Tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII sáng 22/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã lý giải rõ hơn những yếu tố tác động đến việc dư vốn tại các dự án nâng cấp, cải tạo QL1A và đường HCM qua Tây Nguyên dư tới hơn 14.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lý giải về số vốn dư hơn 14.000 tỷ đồng
trong việc thực hiện cải tạo, nâng cấp dự án QL1A và đường HCM qua Tây Nguyên
tại phiên thảo luận tổ sáng 22/10
Tại sao khi thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo QL1A và đường HCM qua Tây Nguyên lại dư tới hơn 14.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ? Có phải do lập dự toán không chính xác hay do chất lượng kém, quy mô giảm? Đó là những băn khoăn trước việc lần đầu tiên có một dự án giao thông thực hiện mà còn dư số vốn lớn từ nguồn vốn của trái phiếu Chính phủ.
Tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII sáng 22/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã lý giải rõ hơn những yếu tố tác động đến việc dư vốn tại các dự án giao thông trọng điểm này.
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy KT-XH phát triển
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua các dự án nâng cấp QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, lúc đó mới có 25/30 dự án được phê duyệt trên tổng mức đầu tư, còn lại là dự kiến. Chính vì vậy, khi đưa vào phê duyệt để triển khai thì giữa tổng mức đầu tư và các dự án do Quốc hội phê duyệt có chênh lệch 4.485 tỷ đồng.
“Ngoài Dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đang tổng hợp sơ bộ về các dự án BOT khác, kết quả ban đầu cho thấy các dự án BOT cũng giảm vốn đầu tư khoảng trên 12.000 tỷ bằng việc đẩy nhanh tiến độ.
Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài xã hội. Các địa phương ở ĐBSCL rất tích cực trong việc thực hiện xã hội hóa, tất cả các dự án BOT của các địa phương Tây Nam Bộ đều có văn bản đề nghị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, đoàn ĐBQH tỉnh đó. Họ không quan tâm thực hiện bằng nguồn vốn nào mà quan trọng là người dân có cầu, có đường để đi. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác vẫn rất khó khăn trong việc thực hiện bởi vẫn còn thói quen bao cấp, chỉ thích dùng vốn ngân sách”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
|
“Trước đây các đoạn đường qua một số địa phương không thống nhất, nhiều chỗ rộng 60m nhưng nhiều nơi qua thị xã, thành phố chỉ rộng 25-30m. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và Quốc hội toàn tuyến là 20,5m, thống nhất từ đầu đến cuối nên không có chuyện "xin – cho". Vì thống nhất như vậy nên cũng góp phần giảm tổng mức đầu tư xuống”, Bộ trưởng Thăng nói và nhấn mạnh thêm việc lập dự toán cho các dự án này đều được Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định chứ không phải thích lập làm thế nào cũng được.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết thêm, Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã giảm hơn 1.070 tỷ đồng do tiết kiệm 5% theo chỉ đạo của Chính phủ; Giảm hơn 1.700 tỷ đồng do trong quá trình triển khai đã điều chỉnh các hạng mục cho phù hợp; Giảm được 6.290 tỷ đồng do rút ngắn thời gian thi công (QL1A rút ngắn được 1 năm, đường HCM rút ngắn được 1,5 năm), do đó không sử dụng đến chi phí dự phòng; Giảm 686 tỷ đồng do công tác GPMB nhanh.
“Không có một dự án nào mà Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB. Ở dự án này, theo phân công của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với các địa phương có khó khăn để tháo gỡ, mỗi quý đều họp giao ban một lần để làm công tác kiểm điểm. Vì thế, chưa có dự án nào công tác GPMB nhanh như dự án QL1 và đường HCM”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, tổng số vốn giảm hơn 14.000 tỷ đồng là do những lý do nêu trên chứ không phải do lập dự toán chưa chính xác hay do chất lượng công trình kém. Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh mấu chốt là do sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ.
“Chưa có dự án nào mà Chính phủ phân công 3 Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo: Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo phát hành trái phiếu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đôn đốc đảm bảo chất lượng công trình. Ngoài ra, các Bộ ngành như Bộ Tài chính, Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài nguyên- Môi trường đã có sự phối hợp rất tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định thêm, trong vài năm trở lại đây, tất cả các dự án giao thông không có dự án nào vượt tổng mức đầu tư nhờ việc đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ thi công.