Chiều nay (4/1/2016), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện NQ số 13-NQ/TƯ, công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; Triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước; đồng chí Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp TƯ Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể…
Về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Đinh La Thăng, các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông; Nguyễn Văn Công; Nguyễn Nhật; Chủ tịch Công đoàn GTVT Đỗ Nga Việt cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT.
Chương trình Hội nghị còn được truyền hình trực tuyến tại nhiều điểm cầu địa phương.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT đưa tin trực tiếp từ Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Ngành GTVT
Ngành GTVT hoàn thành vượt các mục tiêu Nghị quyết 13-NQ/TƯ của Đảng
Mở đầu Chương trình Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TƯ về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết; về cơ bản, ngành GTVT đã hoàn thành vượt các mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết xác định cho giai đoạn tới hết năm 2015.
Bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL51, Nam Sông Hậu, QL80 Mỹ Thuận - Vàm Cống; cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ
Kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn và các trung tâm kinh tế quan trọng được tập trung đầu tư, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM dần được khắc phục; TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm số người chết do TNGT xuống dưới 9.000 người; hệ thống GTNT có bước phát triển mạnh mẽ, tạo nên kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống KCHTGT trung ương và địa phương.
Việc tập trung đầu tư phát triển KCHTGT có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức (theo hướng tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và giảm thị phần vận tải đường bộ), làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (năm 2010 ở vị trí thứ 103).
Toàn cảnh Hội nghị Bộ GTVT
Công tác đầu tư phát triển đồng bộ KCHTGT được gắn liền với công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cao một bước về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thi công; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; trong thi công, công tác bảo vệ môi trường cũng có những bước cải thiện đáng kể.
“Để tiếp tục thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, Bộ GTVT xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KCHTGT giai đoạn từ nay tới năm 2020 tập trung đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, giao thông địa phương...”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong lĩnh vực đường bộ, song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục triển khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc; cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng; tiếp tục đầu tư đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới.
Tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; cải tạo, nâng cấp để nâng cao năng lực, chất lượng vận tải các tuyến đường sắt phía Bắc; từng bước xóa bỏ các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên xây dựng nút giao khác mức tại nơi có lưu lượng giao thông lớn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục bắc - nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cùng với đó, tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả các cảng hàng không khác, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023 sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra…
Hoàn thành mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1 năm
Tiếp tục Chương trình Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã báo cáo công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Mở đầu phần phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Những nhiệm vụ được Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng đề ra mục tiêu trọng tâm về hạ tầng giao thông là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với ngành GTVT. Nghị quyết ra đời đã tạo tiền đề mở đường để đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn của ngành, đặc biệt là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và nhiều dự án quan trọng khác.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường báo cáo về công tác đầu tư nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp, không đủ đáp ứng cho các mục tiêu đã đặt ra, đòi hỏi ngành GTVT phải có một cách tiếp cận mới trong việc sử dụng hợp lý nguồn lực hiện có, huy động mọi nguồn lực ngoài NSNN và quan trọng hơn là sử dụng hiệu quả các nguồn lực này, cho cả mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Triển khai Nghị quyết, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng Đề án mở rộng Quốc lộ 1A và phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với giải pháp trọng tâm là huy động tối đa nguồn vốn ngoài NSNN kết hợp cùng nguồn vốn NSNN (thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ) để đầu tư.
Chính phủ đã thông qua Đề án đầu tư mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ với chiều dài 1.948 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 554 km, còn lại 1.394 km được đầu tư xây dựng mở rộng thông qua 41 dự án: 40 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (20 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 20 dự án đầu tư bằng vốn NSNN và TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Ninh Bình là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).
Được xác định là một dự án trọng điểm quốc gia, do đó Dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương có Dự án đi qua, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của người dân vùng Dự án, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án mở rộng QL1 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Cùng với Đề án đầu tư mở rộng QL1, Chính phủ đã thông qua phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với chiều dài 663 km đi qua 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này, đã mở rộng được 244 km với quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Còn lại 419 km được chia thành 12 dự án/ TMĐT 16.975 tỷ đồng, trong đó 11 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (5 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 6 dự án đầu tư bằng vốn TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Đắk Nông là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).
