Sáng 10/11, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì buổi làm việc về Dự án đường cao tốc Viêng Chăn – Pặc Xan – Thanh Thủy – Hà Nội.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, cục tham mưu; Viện CL&PTGTVT; Ban Quản lý dự án 85; Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP (TEDI); Tổng công ty Chitcharcure – Lào; Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển VN (BIDV); UBND tỉnh Nghệ An.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị triển khai Dự án gấp rút nhưng phải đảm bảo chất lượng
Tại buổi làm việc, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – CTCP cho biết, Dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội dài khoảng 760km, có điểm đầu trên QL13 thuộc địa phận Thủ đô Viêng Chăn, nước CHDCND Lào và trên đường Vành đai 3, Thủ đô Hà Nội, Ban QLDA 85 là đơn vị quản lý dự án.
Đại diện TEDI cũng cho biết, hiện trạng theo Đề án kết nối GTVT Việt Nam - Lào bao gồm cả đường cao tốc để kết nối từ Viêng Chăn đến Hà Nội có thể kết nối thông qua 6 cặp cửa khẩu gồm: Lóng Sập – Pa Háng; Na Mèo – Nậm Xôi; Khẹo – Ta Lấu; Nậm Căn – Nặm Cắn; Thanh Thủy – Nậm On; Cầu Treo – Nậm Phao. Trong tương lai, khi đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và phía Tây của Việt Nam hình thành việc kết nối sẽ thông qua tuyến đường này.
"Với quan điểm hình thành tuyến đường ngắn nhất theo tiêu chuẩn đường cao tốc, qua xem xét các phương án kết nối được đề xuất do đó cần tập trung vào nghiên cứu hướng kết nối Viêng Chăn - Hà Nội qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An_ - Nậm On (BolyKhămxay). Dự án được triển khai sẽ hình thành được tuyến đường ngắn nhất, tối ưu, tốc độ cao để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng Chăn. Đồng thời, Dự án còn có thể kết nối thuận lợi với Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan và Naypydaw của Myanmar; phát huy tiềm năng về vị trí trung tâm của Lào trong việc kết nối GTVT; phát huy ưu thế các khu kinh tế, trung tâm hành chính của hai nước, đặc biệt là các khu kinh tế ven biển của Việt Nam; tăng cường vị thế của hai nước trong khu vực ASEAN và Châu Á...", đại diện TEDI khẳng định.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã làm việc và có kiến nghị với Bộ GTVT cho tỉnh tham gia trước mắt để kết nối nhằm khai thác tiềm năng của tuyến từ Vinh - Hồ Chí Minh - Thanh Thủy, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu và cho rằng việc kết nối đó rất tốt và an toàn trong khai thác. Do đó, tỉnh Nghệ An rất mong muốn đi theo hướng tuyến qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy...
Kết nối khu vực từ Dự án cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội. Ảnh minh họa
Để có phương hướng cho việc triển khai tiếp theo, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá sự cần thiết trong đầu tư Dự án đường cao tốc Viêng Chăn – Pặc xan – Thanh Thủy – Hà Nội và đề nghị TEDI cập nhật đưa vào Báo cáo các chủ trương của Chính phủ; đặc biệt là thỏa thuận kết nối GTVT giữa hai Chính phủ Việt Nam – Lào. Từ tầm quan trọng đó, phải thể hiện được tính kết nối khu vực, vùng; phát huy tiềm năng, lợi thế của hai Thủ đô và các tỉnh; tăng cường mối liên hệ kinh tế, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa...
Về phương án tuyến, Thứ trưởng nhất trí và đề nghị TEDI nghiên cứu, phân tích, lựa chọn hai phương án là hướng kết nối Viêng Chăn – Hà Nội qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) – Nậm On (BolyKhămxay) dài khoảng 30km và qua cặp cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) – Nậm Phao (BolyKhămxay). “Phải đảm bảo hai phương án trên thể hiện được các tiêu chí về hướng tuyến, địa hình, tổng mức đầu tư và kết nối vùng. Đồng thời, xác định quy mô theo phương án 6 làn xe và chức năng của tuyến đường để kết nối, từ đó phân kỳ đầu tư cho phù hợp, hiệu quả”. – Thứ trưởng yêu cầu.
Về thủ tục, Thứ trưởng đề nghị Vụ HTQT, TEDI, Ban 85 tập trung hoàn thiện các thủ tục; làm đầu mối liên hệ với phía Chính phủ Lào để sớm có phê duyệt Đề cương, dự toán công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; thực hiện thủ tục đưa vào Danh mục hỗ trợ ODA của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào kế hoạch 2016.
Thứ trưởng cũng yêu cầu TEDI chuẩn bị, nghiên cứu lại Báo cáo, hoàn thiện ngắn gọn, dễ hiểu các vấn đề cần thiết để sớm trong tháng 11/2015 đăng ký làm việc với Bộ GTVT Lào để triển khai các công việc tiếp theo.
Tr. B