Quy trình khảo sát làm cầu treo dân sinh rất chặt chẽ

Thứ hai, 17/08/2015 08:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định như vậy về việc đầu tư cũng như quy trình xác định vị trí xây dựng cầu treo mà đơn vị này đang triển khai thực hiện...

Ảnh 1

Việc đầu tư cũng như quy trình xác định vị trí xây dựng cầu treo dân sinh rất chặt chẽ.
(Trong ảnh: Thợ cầu Công ty cổ phần 473 thi công cầu treo Chợ Quánh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)

Không phải cứ đề xuất lên là được

Những thông tin về việc xây dựng cầu treo Khe Tây (Hà Tĩnh) chỉ để phục vụ hai hộ dân đã được khẳng định là không chính xác. Vậy theo ông, quy trình để xác định, lựa chọn vị trí xây cầu được thực hiện như thế nào?

Việc rà soát vị trí xây dựng cầu treo dân sinh được thực hiện theo đúng tiêu chí mà Bộ GTVT đã chỉ đạo. Theo đó, một cây cầu được thực hiện phải có ít nhất 50 lượt người đi lại/ngày đêm. Ngoài ra, còn căn cứ vào các tiêu chí phát triển KT-XH, có nhiều ruộng nương, vấn đề dân sinh vào mùa mưa lũ tại đó... Tất cả các tiêu chí đó được cộng lại để xác định và quyết định đầu tư một cách phù hợp, khả thi.

Theo quy trình đầu tư xây dựng 187 cầu treo (giai đoạn 1), để xác định các vị trí xây cầu, trước hết các Sở GTVT cùng huyện, xã phải khảo sát trước rồi đề xuất lên. Từ danh sách này, Tổng cục Đường bộ VN tổ chức 6 đoàn khảo sát do đích thân lãnh đạo Tổng cục đi kiểm tra. Thực tế, để có được vị trí xây dựng 187 cầu này đã phải rà soát trên 200 vị trí. Điều đó cho thấy rất nhiều vị trí không phù hợp đã được loại bỏ. Trong số đó, hơn 10 vị trí nếu xây dựng, phải làm cầu dài hơn 120 m cũng đã phải loại ra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện

Tới đây, Tổng cục Đường bộ VN sẽ thực hiện giai đoạn 2 của dự án cầu treo dân sinh, vậy quy trình sẽ được áp dụng thế nào, thưa ông?

Đến nay, chúng tôi đang tiến hành rà soát các vị trí để thực hiện giai đoạn 2 xây dựng 481 cầu treo dân sinh. Từ danh sách của các sở và tỉnh gửi về nhưng đến nay cũng mới chỉ xác định được gần 200 vị trí. Việc rà soát các vị trí để xây dựng đang được thực hiện hết sức cẩn trọng, dân chủ, theo đúng quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Tôi khẳng định, việc xác định các vị trí xây dựng không vì bất cứ mục đích cá nhân nào.

"Có những cây cầu được xây dựng không hẳn chỉ để cho dân ở đó mà còn làm để cho dân đi lại, phát triển kinh tế, vận tải, lưu thông hàng hóa. Thử hỏi, lúa chín, ngô đến mùa thu hoạch hàng tháng rồi mà người dân do bị lũ, không đi sang thu hái được thì có phải là rất thiệt hại không”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Trước khi Đề án trình Chính phủ, số cầu dân sinh của 50 tỉnh, thành đề xuất lên là trên 10 nghìn cầu, nhưng sau đó rà soát danh sách, chỉ còn 4.145 cầu. Vì thế có thể khẳng định, việc xác định phải theo quy trình và các tiêu chí cụ thể chứ không phải cứ đề xuất lên là được.

Chẳng hạn như ở Đắk Nông, khi khảo sát có tồn tại một số vị trí người dân dùng dây cáp qua sông nhưng cũng không được chấp thuận làm cầu treo bởi khi khảo sát, chúng tôi phát hiện cách đó chừng 3 km có một cầu cứng kiên cố trên 20 tỷ đồng nhưng người dân không muốn đi, vẫn cứ mắc dây cáp để qua sông. Sau đó, chúng tôi đã đề nghị người dân gỡ dây cáp và vận động họ đi theo cầu để bảo đảm an toàn. Điều đó cũng cho thấy, không phải cứ nhìn thấy những hình ảnh xúc động như thế mà quyết định xây cầu treo. Tất cả đều phải dựa vào các tiêu chí cụ thể.