Đến nay, 11/11 dự án do Bộ GTVT quản lý đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7/2015 với tổng chiều dài là 419 km, sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch đề ra.
Như vậy, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394 km QL1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bằng nguồn vốn NSNN kết hợp nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 116.000 tỷ đồng (Trong đó, mức vốn huy động từ các nhà đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng mức vốn đầu tư các dự án).
5 năm (2010-2015), hạ tầng giao thông tăng 36 bậc, hiện đang ở vị trí 67
Báo cáo Hội nghị về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016, đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc xây dựng thể chế chính sách vì mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp luôn được lãnh đạo Bộ GTVT chú trọng.
Năm 2015, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 dự thảo văn bản QPPL; 07 chiến lược, quy hoạch... hoàn thành 100% kế hoạch năm 2015; ban hành 85 thông tư, thông tư liên tịch; 28 quy hoạch, kế hoạch và đề án khác. Trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi bổ sung 04 Luật, Bộ luật. Quốc hội đã thông qua 03 dự án Luật, Bộ luật về lĩnh vực Đường thủy nội địa, Hàng không dân dụng và Hàng hải. Đối với Dự án Luật Đường sắt, Bộ đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo theo tiến độ. Bộ đã chủ trì xây dựng, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 52 nghị định, 15 quyết định, phê duyệt 45 đề án. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 373 thông tư, phê duyệt 140 đề án.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
Mức cải thiện điểm số của Bộ GTVT MEI 2014 so với MEI 2012 là 27,58%, dẫn đầu trong 14 Bộ. Đồng thời, Bộ GTVT cũng dẫn đầu 14 Bộ ở Chỉ số xếp hạng hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật với 68,22 điểm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt; chất lượng văn bản QPPL ban hành không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên,vẫn còn một số ít văn bản vừa được ban hành nhưng phải sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế; một số đề án được phê duyệt chưa phát huy được hiệu quả khi triển khai trên thực tế.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính được triển khai thực hiện hiệu quả. Kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia của Bộ GTVT đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; giảm thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí, đồng thời thực hiện công khai minh bạch thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ. Ngày 04/9/2015, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014; theo đó, Bộ GTVT lần thứ hai liên tiếp đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính trong số 19 Bộ, ngành Trung ương.
Tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu vận tải và tái cơ cấu doanh nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả.
Về đầu tư xây dựng KCHTGT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân năm 2015 là 87.136,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 30,5% các nguồn vốn dự kiến giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015), trong đó có 6.699 tỷ đồng hoàn ứng, còn lại 80.437,3 tỷ đồng (bao gồm: 7.329,1 tỷ đồng vốn NSNN, 31.128,2 tỷ đồng vốn TPCP và 41.980 tỷ đồng vốn ngoài NSNN). Kết quả giải ngân đạt 89.907 tỷ đồng (chiếm khoảng 26,33% giá trị giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015), vượt 11,77% kế hoạch. Trong đó, các nguồn vốn NSNN và TPCP giải ngân đạt 51.694 tỷ đồng, vốn ngoài NSNN giải ngân đạt 38.213 tỷ đồng. Đã lập và trình báo cáo quyết toán 541 dự án, vượt 56% kế hoạch; phê duyệt quyết toán 593 dự án, vượt 62% kế hoạch năm 2015 với tổng giá trị phê duyệt quyết toán đạt trên 69 nghìn tỷ đồng.
Các đại biểu dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Tuyên Quang
Năm 2015, đã khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, có 15 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015. Đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn như hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn từ 1 đến 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các cầu: Năm Căn, Cổ Chiên, Hạc Trì, Mỹ Lợi, QL19...; Nhà ga Cảng hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình, 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang... Đặc biệt là việc hoàn thành xuất sắc cụm 3 công trình: Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng Giải thưởng Cống hiến.
