Tại Hội nghị “ATGT Việt Nam năm 2015”, trao đổi với Phóng viên Cổng TTĐT Bộ GTVT bên hành lang Hội nghị về những kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ đã triển khai sau Hội nghị “ATGT Việt Nam năm 2014” (tháng 12/2014), ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Theo ông Khuất Việt Hùng, nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, sau Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2012, Ủy ban ATGT Quốc gia đã thành lập Diễn đàn ATGT Việt Nam dành cho các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan để trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề liên quan đến ATGT tại Việt Nam. Hội nghị ATGT Việt Nam là hoạt động thường niên quan trọng nhất của Diễn đàn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trả lời phỏng vấn
“Cuối năm ngoái, chúng ta đã tiếp tục tổ chức thành công Hội nghị ATGT Việt Nam lần thứ 2, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có kết luận về những nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 và chúng ta cũng đã xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Diễn đàn An toàn giao thông Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020” - ông Khuất Việt Hùng cho biết.
Một trong những kết luận quan trọng tại Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2014, theo ông Khuất Việt Hùng đó là việc triển khai ứng dụng hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm trên một số tuyến đường cao tốc và quốc lộ trọng điểm theo mô hình xã hội hoá. Đến nay, đã có hai dự án thí điểm đã được triển khai trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Đoạn Nội Bài - Phú Thọ) và Pháp Vân - Ninh Bình.
“Trong Hội nghị này (Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015 - PV), Công ty Giải pháp thông tin FPT sẽ trình bày kết quả bước đầu của dự án trên tuyến Nội Bài - Lào Cai. Đây sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để chúng ta tiếp tục nghiên cứu Xây dựng Đề án tổng thể về ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm rật tự ATGT giai đoạn 2016 - 2020” - ông Khuất Việt Hùng thông tin.
Đánh giá về công tác triển khai ứng dụng KHCN trong bảo đảm trật tự ATGT ở các cơ quan, ông Khuất Việt Hùng cho biết, trong năm 2015, đơn vị của Bộ Công an từ trung ương đến các địa phương cũng đẩy mạnh ứng dụng kinh nghiệm quốc tế trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn; thí điểm gắn camera cá nhân cho chiến sĩ cảnh sát giao thông; tiếp tục đầu tư phương tiện, ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một trong hai dự án thí điểm
triển khai ứng dụng hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm.
Theo ông Khuất Việt Hùng, các đơn vị của ngành GTVT đã đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu và các công nghệ mới trong việc xử lý vệt hằn lún bánh xe trên đường bộ; triển khai nhiều ứng dụng đối với dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; nghiên cứu thí điểm thành công trạm thu phí không dừng, trạm cân cố định tự động; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng mô hình sàn giao dịch vận tải giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm ách tắc và nâng cao ATGT, như công nghệ kết nối giữa khách hàng và các hãng xe taxi; đặc biệt là việc triển khai thực hiện chính phủ điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường thuỷ nội địa, đăng kiểm phương tiện; hệ thống bán vé điện tử và thanh toán trực tuyến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, các cơ quan của Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ dành cho lĩnh vực giao thông và ATGT. Các bộ, ngành thành viên của Uỷ ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các địa phương cũng đã dành sự quan tâm to lớn trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phục vụ hiệu quả cho công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Một trong những giải pháp được chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ trong năm 2015, theo ông Khuất Việt Hùng đó là đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học hỗ trợ ATGT đang được phát triển mở rộng. Lần đầu tiên chúng ta một quỹ NCKH do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VAMM tài trợ, thực hiện ba nghiên cứu khoa học cơ bản về ATGT cho trẻ em, ATGT cho khu vực miền núi và nông thôn, nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại TP HCM.
"Hàng loạt các chương trình hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong đó có nhiều nội dung về nghiên cứu khoa học đã và đang được Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam và Trường Hải cũng đã cam kết phối hợp và hỗ trợ các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong bảo đảm trật tự ATGT. Trong hợp tác quốc tế về ATGT đã được tăng cường đáng kể, như sự trao đổi kinh nghiệm của đoàn đại biểu Thái Lan đến học tập kinh nghiệm ATGT tại Việt Nam, các chuyến viếng thăm và trao đổi kinh nghiệm với các đoàn chuyên gia từ Australia, Pháp, Nhật Bản, Đức,... đang góp phần đắc lực trong việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong bảo đảm trật tự ATGT" - ông Khuất Việt Hùng cho biết.
Xuân Nguyên