Đề xuất, khảo sát sai sẽ bị quy trách nhiệm

Câu chuyện về cầu Khe Tây đến nay đã được sáng tỏ. Tuy nhiên, từ việc này dư luận cũng đặt giả thiết, trong trường hợp việc đề xuất, khảo sát vị trí để xây dựng cầu có những sai sót dẫn đến việc xây dựng cầu tại vị trí không cần thiết, sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào?

Theo quy trình, việc đề xuất vị trí ban đầu là trách nhiệm thuộc về địa phương, nhưng Tổng cục Đường bộ VN cùng cơ quan thiết kế phải có trách nhiệm rà soát lại để xác định có đủ các tiêu chí rồi từ đó mới ra quyết định đầu tư. Vì thế, việc tổ chức các đoàn đi xác định vị trí xây cầu do Tổng cục tổ chức đều là những người có trách nhiệm, cụ thể ở đây là các Phó Tổng cục trưởng và đơn vị thiết kế nên được thực hiện khá kỹ càng.

Những thông tin vừa qua cho rằng việc xây cầu không cần thiết có thể là do người dân chỉ nhìn thấy bằng con mắt cảm tính. Đối với cầu treo, việc đầu tiên phải chú ý đó là tác dụng của nó khi có mưa lũ chứ không hẳn chỉ là mùa khô.

Thực hiện giai đoạn 2, xây dựng 481 cầu treo dân sinh, theo ông đâu là kinh nghiệm được rút ra từ giai đoạn 1 để thực hiện tốt hơn?

Thứ nhất, về thiết kế đã được rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn để giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tuổi thọ 25 năm và độ bền theo quy định. Cụ thể, chúng tôi đã tiến hành sửa đổi Thông tư 11, hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh. Đây là Thông tư có ý nghĩa cho việc xây dựng 2.300 cầu đã và sẽ được làm trên toàn quốc, cũng như trong việc duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật và an toàn.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tiến độ, đề nghị các tỉnh, huyện, xã vận động bà con GPMB càng nhanh càng tốt. Các địa phương cũng cần hỗ trợ mở đường mòn để đưa vật liệu vào xây cầu. Thời gian qua, có những cây cầu khi xây dựng phải đi bộ 5-7 km, cẩu từng thanh thép vào rất khó khăn. Thực tế, việc xây cầu thì cũng phải có đường để cho nhân dân đi lại vì nếu có cầu rồi mà không có đường, cứ để người dân phát cây đi theo đường mòn thì chưa phát huy hết công dụng của cầu.

Khảo sát địa chất xây cầu treo là không cần thiết

Cũng có ý kiến cho rằng, do không khoan địa chất khảo sát khi làm 187 cầu treo nên khi thi công có những sự sai khác nhất định về địa chất, phát sinh chi phí cho các nhà thầu. Theo ông, tới đây Tổng cục có cho tiến hành việc khoan địa chất?

Theo tôi, đây chỉ là những cầu nhỏ nên việc đưa vào quy trình khoan địa chất là không cần thiết, gây tốn kém. Khảo sát địa chất có nhiều phương pháp, đối với các công trình lớn, bắt buộc phải khoan còn các công trình móng nông có đá lộ thiên, trọng lượng không lớn, không nhất thiết phải khoan. Ví dụ khi ta xây dựng một căn nhà, chỉ cần đào móng đã là một lần khảo sát rồi. Cầu treo có đặc điểm là kết cấu nhẹ, móng nông nên không nhất thiết phải khoan gây tốn kém, mất thời gian. Thực tế, với địa hình như thế chỉ tính riêng việc đưa được máy khoan vào hiện trường đã mất chi phí rất lớn. Nếu cứ đưa ra các quy trình này kia sẽ phát sinh chi phí rất cao, không làm được nhiều cầu cho người dân.

Khi làm cầu treo dân sinh, những người có chức trách như: lãnh đạo Sở GTVT, Tổng cục đường bộ trực tiếp đến hiện trường để xử lý các vấn đề phát sinh, giám sát thiết kế nên có thể xử lý ngay để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Cảm ơn ông!

xuannguyen

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)