”Nhờ những nỗ lực nêu trên, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, so với 2010 tăng 36 bậc” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Tại điểm cầu Vĩnh Long
"Mặc dù đã đạt được kết quả như trên nhưng thực hiện xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng đường sắt còn gặp những khó khăn, chủ yếu là trong việc xác định nguồn thu hoàn vốn cho nhà đầu tư và tổng mức đầu tư dự án lớn nhưng khả năng hoàn vốn thấp. Đến nay, các công trình của ngành GTVT đều có chất lượng tốt nhưng cục bộ ở một số công trình sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt bê tông nhựa. Bộ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp kịp thời khắc phục, xử lý”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thẳng thắn chia sẻ.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, công tác quản lý hoạt động vận tải ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chất lượng các loại hình dịch vụ vận tải ngày càng được cải thiện nhất là lĩnh vực hàng không và đường sắt. Đã thí điểm đưa sàn giao dịch vận tải VinaTrucking vào hoạt động. Sau 1 năm triển khai, tuyến vận tải ven biển đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội kết nối giữa các vùng, miền. Việc tăng cường đối thoại, trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội vận tải đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển vận tải.
Sản lượng vận tải năm 2015 ước đạt 1.134 triệu tấn, 3.283 triệu lượt hành khách; tăng 6% về tấn vận chuyển và tăng 7,7% về hành khách vận chuyển so với năm 2014; tăng 58,6% về vận chuyển hàng hóa và 33,4% về vận tải hành khách so với năm 2010. Vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng mạnh, đạt 31,1 triệu hành khách, tăng 21,2% so với năm 2014. Riêng Vietnam Airlines vận chuyển được trên 17,4 triệu lượt hành khách.
Năm 2015, tỉ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại khu vực Tokyo-MOU là 2,82% (giảm nhiều so với năm 2014 là 3,84%). Đội tàu biển Việt Nam tiếp tục duy trì trong Danh sách trắng của Tokyo MOU.
Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu vận tải trong toàn ngành đã được triển khai quyết liệt, nhưng còn đang ở giai đoạn đầu, còn rất nhiều khó khăn do vậy kết quả đạt được còn ở mức khiêm tốn.
Công tác bảo đảm TTATGT, siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ, tiếp tục phát huy hiệu quả, hạn chế được tình trạng xe quá tải, góp phần bảo vệ KCHTGT và giảm TNGT. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTX) tiếp tục được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, lượng xe vi phạm vượt tải trọng trên 100% cơ bản đã hết, chủ yếu là các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30% trở xuống.
Năm 2015, TNGT cả nước xảy ra 22.404 vụ, làm chết 8.671 người, làm bị thương 20.556 người. So với năm 2014, giảm 2.918 vụ (giảm 11,52%), giảm 325 người chết (giảm 3,61%), giảm 3.861 người bị thương (giảm 15,81%). Năm 2015 là năm thứ 2 liên tiếp số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người; là năm thứ 18 liên tiếp không để xảy ra tai nạn hàng không. Tuy nhiên, TNGT đường sắt, đường thủy nội địa tăng so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tượng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Giai đoạn 2011-2015, công tác bảo đảm TTATGT đã có chuyển biến rõ rệt, TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, người chết và người bị thương; so với giai đoạn 2006-2010, số người chết do TNGT đã giảm 12.023 người, giảm 20,58%.
Công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Năm 2015, Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa và thực hiện IPO 33 doanh nghiệp; trong đó có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Bệnh viện GTVT Trung ương. Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu về việc thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp, CPH doanh nghiệp; đã triển khai CPH 137 doanh nghiệp nhà nước trên tổng số 514 doanh nghiệp cả nước (chiếm 26,65%) được CPH trong giai đoạn này; đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm CPH 12 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 2 bệnh viện.
