Thẩm định Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Thứ tư, 30/09/2015 14:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 30/9, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tham dự họp có thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng thuộc các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương; các Vụ tham mưu thuộc Bộ GTVT; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Đăng kiểm VN; Viện Chiến lược và Phát triển GTVT VN; Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải.

Thành viên Hội đồng thẩm định tập trung trao đổi, góp ý nhằm hoàn chỉnh nội dung Quy hoạch
chi tiết cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (đơn vị tư vấn) đã báo cáo tóm tắt nội dung Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đơn vị tư vấn đánh giá, hoạt động phá dỡ tàu tại Việt Nam có từ năm 1960 và phát triển mạnh ở Hải Phòng những năm của thập niên 90. Ngoài các nhà máy nằm trong quy hoạch công nghiệp tàu thủy, còn có 8 cơ sở phá dỡ khác gồm 7 cơ sở tại Hải Phòng và vùng phụ cận, trong đó đa phần là các cơ sở thực hiện phá dỡ không phép, không có hồ sơ về bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; 1 cơ sở tại miền Trung đến nay tạm ngừng không tham gia hoạt động phá dỡ.

Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu nhằm cụ thể hóa quy hoạch ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo hành lang pháp lý quản lý hoạt động phá dỡ tàu, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, địa phương, đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Căn cứ quy hoạch ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được duyệt và kết quả kiểm tra tại các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền nằm trong quy hoạch, đơn vị tư vấn đánh giá có 4 cơ sở tại miền Bắc và 1 cơ sở tại miền Trung có khả năng tham gia hoạt động phá dỡ tàu.

Thành viên dự họp đã tập trung trao đổi, góp ý nhằm hoàn chỉnh nội dung Quy hoạch liên quan đến quy trình thủ tục về môi trường; đánh giá khả năng tiếp nhận, xử lý chất thải; tiến độ tổ chức, thực hiện ưu tiên đầu tư; chế tài xử lý vi phạm trong quá trình hoạt động phá dỡ không đảm bảo đúng quy định…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, mục tiêu của Quy hoạch nhằm quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển hiện nay đang được triển khai một cách bừa bãi, không định hướng, không có giấy phép hoạt động, dẫn đến gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường; tận dụng cơ sở hạ tầng về đóng, sửa chữa tàu hiện có, tạo việc làm, thu nhập, lợi nhuận cho doanh nghiệp và người lao động cũng như cung cấp một phần nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp thép của nước ta; từ đó đưa ra định hướng phát triển công nghiệp phá dỡ tàu biển theo nguyên tắc không khuyến khích mở rộng nhiều cơ sở, mà chủ yếu tập trung trên cơ sở một số cơ sở đã có hạ tầng về đóng, sửa chữa tàu; quản lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; gần các nhà máy chế biến gang, thép có nhu cầu về nguyên liệu sắt thép.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thống nhất với các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định đối với nội dung của Quy hoạch và đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam, đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, sớm hoàn thiện và báo cáo Bộ GTVT xem xét, phê duyệt Quy hoạch.

VH

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)