Sáng 22/7, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Quốc lộ 9B đoạn Km0 - Km4 (Quán Hàu - Vĩnh Tuy) và Km20-Km52 (Ngã ba Vạn Ninh - Nga ba Tăng Ký); Dự án ĐTXD Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm việc với lãnh đạo Sở GTVT Quảng Bình
và các cơ quan, đơn vị liên quan về chủ trương đầu tư hai dự án.
Ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết, Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Quốc lộ 9B đoạn Km0-Km4 (Quán Hàu - Vĩnh Tuy) và Km20-Km52 (Ngã ba Vạn Ninh - Nga ba Tăng Ký) đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tại Quyết định số 2697/QĐ-BGTVT ngày 15/7/2014 và theo các Quy hoạch đã được Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt, với tổng chiều dài nghiên cứu thiết kế là 33km; tỉnh đề xuất quy mô tuyến đường cho đoạn Km0-Km4 và Km20-Km32 là đường cấp IV đồng bằng, đoạn Km32-Km52 là đường cấp IV miền núi; bề rộng nền đường là 9m, mặt đường 7m; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 663 tỷ đồng.
Dự án ĐTXD QL12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tại Quyết định số 2696/QĐ-BGTVT ngày 15/7/2014; phạm vi nghiên cứu, điểm đầu tuyến tại lý trình Km616+398,7/QL1 thuộc địa phận xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch; điểm cuối tuyến tại lý trình Km5+104,7/QL12A thuộc địa phận thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình; tổng chiều dài tuyến là 5,355km; thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; chiều rộng nền đường là 12m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 266 tỷ đồng.
“Chúng tôi xác định đây là dự án hết sức quan trọng đối với địa phương, cần thiết đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy đề nghị Bộ GTVT xem xét thẩm định và phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo” - ông Phạm Quang Hải kiến nghị.
Tại cuộc họp, các thành viên dự họp đều nhất trí cần thiết đầu tư hai dự án trên, phù hợp với chủ trương và quy hoạch đã được Bộ GTVT cho phép chủ trương đầu tư, đảm bảo tính pháp lý của dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần phân tích rõ hơn nhu cầu phát triển; sự cần thiết đầu tư; quy mô đầu tư; kết cấu mặt đường; các số kiến nghị liên quan đến kỹ thuật; có giải pháp phối hợp với địa phương để giữ quỹ đất theo quy hoạch; cập nhật giá đền bù giải phóng mặt bằng mới nhất; kinh phí dự phòng…
Theo Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết, nguồn vốn các Dự án này đã được Bộ GTVT đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để thỏa thuận vốn chính thức.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định tính cần thiết đầu tư của hai dự án này, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về kết nối Việt Nam - Lào, phát triển đồng bộ kết nối các phương thức vận tải và các vấn đề về cảng biển.
Thứ trưởng đề nghị Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên dự họp, hoàn chỉnh hồ sơ lập dự án đầu tư. Thứ trưởng đồng tình với quy mô QL9B, tuy nhiên cần lưu ý tính toán lại lưu lượng, tiêu chuẩn, thủy văn…; phải có ý kiến thỏa thuận với địa phương về bình đồ, nguồn vật liệu; thực hiện đúng các quy trình, quy phạm về đường, cầu; phân tích đánh giá các giải pháp kỹ thuật khi thiết kế. Đối với QL12A, trong hồ sơ phải đưa ra phương án so sánh; đồng bộ kết cấu. Tư vấn rà soát, tính toán suất đầu tư của hai dự án, hạn chế tối ưu về vốn, đánh giá hiệu quả đầu tư để tiết kiệm tổng mức đầu tư.
Thứ trưởng giao Vụ Kế hoạch Đầu tư trình bổ sung hai tuyến này vào Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
VH