Sáng 28/10, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp xem xét đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (giai đoạn 1) theo hình thức BOT. Tham dự của họp có lãnh đạo các Vụ tham mưu, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Hưng Yên...
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nghe đại diện Tư vấn báo cáo đề xuất Dự án.
Theo báo cáo của tư vấn thiết kế (TEDI), việc xây dựng đường Vành đai 4 đoạn từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là triển khai quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm áp lực cho đường Hà Nội - Hải Phòng, đường Vành đai 3 (cầu Thanh Trì) mà trước mắt kết nối tới đường Pháp Vân - Giẽ (QL1A), trong tương lai sẽ kết nối với QL6, đại lộ Thăng Long, QL5..., đồng thời là động lực để từng bước hình thành đường Vành đai 4 theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Dự án bắt đầu tại nút giao với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (khoảng Km190+470 đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) thuộc địa phận huyện Thường Tín, TP.Hà Nội và kết thúc tại nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng Km12+600 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thuộc địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chiều dài dự án khoảng 13,90km, trong đó cầu Mễ Sở vượt sông Hồng dài khoảng 2,50km. Tính toán sơ bộ nhu cầu vận tải của tư vấn cũng cho biết đến năm 2020 tổng lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này sẽ khoảng 27.932 phương tiện và đến năm 2035 sẽ tăng lên 65983 phương tiện.
Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án, báo cáo của Tư vấn cho biết, đường Vành đai 4 giai đoạn hoàn thiện được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc, đường song hành rộng 12m. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang thông thường B=120-135m. Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn vốn đầu tư, Dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư một phần đường tuyến chính theo quy hoạch, với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đường ô tô thực hiện theo phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc. Tốc độ thiết kế v=80km/h áp dụng cho các yếu tốc mặt cắt ngang, mặt đường và an toàn giao thông; Quy mô mặt cắt ngang 2 làn xe chiều rộng nền đường Bn=17m.
Tại cuộc họp đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp đã đề nghị Tư vấn xem xét kéo dài dự án kết nối với QL1A và QL5 cũng như làm rõ các vấn đề về chi phí đầu tư dự án, việc thu phí hoàn vốn cho dự án...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải đầu tư Dự án, đồng thời yêu cầu đơn vị Tư vấn nghiên cứu kỹ việc kéo dài tuyến đường kết nối với QL1A và QL5. Thứ trưởng cũng yêu cầu Dự án phải thực hiện theo đúng quy trình nhưng cũng phải đẩy nhanh để cuối quý 1 năm 2016 có thể phê duyệt Dự án và khởi công vào đầu quý 3/2016. Sau khi khởi công Dự án phải được hoàn thành chậm nhất sau 18 tháng thi công. Thứ trưởng đề nghị hai địa phương có Dự án đi qua là Hà Nội và Hưng Yên ủng hộ chủ trương đầu tư Dự án và phối hợp trong công tác GPMB.
AC