Ngoài ra, các lĩnh vực công tác khác của Bộ GTVT cũng đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác quản lý bảo trì KCHTGT các lĩnh vực, khắc phục hư hỏng, bảo đảm giao thông sau mưa, lũ được triển khai kịp thời, tích cực. Tổng cục ĐBVN đã tổ chức đấu thầu thành công 129 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên toàn bộ các tuyến quốc lộ trên cả nước, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu giảm gần 7% so với dự toán. Công tác Khoa học, công nghệ và môi trường được chú trọng, tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất lao động; nâng cao chất lượng, tuổi thọ các công trình; giảm thiểu ảnh hưởng của các hoạt động GTVT đến môi trường, góp phần bảo vệ môi trường. Hợp tác, hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực GTVT được triển khai tích cực và hiệu quả. Nhiều điều ước quốc tế được ký kết, góp phần tăng cường kết nối GTVT với các nước; nhiều tổ chức tài chính thế giới, nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết và tài trợ, góp vốn để đầu tư, phát triển KCHTGT của Việt Nam. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, triển khai kịp thời, đúng quy định đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã phát huy trách nhiệm của toàn hệ thống thanh tra ngành GTVT. Việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Bộ đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả và được Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đánh giá cao. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động của Bộ được triển khai tích cực, hiệu quả. Công tác truyền thông tiếp tục được chú trọng và triển khai hiệu quả, đã hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí thuộc Bộ. Đã thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011-2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011 - 2016. Các đơn vị y tế ngành GTVT đã theo dõi chặt chẽ, chủ động phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác chăm sóc, khám sức khỏe, chữa bệnh cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động trong ngành và nhân dân.
Năm 2015, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ đã chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ và Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ lần thứ XVIII thành công tốt đẹp. Công tác chăm lo đời sống cán bộ, CNVCLĐ, công tác xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn các cấp quan tâm, thực hiện tốt. Các phong trào thi đua, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT đã được triển khai, hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho 02 tập thể (Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tổng công ty Hàng không Việt Nam) và 01 cá nhân (đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo ….góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ cho 04 tỉnh (Hải Dương, Thái Bình, Bình Định, Đồng Tháp) và 10 huyện, thị xã đã hoàn thành xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua xây dựng, phát triển Giao thông nông thôn - miền núi năm 2015; 31 tập thể đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua 2015 của Bộ GTVT.
Cũng nhân Lễ Tổng kết, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 102 đơn vị thuộc Ngành GTVT; 34 Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 12 doanh nghiệp tại địa phương hoạt động trong lĩnh vực GTVT; 70 huyện, thị thuộc các tỉnh, thành trong cả nước trong phong trào phát triển Giao thông nông thôn - miền núi năm 2015.
Một số hình ảnh trao Cờ thi đua:
Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 tập thể và đồng chí Nguyễn Văn Thể
Thủ tướng Chính phủ trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho 31 tập thể xuất sắc ngành GTVT
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho đại diện nhân dân
và cán bộ 10 huyện, thị xã tiêu biểu
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tập trung vào đánh giá ý nghĩa thành công của nhiệm kỳ vừa qua.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 về tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty tập trung triển khai cổ phần hóa, thực hiện thoái hóa vốn các công ty con. Trong tháng 1/2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ về cổ đông chiến lược.
Theo ông Phạm Viết Thanh, sau thời gian thực hiện cổ phần hóa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam chuyển sang qua Công ty cổ phần, đến nay hoạt động của Tổng công ty ổn định, hiệu quả. Vấn đề đạt được lớn nhất đó là sự vào cuộc của Bộ GTVT, Chính phủ đã giải quyết các nội dung liên quan đến thoái hóa vốn, theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã duyệt.
Trong 3 năm thực hiện tái cơ cấu, nội bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam có sự thống nhất cao, cùng với sự tháo gỡ khó khăn của Bộ GTVT, Chính phủ, Tổng công ty đã tổ chức bộ máy, mở rộng quy mô hoạt động, thu nhập bình quân tăng từ 8 - 10%, doanh thu tăng 10%, năm 2015 sản lượng vận chuyển đạt 17,4 triệu hành khách, lợi nhuận tăng 44% (tăng 109% so với năm 2014), việc làm, thu nhập của người lao động ngày càng tăng và ổn định.
