Sáng 20/7, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải nhằm tháo gỡ khó khăn của Doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải 6 tháng đầu năm và định hướng triển khai 6 tháng cuối năm 2015. Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật; Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Khuất Việt Hùng cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT; các Sở GTVT, các Doanh nghiệp (DN)... Hội nghị được truyền hình trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng và các đồng chí Thứ trưởng điều hành Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá 6 tháng đầu năm 2015 bên cạnh những thuận lợi, ngành GTVT tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực cố gắng của toàn Ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của các doanh nghiệp và nhân dân, ngành GTVT đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển đất nước.
“Trong 6 tháng qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, nhiều dự án quan trọng được đẩy nhanh tiến độ, các giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông được triển khai đồng bộ, quyết liệt, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; trong lĩnh vực vận tải đã khen thưởng 57% vận tải hàng hóa và 74% vận tải hành khách so với cùng kỳ năm trước,…” Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu khai mạc Hội nghị
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015 - 2016. Thứ trưởng nhấn mạnh đến nhiệm vụ tái cơ cấu của ngành GTVT, trong đó có tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2015.
Thứ trưởng đề nghị tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, ban hành các văn bản QPPL theo chương trình công tác năm 2015; triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt; nâng cao chất lượng vận tải, nâng cao uy tín, thương hiệu, năng lực cạnh tranh vận tải và phục vụ tốt nhất cho xã hội và cho người dân; nghiên cứu và tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào quản lý nhà nước, quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp trong hoạt động vận tải, tạo sự công khai, minh bạch; tăng cường kiểm soát chặt chẽ, các phương tiện vận tải góp phần giảm TNGT, tạo môi trường lành mạnh, đặc biệt về xe quá tải...
Báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn của Doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ GTVT đã không ngừng tăng cường công tác quản lý, đồng hành cùng các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh các lĩnh vực vận tải, đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Cụ thể, Bộ GTVT đã tham mưu trình Chính phủ nhiều Văn bản QPPL và Đề án về lĩnh vực quản lý vận tải, tất cả nội dung đều đáp ứng mục tiêu phát triển của kinh tế, xã hội, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có những văn bản về cơ chế chính sách quan trọng tạo tiền đề phát triển hiệu quả mạng lưới bến xe và hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;.... Công tác chỉ đạo điều hành hoạt động vận tải cũng được Bộ triển khai thực hiện quyết liệt, tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trọng tâm là về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện,...
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc trình bày báo cáo kết quả
tháo gỡ khó khăn của Doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải
Để thúc đẩy phát triển vận tải, tạo điều kiện rút ngắn thời gian và chi phí vận tải, Bộ GTVT đã tập trung đẩy mạnh triển khai thi công các công trình, dự án ngay từ những ngày đầu năm 2015. Đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ 59 công trình, hoàn tất công tác chuẩn bị, triển khai thi công 31 dự án. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công, công tác quản lý chất lượng các công trình luôn được Bộ chú trọng; tăng cường nhiều giải pháp, kịp thời khắc phục các hư hỏng phát sinh, nhất là tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên đường.
Mới đây, Bộ GTVT được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố là Bộ đứng đầu bảng xếp hạng các Bộ năm 2014 về chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật và cũng dẫn đầu về mức độ cải thiện điểm số so với điểm MEI 2012 của mình. Dịch vụ công trực tuyến cũng được Bộ triển khai mạnh mẽ, trong tổng số 532 TTHC đã rà soát có 32 TTHC được cung cấp ở mức độ 3 (chiếm 6%), 500 TTHC cung cấp ở mức độ 2 (chiếm 94%); việc cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng đã được triển khai, các thủ tục liên quan đến đăng kiểm cũng được đẩy mạnh cải cách, rút gọn thủ tục giấy tờ;...
Điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh
Theo ông Trần Bảo Ngọc, trong 6 tháng qua, Lãnh đạo Bộ GTVT đã chủ trì 18 Hội nghị thuộc tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải để trực tiếp gặp, lắng nghe và trao đổi cùng doanh nghiệp theo từng chuyên đề và lĩnh vực như: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển; vận tải đường bộ và kiểm soát tải trọng phương tiện; dịch vụ Logistics; quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ;... Ngoài ra, Bộ đã đã nhận và trả lời giải quyết ngay nhiều đơn kiến nghị, công văn và yêu cầu từ Doanh nghiệp.
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cũng luôn là vấn đề cấp thiết được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, UBATGTQG, sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT với mục tiêu đến cuối năm 2015 cơ bản không còn xe vi phạm chở quá tải cho phép.
Với những kết quả thực hiện tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải 6 tháng đầu năm 2015 đạt được, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải rào cản về minh bạch chất lượng dịch vụ, môi trường kinh doanh chưa lành mạnh; vận tải đường bộ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp về ATGT, quản lý và kiểm soát hiệu quả tình trạng xe quá tải cả trong vận tải hàng hóa và vận tải hành khách; còn chậm trong triển khai thực hiện Tái cơ cấu vận tải; ứng dụng Công nghệ thông tin trong vận tải đường bộ và đường thủy vẫn còn chậm, lạc hậu...
Điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy mục tiêu là sự hải lòng của Người dân và Doanh nghiệp, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định: Bộ GTVT sẽ chỉ đạo mạnh mẽ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016. Cụ thể: Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản QPPL theo chương trình công tác năm 2015; tập trung thực hiện quyết liệt công tác CCHC vì sự hài lòng hơn của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động vận tải; phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng đường bộ, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển; đẩy mạnh thực hiện phong trào “4 xin” “4 luôn” trong ngành GTVT và doanh nghiệp vận tải;...
Bên cạnh đó, những nhiệm vụ cụ thể từng lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt, kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp siết chặt quản lý; loại bỏ những rào cản để xây dựng một môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển và hội nhập, mang đến cho nhân dân dịch vụ vận tải chất lượng, văn minh, hiện đại với chi phí hợp lý...
Gỡ khó trực tiếp tại Hội nghị cho nhiều Doanh nghiệp
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp vận tải đã có nhiều ý kiến kiến nghị trực tiếp tới Lãnh đạo Bộ GTVT, đồng thời cũng nhận được giải đáp từ Lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng của Bộ.
Đại diện Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên phát biểu ý kiến tại đầu cầu Hà Nội.
Ông Tạ Công Thuận - Chi hội DN cung cấp thiết bị giám sát hành trình, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Trong công tác quản lý GPS, giai đoạn 1 cung cấp nhiều giấy phép GPS, Bộ có ý kiến không nên cho “trăm hoa đua nở” trong việc cấp phép, nhằm quản lý chặt và tạo điều kiện cho DN cung cấp thiết bị chất lượng hơn ra thị trường. Thời gian tới, lắp đặt cho xe tải và xe taxi thì Bộ nên có chủ trương cơ chế quản lý tốt hơn đối với việc cấp phép GPS.
Về Trung tâm dữ liệu đường bộ, ông Tạ Công Thuận cho rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thực hiện kiểm tra DN giám sát hành trình để xử lý các DN vi phạm. Tuy nhiên, số liệu thống kê vi phạm của Trung tâm và phần mềm của nhà cung cấp thiết bị không khớp nhau nên thông báo xử phạt về các DN đều nhận được sự phản đối. Hiện, Tổng cục đang cho thực hiện lại về phần mềm, đề nghị Bộ cho phép đối chiếu thống kê trong vòng 2-3 tháng khớp nội dung rồi mới đưa vào chính thức.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên: Có nhiều quy định siết chặt công tác quản lý lái xe để đảm bảo ATGT, nhưng thực tế một số vấn đề chưa phù hợp nên trong thực tiễn lái xe vẫn còn đối phó. Điều 11, Nghị định số 86 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp bảo hiểm cho người lao động. Điện Biên có 8 DN vận tải nhưng bình quân chỉ có 5% DN nộp bảo hiểm cho lái xe.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, thời hạn khám sức khỏe cho lái xe hiện quy định là 6 tháng, nên tăng lên 1 năm. Quy định yêu cầu với xe khách giường nằm là lái xe có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, nên có hạng E; tăng điều kiện đào tạo, sát hạch, không nhất thiết để 3 năm, thực tế chưa chắc đã lái xe ở đâu bao giờ.
“Thời hạn nên để 6 tháng hoặc 1 năm đồng thời với tích lũy km an toàn, các cơ quan Nhà nước kiểm tra hậu kiểm số km an toàn này, tránh tình trạng đối phó từ lái xe hay DN” - ông Mạnh đề nghị.
Trả lời các câu hỏi mà DN quan tâm về luồng tuyến, đào tạo lái xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Nhà nước có trách nhiệm công bố quy hoạch luồng tuyến, DN đăng ký hoạt động, không cần thiết xác nhận của Sở GTVT. Sở phải thực hiện công tác hậu kiểm. Nếu không đảm bảo theo yêu cầu thì sẽ dừng, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu theo hướng bỏ việc DN phải đăng ký xin phép với hai Sở GTVT nơi đi/đến.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết với lái xe khách giường nằm, Bộ sẽ nghiên cứu theo hướng giảm thời gian 3 năm kinh nghiệm, siết chặt đào tạo đầu ra. Với khám sức khỏe lái xe, sẽ quy định thời hạn là 1 năm, nhưng phải đảm bảo việc khám sức khỏe nghiêm túc.
Ông Bùi Văn Quảng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh: về vấn đề siết chặt xe chở quá tải, các DN vận tải chân chính mong muốn được chở đúng tải, nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn chở quá tải, gây bức xúc trong cộng đồng các DN vận tải. Phổ biến nhất là một số tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương… về TP. Hồ Chí Minh lấy hàng vẫn còn chở quá tải.
Ông Bùi Văn Quảng đề nghị xem xét lại cấp giấy phép kinh doanh thiết bị giám sát hành trình, DN nào có năng lực thì cấp phép, năng lực nào kém không cho, vì không đủ năng lực cung cấp cho DN thiết bị rồi khi không hoạt động nữa lại gây khó cho DN.
Ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe miền Đông: Hiện nay đang giao cho Bến xe quá nhiều việc trong kiểm tra an toàn, siết chặt vận tải như giám sát xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra GPS, với số lượng trên 1.000 xe xuất bến/ngày, lễ tết có thể lên tới 2.000 xe/ngày.
Ông Thượng Thanh Hải đề nghị cần có định kỳ kiểm tra các phương tiện vận tải ngay tại đơn vị kinh doanh, đã giao cho đơn vị vận tải thì đơn vị phải chịu trách nhiệm, bến xe chỉ kiểm tra các loại giấy tờ còn thời hạn hay không như lệnh vận chuyển, giấy phép lái xe.
Ông Đậu Xuân Ngọc - Công ty Thiên Trường: Đề nghị xem xét lại Quyết định về bố trí luồng tuyến ra/ vào TP Hà Nội; kiểm tra rà soát toàn bộ tuyến đường hiện đang thu phí nhưng chưa hoàn thiện, phải trả phí đi trên con đường chưa xong, đường hằn lún QL1 nhưng phí vẫn thu đầy đủ, có trạm thu 20.000đ lượt, có trạm 30.000 đồng/lượt, mức độ đường và phí như vậy đã phù hợp chưa?
Trả lời các câu hỏi mà DN quan tâm về công tác vận tải, phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện Năm ATGT 2015 với mục tiêu “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, Bộ sẽ giao vụ Vận tải xem xét lại chức năng nhiệm vụ, đúng quy định của pháp luật; sẽ tăng cường kiểm tra để tránh tình trạng xe dù, bến cóc để khuyến khích xã hội hóa đầu tư bến xe.
Bộ trưởng cũng cho biết đối với hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, Bộ đang chỉ đạo khắc phục, phần lớn những chỗ hằn lún chưa thu phí đang trong quá trình hoàn thiện. Những chỗ hằn lún Bộ yêu cầu khắc phục, nếu không khắc phục được thì sẽ yêu cầu dừng thu phí, khi nào khắc phục xong mới cho thu phí trở lại.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sự ủng hộ của đại đa số các DN đã ủng hộ các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ trong việc siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe. Đặc biệt, ngành GTVT năm nay thực hiện chủ trương “Vì sự hài lòng hơn của người dân và DN”, do đó, các ý kiến, kiến nghị của DN, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ, những kiến nghị trả lời trực tiếp sẽ có văn bản trả lời ngay, nhằm đem lại sự hài lòng, thuận lợi nhất của DN.
“Cuộc đối thoại này hết sức cần thiết và có hiệu quả. Tất cả các đề xuất kiến nghị của DN đều được các cơ quan của Bộ phản ánh chu đáo, cũng như tiếp thu ghi nhận để tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ cho các DN” - Bộ trưởng nói.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, có vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ , những vấn đề phát sinh trong thực tế, các DN tiếp tục phản ảnh với Bộ để cùng trao đổi, tháo gỡ.
Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực được phân công phụ trách, trực tiếp cùng với các cơ quan của Bộ trong tháng 7/2015 phải giải quyết các vấn đề liên quan được nêu tại hội nghị này bằng văn bản. Bộ trưởng cũng yêu cầu các Vụ, Cục, Tổng cục tiếp tục lắng nghe, tiếp tục cung cấp đường dây nóng để các cơ quan, các đơn vị có liên quan phản ánh để trực tiếp xử lý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu những văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT (Thông tư, quy định, quyết định)…được nêu còn vướng mắc khó khăn trong thực hiện phải sửa đổi ngay để tháo gỡ cho DN. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, ghi nhận và xem xét báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét, quyết định sửa đổi Luật.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để tăng cường tuần tra, kiểm soát, hoạt động kinh doanh trên cảng, tạo môi trường minh bạch cho các DN; tăng cường kiểm soát, kinh doanh vận tải đúng quy định của pháp luật, kiểm soát tải trọng đường bộ, hạn chế thấp nhất xe quá tải trọng.
“Bộ Công an và Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng có liên quan thực hiện pháp luật một cách nghiêm túc, không bao che, không dung túng, xử phạt nghiêm minh, công khai minh bạch” - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng đề nghị các Hiệp hội, các DN tiếp tục ủng hộ và vận động hội viên thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, các Hiệp hội, DN cố gắng tham gia để Bộ cùng xây dựng, phản ánh đầy đủ nhất của các DN để văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành phải thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác quản lý nhà nước. Tất cả các văn bản, dự thảo quy phạm pháp luật đều được đưa tin trên website của các Cục, Vụ và trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong tất cả các lĩnh vực và đề nghị các cơ quan, đơn vị, DN vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an trong việc thực hiện giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế TNGT; tăng cường chất lượng đào tạo sát hạch lái xe, tăng cường quản lý trách nhiệm DN vận tải.
Tr. Bích - X.Nguyên