Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp về quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định và phát triển tuyến buýt Hà Nội - Phủ Lý

Thứ năm, 17/12/2015 11:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 17/12, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp về tình hình tổng hợp, cập nhật các kiến nghị bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định của các Sở GTVT và phát triển tuyến buýt Hà Nội - Phủ Lý.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp

Về quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định, theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015 của Bộ GTVT, hàng năm, Bộ GTVT tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc 2 lần, các Sở GTVT các tỉnh, thành phố phải gửi các đề xuất điều chỉnh, bổ sung tuyến lên Bộ GTVT qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước 30/6 và 31/12 hàng năm để Bộ xem xét đưa vào Quy hoạch.

Năm 2015, đã có 24 Sở GTVT gửi văn bản đề xuất điều chỉnh, bổ sung về Bộ, các Sở GTVT tiếp tục gửi văn bản về Bộ trước ngày 31/12 để Bộ tổng hợp, xem xét điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc.

Qua kết quả tổng hợp điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch sơ bộ của 24 Sở GTVT, Bộ GTVT thấy có một số vấn đề chính như: còn chưa thống nhất giữa các Sở GTVT về bổ sung tuyến; một số tỉnh đề nghị tăng tần xuất hoặc quy hoạch tuyến vào các bến xe ở Hà Nội; một số tuyến đang có trong Quy hoạch nhưng hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp vận tải không khai thác nữa; nhiều Sở GTVT rà soát chưa kỹ, gửi thiếu số liệu, lộ trình, tần xuất, mã số tuyến; đề xuất không khớp giữa 2 Sở GTVT hai đầu tuyến…

Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục trao đổi với Sở GTVT các tỉnh, thành phố sau đó mới bổ sung Quy hoạch; rà soát đối chiếu và chỉ đề xuất Bộ điều chỉnh, bổ sung các tuyến đi và đến các bến xe đã được công bố; xây dựng và thống nhất mẫu biểu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Về kiến nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đồng ý với các kiến nghị trên trên cơ sở rà soát, bổ sung phải theo quy trình, có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các Sở GTVT, trong đó lưu ý hướng dẫn khi đề xuất, các Sở GTVT phải nêu rõ mục đích điều chỉnh, bổ sung tuyến; xem xét đến các tiêu chí như hạ tầng tuyến, công suất và vị trí bến bãi, dân cư có tuyến đi qua…

Về đề xuất phát triển tuyến xe buýt Hà Nội - Phủ Lý, theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, tuyến Hà Nội - Phủ Lý có độ dài khoảng 60 km và hiện tại đang có tuyến xe buýt số 206 chạy từ trung tâm Hà Nam đi Giáp Bát với tần xuất khoảng 15-20 phút/chuyến và một số chặng ngán hơn như Hà Nội - Đồng Văn, Hà Nội - Cầu Giẽ. Tuy nhiên, để đi giữa Hà Nội và Phủ Lý, hành khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện đường bộ như các tuyến vận tải hành khác cố định Hà Nội - Phủ Lý, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình…

Phát triển tuyến xe buýt Hà Nội - Phủ Lý có ưu điểm giảm thiểu nguy cơ mất trật tự ATGT đường bộ; người dân được cung cấp dịch vụ xe buýt ổn định, thuận tiện và chi phí thấp hơn so với xe tuyến cố định... Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, tuyến buýt cũng có các nhược điểm như thời gian chạy trên tuyến tương đối dài (khoảng 1h45’ – 2h) so với tuyến hành khách (khoảng 1h); bị cạnh tranh không lành mạnh với các xe khách.

Dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2020, tuyến này sẽ thu hút được nhiều hành khách do đi qua các khu công nghiệp Đồng Văn, Châu Sơn, Thanh Liêm, Hòa Mạc, Kim Bảng; các trường Đại học Công Nghiệp, Xây Dựng, Thương Mại, Duy Tiên và các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai (cơ sở 2).

Hiện nay, có hai phương án tuyến đang được đề xuất, nghiên cứu: Phương án 1, tiếp tục quy hoạch cả 2 loại hình tuyến cố định và tuyến xe buýt cùng hoạt động trên nhóm tuyến Hà Nôi - Phủ Lý, ưu tiên phát triển loại hình xe buýt thường trên đoạn; Phương án 2, không quy hoạch tuyến cố định thuộc nhóm Hà Nội - Phủ Lý, đồng thời phát triển mạnh hai hình thức xe buýt thường và xe buýt nhanh trên đoạn này.

Về giải pháp thực hiện, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với các Sở GTVT Hà Nội và Hà Nam nghiên cứu chi tiết để thực hiện theo phương án nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại, phù hợp với nhu cầu phát sinh khi các khu công nghiệp, các trường học, bệnh viện đi vào hoạt động; đề nghị Sở GTVT tham mưu với UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt…

Phùng Trọng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)