Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

Thứ ba, 01/12/2015 13:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 01/12, tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng Đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và công tác GTVT trên địa bàn tỉnh.

Ảnh 1

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

Làm việc với Đoàn công tác của Bộ GTVT, về phía tỉnh Thanh Hóa có ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh; cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ GTVT, hệ thống mạng lưới giao thông trên địa bàn được chú trọng đầu tư. Tính từ năm 2011 - 2015, Bộ GTVT đã nâng cấp, cải tạo 349 Km đường quốc lộ; nâng cấp quản lý 7 tuyến đường tỉnh thành quốc lộ với tổng chiều dài 355Km; hoàn thành 21/22 cầu treo dân sinh trên địa bàn các huyện miền núi và xây dựng nhiều cây cầu khác trên địa bàn tỉnh; đầu tư nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến một một số kiến nghị của UBND Thanh Hóa trong việc đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông tên địa bàn như: Nạo vét luồng tàu vào Cảng Nghi Sơn đảm bảo cho tàu có trọng tải 30.000 - 50.000 DWT ra vào, nâng cao hiệu quả khai thác 7 bến đã hoàn thành đầu tư, 4 bến sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2016 và sớm triển khai thi công 12 bến đã được cấp phép đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và đưa vào thử nghiệm một số luồng để tính được năng suất tàu ra vào cảng, tránh tình trạng “chia lô, bán nền” đầu tư cảng theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả.

Ảnh 2

Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các
đơn vị phải tính toán được luồng tàu để đầu tư Cảng tại Khu kinh tế Nghi Sơn

“Nếu mức đầu tư lớn thì cần thiết phải kêu gọi nguồn vốn ODA và báo cáo Bộ, UBND tỉnh Thanh Hóa. Cảng Nghi Sơn phải gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn với kinh tế vùng. Tôi cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét  việc cấp  phép cho nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư nào chưa hoặc không có năng lực thì có thể mời nhà đầu tư khác vào để các dự án sớm đưa vào sử dụng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Còn  đối với tuyến đường tỉnh lộ 513, đoạn từ nút giao với QL1A với đường Nghi Sơn – Bãi Trành đến Cảng Nghi Sơn, Bộ trưởng đề nghị các Cục thuộc Bộ nghiên cứu sử dụng vốn dư để mở rộng cầu và làn đường phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành đường sắt hoàn thành các quy trình, rà soát các hạng mục, đầu tư phân kỳ và sử dụng các nguồn vốn đầu tư để xây dựng Nhà ga đường sắt Khoa trường thuộc xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia cùng với tuyến đường dài 11,7m nối xuống Cảng Nghi Sơn phục vụ Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn nói riêng và Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn nói chung.

Riêng đối với lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam cùng các đơn vị liên quan sớm trình quy hoạch và đảm bảo các công trình hạng mục của Nhà ga hành khách đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2016, nghiên cứu đến năm 2020-2030 phải có tuyến bay Quốc tế từ Thanh Hoá đi các nước trong khu vực ASEAN  như Thái Lan, Singapore.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chấp thuận chủ trương và yêu cầu các Cục, Vụ trực thuộc Bộ phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống các tuyến đường: Đường huyện ở Tây Thanh Hóa đi qua các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, kết nối với nước bạn Lào qua hệ thống đường ngang và các cửa khẩu Tén Tằn, Méng, Khẹo và các tuyến QL45, 47, 15.

Liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Công tác xử lý xe quá tải, quá khổ ở Thanh Hóa thời gian qua đã làm tốt. Nhưng Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe tốt hơn, đặc biệt trong đó phải kiểm soát, xử lý triệt để xe hết niên hạn  sử dụng vì phương tiện này khi tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm”.

 

xuannguyen

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)