5 năm qua chứng kiến nhiều lĩnh vực của ngành GTVT có sự đổi mới triệt để. Có lĩnh vực được coi là trì trệ, thậm chí có tiêu cực như đường sắt, đường thủy, đăng kiểm,... giờ cũng có sự đột phá lớn trong cải cách phục vụ người dân.
Ngành Đường sắt đang thực hiện phương châm
“An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả” với định hướng lấy khách hàng làm trung tâm
Lấy lại niềm tin với nhân dân
Trì trệ, chậm đổi mới nhất phải kể tới đường sắt. Chỉ vài năm trước, Đường sắt VN vẫn bị gán biệt danh “Đừng sờ vào nó”. Trong khi cả ngành GTVT đang chuyển động, đổi mới từng ngày, lĩnh vực này vẫn ì ạch không có dấu hiệu gì cho thấy sự thay đổi, kể cả trong tư duy của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ. Phải tới khi Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết liệt chỉ đạo, thậm chí thay người đứng đầu lèo lái “con tàu” Đường sắt VN, đồng thời triển khai nhiều giải pháp như “4 xin - 4 luôn”, lĩnh vực này mới bắt đầu có sự chuyển mình.
Chia sẻ về điều này, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho biết, ngành Đường sắt đang thực hiện phương châm “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả” với định hướng lấy khách hàng làm trung tâm.
"Với doanh nghiệp vận tải, người dân đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt, toàn diện của ngành GTVT. Riêng đăng kiểm đường bộ, qua đề xuất giải pháp kỹ thuật, giúp doanh nghiệp tăng tải trọng phương tiện, giải quyết thủ tục đăng kiểm trực tuyến qua mạng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm, đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều trường hợp tiêu cực, vi phạm quy trình kiểm định đã giảm bớt đáng kể thời gian và chi phí”.
Ông Thân Văn Thanh
Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN
|
“Chưa khi nào hành khách đi tàu được tạo thuận lợi như hiện nay. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt công trình đường sắt được đầu tư như: Cầu vượt bộ hành, ke ga cao tại ga Hà Nội, Sài Gòn và mái che, ke ga tại các ga khác; Sửa chữa, cải tạo các nhà ga, tăng tiện ích phục vụ hành khách, chủ hàng; Triển khai công nghệ khử mùi tàu vi sinh và lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại lên các toa xe khách; lắp đặt wifi miễn phí tại các nhà ga hành khách lớn; Cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác các toa xe khách hiện đại, chất lượng cao như các toa xe tàu SE3/4”, ông Hoạch nói và cho biết, không chỉ chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga được nâng lên, tinh thần, phong cách phục vụ của đội ngũ nhân viên chuyển biến tích cực trong giao tiếp văn hóa theo “4 xin - 4 luôn”...
Đánh dấu sự đổi mới đột phá lớn trong nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt phải kể tới việc đã triển khai nhanh chóng hệ thống vé tàu điện tử phục vụ nhân dân mua vé tàu Tết Ất Mùi 2015 qua mạng internet. “Hành khách có thể mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi, thuận lợi, dễ dàng hơn; Đồng thời giảm áp lực tại ga cũng như nạn cò vé”, ông Hoạch cho biết.
Thực tế, với hình thức bán vé này, hành khách không cần ra ga vẫn có thể mua vé, in “Thẻ lên tàu hỏa” ở bất cứ đâu. Vì vậy, tình hình bán vé tàu Tết Bính Thân 2016 đang diễn ra suôn sẻ; lượng lớn hành khách đã mua được vé tàu Tết ngay những ngày đầu tiên mở bán; không còn tình trạng người dân vạ vật chờ mua vé tại ga...
Với Đăng kiểm, khoảng thời gian 5 năm qua cũng chứng kiến sự “lột xác” đáng kể. Lĩnh vực này trước đây cũng trì trệ và luôn bị gắn “mác” nhiều tiêu cực. Chia sẻ điều này, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, chỉ trong năm 2014-2015, qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát đã phát hiện vi phạm và xử lý kỷ luật gần 120 đăng kiểm viên và đình chỉ hoạt động gần chục dây chuyền kiểm định, do vi phạm quy trình, tiêu chuẩn kiểm định hoặc có biểu hiện tiêu cực. Hàng chục lãnh đạo đơn vị đăng kiểm cũng bị cách chức, luân chuyển công tác do để xảy ra sai phạm. Với việc xử nghiêm vi phạm, giờ tiêu cực trong lĩnh vực Đăng kiểm đã giảm hẳn, người dân và lái xe đi đăng kiểm đã thuận lợi hơn trước nhiều.
Cùng với triển khai các giải pháp nâng chất lượng kiểm định và phòng chống tiêu cực, lĩnh vực Đăng kiểm đang tích cực đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư.
Trong 2 năm qua, có thêm 25 trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, góp phần tạo thuận lợi hơn cho DN, người dân. Đến nay, nhiều đơn vị triển khai áp dụng CNTT để phục vụ dịch vụ công gọi điện, email đặt chỗ đăng kiểm từ xa, thay vì xếp hàng trực tiếp.
