Tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia với phía Thụy Điển về trao đổi chương trình hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa hai bên sáng 25/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh hợp tác GTVT giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội và thách thức, hai bên cần tận dụng để có thể đẩy mạnh hợp tác, phát triển.
Cùng dự buổi làm việc có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT và một số đơn vị liên quan. Về phía Thụy Điển có ông Erik Bromander, Thứ trưởng phụ trách GTVT và Cơ sở hạ tầng; bà Camilla Mellander, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam và đoàn doanh nghiệp Thụy Điển.
Thụy Điển - nước đi đầu hỗ trợ Việt Nam
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao kết quả hợp tác chung giữa hai nước thời gian qua. Thứ trưởng cho biết Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969). Thụy Điển là nước đã đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế; tài chính; ngân hàng; quản lý kinh tế; hành chính; luật pháp,… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế (IMF, WB...).
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng các thành viên trong đoàn Việt Nam tại buổi làm việc
Thụy Điển cũng là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, tổng viện trợ khoảng 2,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, nhà nước pháp quyền,….
Trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, hiện FDI của Thụy Điển vào Việt Nam đạt vào khoảng 460 triệu USD, đứng thứ 17 trong tổng số 55 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển sớm có mặt tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux…
Tăng cường hợp tác để tưng xứng với tiềm năng và cơ hội
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, hiện tại, hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa Việt Nam và Thụy Điển còn hạn chế, chủ yếu trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, giao thông công cộng và đào tạo nguồn nhân lực.
Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giao thông của Thụy Điển, bà Marie Thynell, chuyên gia về Giao thông công cộng đến từ đại học Gothenburg đã có bài trình bày về những kinh nghiệm của Thụy Điển trong phát triển giao thông đô thị. Trong bài trình bày này, bà Maria Thynell tập trung vào thực trạng giao thông của các cuộc gia trên thế giới về giao thông đô thị; các ưu tiên trong việc xây dựng về một Symbio City (thành phố kiểu mẫu) tại Thụy Điển và một số ví dụ về các thành phố kiểu mẫu ứng dụng công nghệ của Thụy Điển: Santiago (Chile), Stockholm (Thụy Điển), New York (Mỹ)..
Thứ trưởng phụ trách GTVT và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển Erik Bromander và đoàn Thụy Điển
Về phía Việt Nam, đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư cũng có bài giới thiệu về một số dự án đầu tư trọng điểm về lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hàng không, ứng dụng công nghệ thông tin trong trật tự đảm bảo ATGT tại Việt Nam và đại diện Sở GTVT Đà Nẵng có bài giới thiệu về kế hoạch và chiến lược phát triển giao thông công cộng tại địa phương.
Trên cơ sở các bài phát biểu trao đổi kinh nghiệm của hai bên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng đây sẽ là những bài học kinh nghiệp rất tốt để Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng tại những đô thị như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh. Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã và đang có những bước phát triển trong giao thông đô thị bền vững. Việt Nam nhận thức được việc phát triển giao thông đô thị bền vững luôn gắn liền với quá trình phát triển đô thị bền vững.
“Đó chính là phát triển một hệ thống giao thông đồng bộ, có cơ cấu sử dụng phương tiện hợp lý trong đó tập trung phát triển giao thông công cộng, hiện đại, văn minh có khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn với giá cước vận tải hợp lý và trên cơ sở bảo vệ môi trường với mục tiêu tạo điều kiện cho người tham gia đi lại một cách dễ dàng, giảm ùn tắc, nâng cao sức khỏe cộng đồng cũng như chất lượng cuộc sống” - Thứ trưởng nói.
Được biết, lần này đoàn công tác Thụy Điển sẽ có các cuộc họp UBND TP Hà Nội, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á với mục đích trao đổi kinh nghiệm về hoạch định chính sách giao thông, tìm hiểu các vấn đề về giao thông đang vướng mắc, giúp các công ty Thụy Điển hiểu về hiện trạng và nhu cầu giao thông đô thị ở Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để hai bên tìm ra những cách tháo gỡ những vấn đề bất cập trong giao thông đô thị và cũng là dịp tốt để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm những cơ hội hợp tác, kinh doanh tại các dự án giao thông đô thị tại Việt Nam.
Thứ trưởng nhấn mạnh hợp tác giao thông vận tải giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội và thách thức mà hai bên cần tận dụng để có thể đẩy mạnh hợp tác, phát triển. Thứ trưởng đề nghị ông Erik Bromander, Thứ trưởng phụ trách GTVT và Cơ sở hạ tầng; bà Camilla Mellander, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam với cương vị của mình tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa hai nước ngày một phát triển, bền vững hơn.
Xuân Nguyên