Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Đinh La Thăng tại cuộc họp thường kỳ sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết và thảo luận, thống nhất một số nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm của Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương vào chiều nay (14/7).
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp thường kỳ
sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương
6 tháng đầu năm thu phí sử dụng đường bộ đạt hơn 58% kế hoạch
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh - Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương cho biết: Tính đến hết ngày 30/6/2015, các phương tiện ô tô nộp phí qua 132 trạm đăng kiểm trên cả nước đạt 2784,899 tỷ đồng/4.838,683 tỷ đồng kế hoạch thu được giao. Riêng số tiền nộp về Quỹ TW là 2.743,272 tỷ đồng/4.692,067 tỷ đồng (đạt 58,46% so với kế hoạch thu cả năm 2015) và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2014. Tính bình quân số thu 1 ngày tại các trạm đăng kiểm trên địa bàn cả nước là: 22,3 tỷ đồng/ngày. Dự kiến kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ năm 2015 điều chỉnh tăng khoảng 413,930 tỷ đồng.
Căn cứ trên cơ sở số lượng xe ô tô của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đăng ký và đề nghị, Quỹ Trung ương đã giao kế hoạch thu phí năm 2014 là 26,194 tỷ đồng (Quyết định số 10/QĐ-QBTĐB ngày 30/3/2015). Trong đó số phí nộp Quỹ Trung ương là 25,932 tỷ đồng. Đến hết Quý II năm 2015, đã hoàn thành công tác thu nộp kinh phí về Quỹ Trung ương và giao các ấn chỉ “vé đường bộ toàn quốc” cho các đơn vị sử dụng.
Năm 2015, nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho Quỹ Trung ương là 3.100 tỷ đồng. Trên cơ sở đề nghị của Quỹ Trung ương, Bộ Tài chính đã chuyển kinh phí cấp bổ sung cho Quỹ Trung ương là 775 tỷ đồng/3.100 tỷ đồng kế hoạch năm 2015. Nguồn kinh phí bổ sung này đã được Quỹ BTĐB Trung ương chuyển về các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo trì quốc lộ.
Cũng theo ông Minh, trong 6 tháng đầu năm nay Bộ đã thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên hệ thống quốc lộ với chiều dài 17.680 km/21.109 km tổng chiều dài quản lý (Bộ GTVT đã bàn giao cho các chủ đầu tư, Ban QLDA để triển khai các dự án 2.024km, các doanh nghiệp BOT quản lý, đầu tư và vận hành khai thác gần 1.405km).
Đến nay, toàn bộ các gói thầu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên đã được duyệt dự toán và triển khai, đã có 114/128 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng quản lý bảo dưỡng thực hiện trong 03 năm 2015 - 2017 là 1.068,7 tỷ đồng, còn lại 14 gói thầu còn lại đang xét thầu. Đối với một số tuyến mới được nâng cấp từ đường địa phương thành quốc lộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo các Sở GTVT triển khai việc đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên và sẽ đề nghị Quỹ TW giao bổ sung vốn để thực hiện.
Tổng số dự án sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất năm 2015 là 950 dự án, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết 30/6/2015 các cơ quan, đơn vị đã phê duyệt 902/950 dự án. Đối với các dự án thuộc diện bổ sung đang được các đơn vị liên quan khẩn trương phê duyệt và sẽ hoàn thành trong tháng 8/2015. Tính đến 30/6/2015 có 2.934km quốc lộ đã được triển khai sửa chữa nền, mặt đường, đã sửa chữa 347 chiếc cầu, 259 mét rãnh thoát nước, 135 cống ngang, thay thế 21.423 mét tôn hộ lan mềm, gia cố 96 điểm sụt trượt taluy, 32 điểm đen và điểm mất an toàn giao thông.
Đến hết 30/6/2015 các cơ quan, đơn vị đã
phê duyệt 902/950 dự án sữa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất
Trong 6 tháng cuối năm, Quỹ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT rà soát cơ chế chính sách liên quan đến quy trình phối hợp giữa Quỹ BTĐB Trung ương và Bộ GTVT trong việc lập, phân bổ, giao kế hoạch chi bảo trì hệ thống quốc lộ theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính; phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1486/QĐ-TTg, đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và các văn bản liên quan tại Thông tư Liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT; Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014…để tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về Quỹ BTĐB, bảo đảm hoạt động của Quỹ được công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người dân; tiếp tục phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét xử lý một số vị trí điểm đen và các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên đường bộ.
Chuyển biến tích cực trong bảo trì sửa chữa đường bộ
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Từ khi có Quỹ BTĐB công tác bảo trì, sửa chữa đường quốc lộ, đường địa phương đều có sự chuyển biến tích cực. Hiệu quả của Quỹ là rất tốt, công tác quản lý thu, chi ngày càng chặt chẽ và tốt hơn. Việc sửa chữa kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có bất cập.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Quỹ giao kế hoạch thì Quý III phải giao kế hoạch chi cho năm sau, Quý IV tổ chức đấu thầu bảo trì sữa chữa để sang Quý I năm sau có thể triển khai thực hiện. Việc bảo trì sửa chữa phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như quy định về máy móc thiết bị.
“Các cơ quan, đơn vị liên quan phải thực hiện giải ngân kịp thời; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tiếp tục kiểm soát tải trọng phương tiện…” - Bộ trưởng yêu cầu.
K.A