Trong năm 2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam phấn đấu trở thành hãng hàng không có chất lượng tốt nhất trên thế giới, năm 2016 sản lượng vận chuyển đạt 18 triệu hành khách, lợi nhuận tiếp tục tăng (65%), tái cơ cấu lao động, phấn đấu bảo đảm trật tư ATGT hàng không và cải thiện chất lượng phục vụ, hoàn thành kế hoạch năm 2016.
Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Trung ương Đảng, ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kết cấu hạ tầng giao thông có nhiều đổi mới, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước. Đối với ngành GTVT Hà Nội, Thành ủy - UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cuả Bộ GTVT, triển khai nhiều dự án trên địa bàn Thành phố và thu được những kết quả tích cực. Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã đầu tư và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng tâm, trọng điểm, cùng với chương trình xây dựng giao thông nông thôn mới đã góp phần bảo đảm ATGT, công tác quản lý kinh doanh vận tải được tăng cường, đặc biệt là phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo ông Vũ Văn Viện, công tác tổ chức giao thông của TP Hà Nội được triển khai đồng bộ, đã đầu tư nhiều thiết bị trong công tác quản lý, bảo đảm trật tự ATGT; công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết hàng trăm nghìn hồ sơ…
Tuy nhiên, ông Vũ Văn Viện cho rằng, GTVT Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong năm 2016 Sở GTVT Hà Nội sẽ tham mưu Lãnh đạo Thành phố, Bộ GTVT để hoàn thiện Quy hoạch phát triển GTVT Thành phố đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020; lựa chọn các dự án giao thông triển khai bằng hình thức xã hội hóa; tổ chức hoạt động có hiệu quả tuyến đường sắt trên cao (Cát Linh - Hà Đông), đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng hiệu qủa công tác tuyên truyền, cải cách hành chính, thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, Bí Thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đánh giá 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng đã tạo tiền đề mở đường để đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn của ngành, đặc biệt là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và nhiều dự án quan trọng khác.
Ông Nguyễn Văn Thể đề nghị đánh giá chung của các báo cáo cần đưa điểm nhấn, vì đây là một trong những thành tựu nổi bật của ngành GTVT năm 2015. Với vai
trò quan trọng kết cấu hạ tầng giao thông, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW là rất đúng đắn, bởi nước ta tiến vào nước công nghiệp thì hạ tầng giao thông phải phát triển, Bộ GTVT xác định đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là rất quan trọng, phù hợp Nghị quyết của Đảng.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, làm thế nào để huy động đầu tư, bố trí 70.000 tỷ đồng kết cấu hạ tầng giao thông, trong khí đó lượng vốn dư Ngân hàng rất lớn, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo, huy động một số lượng vốn lớn, gần bằng số vốn ngân sách nhà nước; 186 ngàn tỷ đồng đầu tư bằng hình thức xã hội hóa; kế hoạch 4 năm triển khai QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nhưng chứng ta chỉ triển khai trong 2 năm” - ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thể cũng cho biết căn cứu báo cáo triển khai nhiệm vụ hàng năm, Bộ GTVT đã bám sát 3 khâu đột phá về hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ, ban hành nhiều chính sách, quan tâm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; huy động cả xã hội đầu tư, bằng nguồn vốn NSNN, TPCP, BOT… ; tái cấu trúc các lĩnh vực, đường bộ, đường sắt; phát triển nguồn nhân lực; triển khai công nghệ mới.
Riêng đối tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thể cho rằng là địa phương đặc thù, thời gian qua đã được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, các Ban, Bộ ngành đã giúp đỡ địa phương có điều kiện phát triển, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thể đánh giá Sóc Trăng là tỉnh còn nhiều khó khăn, thời gian tới đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo triển khai xây dựng cầu Đại Ngãi, QL61B và triển khai các cầu dân sinh, bảo đảm ATGT và xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Đại diện TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới tập trung triển khai Chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố (thay đổi vận tải hành khách công cộng, ứng dụng CNTT, cơ chế khuyến khích đầu tư, vốn…); tập trung đầu tư vào số km làm đường mới, làm cầu mới, 3 chỉ tiêu về số vụ, người chết và số người bị thương.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT