự án sẽ được bàn giao cho Nhà nước theo quy định.