Lĩnh vực tàu biển, với sự nỗ lực của Đăng kiểm và các cơ quan chức năng đội tàu biển Việt Nam sau nhiều năm bị liệt vào “danh sách đen”, năm 2015 đã được xếp vào “danh sách trắng” của chính quyền cảng biển các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụm công trình cải tạo cửa Lạch Giang là một trong
những công trình trọng điểmcủa ngành Đường thủy nội địa
“Đánh thức” tiềm năng
Nhiều năm trước, vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng luôn trong tình trạng trầm lắng, thị phần vận tải thấp, thậm chí biệt lập so với các lĩnh vực vận tải khác. Thế nhưng khoảng 3 năm gần đây, với những quyết sách đột phá của ngành GTVT thực sự “đánh thức” được những tiềm năng này. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Hội Cảng đường thủy thềm lục địa VN cho biết: “Việc cải tạo, mở rộng một số cửa sông quan trọng ở phía Bắc, cùng với quyết sách mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình - Kiên Giang dành cho tàu sông pha biển đã tạo thế mới cho vận tải thủy nội địa, tạo kết nối vận tải thủy giữa các vùng miền và vào sâu nội địa hơn, san sẻ đáng kể cho vận tải đường bộ”, ông Hải nói.
Cùng đó, theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN, những chiến lược, đề án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đã bước đầu thu hút đầu tư, nâng năng lực khai thác vận tải và tăng thị phần vận tải đường thủy. “Năm 2015, ngành Đường thủy đã hoàn thành việc cổ phần hóa các đơn vị quản lý bảo trì, tách chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ bảo trì đường thủy. Công tác cải cách hành chính cũng đang được quyết liệt triển khai, trong tháng 12 hơn 20 thủ tục hành chính công lĩnh vực ĐTNĐ sẽ được giải quyết trực tuyến theo cơ chế một cửa quốc gia”, ông Giang nói.
Với Hàng hải, 5 năm trở lại đây cũng có nhiều nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu đội tàu biển, cải cách hành chính, đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của đất nước, hội nhập thế giới. Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, cơ sở hạ tầng hàng hải đến nay có 44 cảng biển và 42 tuyến luồng hàng hải, hàng năm đón nhận trên 130 nghìn lượt tàu biển ra vào, bốc xếp hàng hóa. Gần đây, nhiều cảng biển lớn được đầu tư, đưa vào khai thác như các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu), Hiệp Phước (TP HCM), An Thới (Phú Quốc), Cửa Lò (Nghệ An); đầu tư nâng cấp luồng Quan Chánh Bố.
Cũng theo ông Sang, Hàng hải là lĩnh vực đi đầu cải cách hành chính, là cơ quan đầu tiên kết nối giải quyết thủ tục hành chính cảng biển qua Cổng thông tin điện tử Quốc gia, qua đó tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho người dân, DN. “Bộ luật Hàng hải VN (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2017 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá đưa kinh tế Hàng hải trở thành ngành kinh tế số một của đất nước”, ông Sang nói.
Tiếp tục đổi mới phục vụ người dân, doanh nghiệp
Lĩnh vực Đường bộ gần đây chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ với mục tiêu quan trọng là hướng tới sự công khai, minh bạch và phục vụ tốt hơn người dân, DN. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN chia sẻ, không như trước đây, công tác bảo trì đường bộ giờ đã tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông thông qua việc chuyển các công ty quản lý đường bộ trực thuộc các Khu QLĐB (nay là các Cục QLĐB) về các CIENCO. Tổng cục Đường bộ VN thực hiện việc đấu thầu công khai công tác bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng độc quyền và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ.
Trong công tác hoàn thiện thể chế, quản lý KCHT, quản lý vận tải, đào tạo sát hạch lái xe, ATGT cũng đã có những thay đổi tích cực. Công tác kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai trên toàn quốc với mục tiêu cơ bản loại bỏ xe quá tải vào cuối năm 2015. Đến nay, tình trạng xe ô tô chở quá tải đã giảm 85%, góp phần kiềm chế, giảm thiểu TNGT, bảo vệ KCHT đường bộ. Về quản lý vận tải cũng đang triển khai đề án đổi mới quản lý theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu TNGT. “Sau một thời gian dài chuẩn bị, tháng 12/2015, Bộ GTVT đã chính thức khai trương sàn giao dịch vận tải hàng hóa đầu tiên. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN trong việc quyết liệt thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tái cơ cấu, công khai, minh bạch với mục tiêu giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Huyện khẳng định.
Với Hàng không, giai đoạn 2011-2015 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về thị trường vận chuyển hành khách. Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không luôn đạt mức 2 con số, trung bình hơn 12%. “Chính sách tự do hóa vận tải hàng không theo lộ trình đã phát huy hiệu quả, đảm bảo mở rộng thị trường cho các hãng hàng không Việt Nam cũng như khuyến khích các hãng hàng không quốc tế bay vào Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường vận tải hàng không”, ông Thanh nói và cho biết, thời gian qua tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng giảm đáng kể.
Liên quan đến việc phát triển đội tàu bay, ông Thanh cho biết, tính tới thời điểm 15/11, tổng lượng tàu bay đăng ký quốc tịch đạt 160 chiếc, tăng 55 chiếc so với thời điểm 31/12/2010. Cùng với việc phát triển đội tàu bay, 5 năm qua, hạ tầng hàng không cũng cải thiện mạnh mẽ. Giai đoạn 2011-2015, ngành Hàng không Việt Nam đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các công trình quan trọng như: CHK quốc tế Phú Quốc, CHK Cần Thơ, Nhà ga hành khách Quốc tế T2 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài...