Không điều chỉnh tiến độ Dự án cầu Bạch Đằng và đường nối

Thứ ba, 11/08/2015 13:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại buổi họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng và các nhà đầu tư Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến và đường nối TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng, sáng nay (11/8).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Vũ Văn Khánh; giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Vũ Duy Tùng cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị và 8 nhà thầu Liên danh BOT của dự án cùng tham dự cuộc họp.


Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu nhà thầu
khắc phục điều kiện, đảm bảo tiến độ Dự án như đã cam kết

Dự án cao tốc Hạ Long-Hải Phòng bao gồm 2 dự án thành phần: Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT và Dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng.

Dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng Dự án có chiều dài tuyến 19,8km với tổng mức đầu tư 6.416 tỷ đồng. Phần xây lắp được phân chia thành 7 gói thầu: bao gồm 3 gói thầu đường; 3 gói thầu cầu; 1 gói ATGT, cây xanh và điện chiếu sáng. Hiện nay các gói thầu thi công các cầu sông Chanh và sông Rút đảm bảo tiến độ đã cam kết. Riêng cầu sông Hốt do nền địa chất phức tạp (nhiều hang Kaster) nên tiến độ không đạt được như đã cam kết (18 tháng), tuy nhiên vẫn đảm bảo tiến độ theo Hợp đồng là 24 tháng.

Các gói thầu đường tiến độ các gói thầu XL01, XL03 đảm bảo theo tiến độ đã cam kết. Riêng gói thầu XL-02 (do Doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện) khối lượng công việc lớn (phần tuyến dài 9,3km và 08 cầu vượt, nút giao), công tác điều hành của nhà thầu tại công trường yếu do thiếu nhân sự nên tiến độ thi công chậm so với các gói thầu khác và tiến độ chung của Dự án. Hiện vốn cấp cho Dự án đến thời điểm này được 1.810 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân 700 tỷ đồng.


Bộ trưởng Đinh La Thăng nghe đại diện doanh nghiệp dự án
báo cáo tình hình triển khai tại thực địa ngày 5/8

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch doanh nghiệp BOT Dự án cho biết:Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT, tính đến hết ngày 15/7/2015, các nhà đầu tư dự án đã nộp đủ số vốn chủ sở hữu theo quy định với tổng số tiền 800 tỷ đồng. Việc huy động vốn vay tín dụng hiện các ngân hàng vẫn đang được tích cực triển khai.

Tại cuộc họp, đại diện Liên danh các nhà thầu cũng khẳng định, với tiến độ hiện tại thì toàn bộ phần nhịp dẫn, phần đường có thể kết thúc vào tháng 12/2016. Riêng phần cầu chính, nếu thời tiết thuận lợi, các đơn vị triển khai quyết liệt, sẽ hoàn thành vào Quý I/2017.

Tuy nhiên, để có thể đảm bảo tiến độ, đại diện doanh nghiệp dự án đề nghị Quảng Ninh bàn giao mặt bằng bổ sung đường dẫn và nút giao đầm nhà Mạc đồng thời Quảng Ninh và Hải Phòng có biện pháp di dời đường điện cao thế và phạm vi đất của công ty thuộc Bộ Quốc phòng.

“Hiện nay việc vay vốn tín dụng cho dự án đang có nhiều khó khăn do ngân hàng đang thẩm định rất chặt chẽ, do đó, Doanh nghiệp BOT đề nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác vay vốn tín dụng cho dự án”, ông Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị.

Tại cuộc họp, đại diện 2 địa phương và các cơ quan quản lý cho rằng hiện nay một số gói thầu chậm tiến độ và đều do lỗi chủ quan của nhà thầu, ngoài Trung Nam và CIENCO 1 đã triển khai thi công từ tháng 6/2015, còn lại các Nhà thầu đều triển khai chậm, đặc biệt là Gói thầu XL02 và XL07 do Liên danh Công ty Cái Mép – Cầu 12 (chiếm 21% khối lượng của dự án) triển khai quá chậm mặc dù điều kiện mặt bằng thuận lợi.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, công tác GPMB, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến thuộc địa phận tỉnh.  Hiện Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng đang phối hợp với UBND TX Quảng Yên giải phóng mặt bằng bổ sung phần nhánh rẽ nút giao Đầm Nhà Mạc, trạm thu phí.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành
cam kết hỗ trợ mọi điều kiện để nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công

Về phía Hải Phòng, tổng diện tích của dự án là 16ha (trong đó 9,7ha phải GPMB của Tổ chức, cá nhân; đất giao thông, mặt nước là 6,3 ha) và di chuyển đường điện, di dời trụ tiêu hàng hải... Tổng số đã bàn giao 8,08ha và tạm giao 1,53 ha.

 Tại buổi làm việc, đại diện Sở GTVT Quảng Ninh, Hải Phòng đều cho rằng địa phương đã tạo điều kiện rất tốt về mặt bằng cho Dự án nhưng nhà đầu tư đã không tích cực triển khai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay từ khi bắt tay vào triển khai dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để dự án có thể dễ dàng triển khai.

“Có thể khẳng định chưa có dự án nào như dự án này được Quảng Ninh tạo điều kiện tốt nhất về các điều kiện từ nguồn vốn đến mặt bằng thi công…”, ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thành cũng nhấn mạnh, quan điểm của Quảng Ninh là phần đường và cầu của Dự án phải xong cùng thời điêm, không thể có chuyện đường xong để đợi cầu, như thế dự án cũng không đưa vào khai thác sử dụng được. Về phía Quảng Ninh, tỉnh cũng cam kết sẽ có thường, phạt nghiêm minh để động viên nhà thầu cũng như có các biện pháp đủ mạnh với nhà thầu cố tình chậm trễ, không đủ năng lực. Ông Thành cũng khẳng định sẽ hỗ trợ tốt nhất phần vốn làm đường và các thủ tục tín dụng cho nhà đầu tư yên tâm triển khai Dự án.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và các nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, đây là dự án hết sức quan trọng không chỉ đối với Quảng Ninh, Hải Phòng mà cả khu vực Đông Bắc bộ. Dự án này nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định, Dự án đã bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT và 2 địa phương cũng đã tháo gỡ khó khăn, các nhà đầu tư phải tập trung vào thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề  nghị Quảng Ninh, Hải Phòng quan tâm giải quyết mặt bằng, bàn giao sớm cho nhà đầu tư, nhà thầu; Cung cấp mỏ vật liệu chính thức cho nhà thầu đảm bảo tiến độ và chất lượng cho nhà thầu thi công cũng như tạo điều kiện về đường giao thông, đường công vụ chuyên chở trong quá trình thi công. Sau khi thi công xong phải có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng cho địa phương theo đúng quy định; Đảm bảo an toàn giao thông, thi công an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực dự án; sẵn sàng bảo vệ thi công khi đã làm đầy đủ mọi trách nhiệm với người dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nghiêm khắc yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật; khẩn trương ký được các hợp đồng tín dụng. Chủ đầu tư phải rà soát lại toàn bộ thiết kế, tiến độ thi công; thiết kế tổ chức thi công, biện pháp thi công (đặc biệt lưu ý tiến độ khoan: có dự trữ thiết bị khoan, phụ tùng thay thế…) thi công phải đảm bảo chất lượng dự án, đúng quy trình quy phạm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quá trình thi công.

“Nhà đầu tư phải có giải pháp quản lý vốn góp chặt chẽ, đúng quy định; việc giải ngân tiền phải đảm bảo bảo đúng mục đích, thời gian; xong khâu nào thanh toán khâu đó. Tiền làm dự án BOT cũng chính là tiền của dân, phải có trách nhiệm quản lý thật chặt chẽ. Bộ GTVT cũng đã và đang chủ động mời các cơ quan chức năng “soi” các dự án BOT thật cẩn thận, tránh các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, bất cứ lý do nào cũng không điều chỉnh tiến độ dự án, nhà đầu tư ký cam kết với tỉnh như thế nào cứ thế mà làm, bằng mọi cách mà khắc phục. “Đến 31/12/2016 phải  hoàn thành Dự án theo đúng như cam kết”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.

 

H.L

 

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)