Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh khi trao đổi thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí tại cuộc họp rút kinh nghiệm về sự cố máy bay của Vietnam Airlines bị mất chỉ thị áp suất lốp số 1 của càng chính bên trái vào sáng 8/1/2016. Sự cố đã được đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xử lý chuẩn xác, đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp chỉ huy các cơ quan chức năng tại Sân bay quốc tế Nội Bài
xử lý sự cố đảm bảo an toàn cho 173 người gồm hành khách và phi hành đoàn
(Trong ảnh: Bộ trưởng chúc mừng cơ trưởng chuyến bay người Bồ Đào Nha đã phối hợp tốt với các cơ quan )
Như tin đã đưa, ngày 8/1/2016, chuyến bay thường lệ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam mang số hiệu 162 (HVN 162), loại tàu bay Airbus A321 khởi hành theo kế hoạch từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng lúc 8h59 (giờ Hà Nội), trên tàu bay có tổng số 173 người (162 hành khách và phi hành đoàn), dự tính hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài lúc 10h00.
Lúc 9h29, chuyến bay HVN 162 đang ở độ cao 29.000 bộ (8850m) vị trí cách Sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 300km (khu vực Nghệ An), tổ bay thông báo có sự cố về lốp bên trái thuộc hệ thống càng của tàu bay, yêu cầu trợ giúp tại mặt đất.
Vết rách lốp máy bay - Ảnh Báo Giao thông
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố, toàn bộ hệ thống khẩn nguy đã được kích hoạt. Đầu tiên là cơ quan quản lý bay. Cả 2 hệ thống: ACC Hà Nội và Đài kiểm soát không lưu Nội Bài đều kích hoạt phương án khẩn nguy.
Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV TCT Quản lý bay Đinh Việt Thắng
trao đổi thông tin với các cơ quan thông tấn
Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay sau khi nhận được báo cáo đã huỷ cuộc họp tại Trụ sở Bộ GTVT để cùng lãnh đạo Ngành Hàng không tìm phương án giải quyết sự cố. “Phương án nào phải tối ưu nhất, đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn cũng như tại nơi máy bay có thể đáp xuống”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Quản lý bay, lãnh đạo Cục Hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines cùng các chuyên gia kỹ thuật đã có mặt tại Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội để tham vấn, tư vấn quyết định một cách chính xác.
Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh
“Cùng đó, CHK quốc tế Nội Bài cũng triển khai ngay phương án khẩn nguy. Ngoài lực lượng khẩn nguy của hàng không còn có lực lượng của quân đội và Hà Nội” – Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố từ Tổ lái, các cơ quan đã nhận định có thể phải trải bọt để hạ cánh.
Ông Đinh Việt Thắng cho biết, việc nhận định tình huống một cách chính xác là điều quan trọng nhất, có vậy mới có các phương án đảm bảo an toàn, giảm thiểu thương vong một cách tốt nhất nếu xảy ra. Các cơ quan dưới mặt đất cũng nhận định có thể tổ lái chưa đưa được thông tin chính xác về sự cố nên các cơ quan phải trao đổi kỹ với tổ bay, đoàn bay và Vietnam Airlines.
“Sau đó, tất cả các cơ quan đều khẳng định máy bay chỉ bị xịt lốp như thông tin ban đầu từ tổ lái chứ không vỡ, nổ và còn một cánh vẫn có thể hạ cánh bình thường nên chúng tôi đã thống nhất với tổ bay quyết định hạ cánh bình thường, không cần rải bọt”, ông Đinh Việt Thắng nói.
“Đây là quyết định cực kỳ chuẩn xác vì nếu rải bọt có thể gây ra trơn trượt và máy bay có thể lao ra khỏi đường băng. Việc nhận định đúng tình huống, đưa quyết định chính xác, sự chuyên nghiệp của kiểm soát viên không lưu và tổ bay là tổng hoà các nguyên nhân để chuyến bay gặp sự cố của Vietnam Airlines hạ cánh an toàn chỉ sau giờ dự kiến hạ cánh hơn 20 phút”, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh khẳng định.
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết ngay sau khi hạ cánh an toàn, cơ trưởng chuyến bay đã hết sức cảm ơn lực lượng kiểm soát viên không lưu đã hỗ trợ tổ lái trong việc xử lý kỹ thuật.
Thực tế, theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN Đinh Việt Thắng các phương án ứng phó của không lưu đã bao quát mọi tình huống, kể cả hỏng động cơ, cháy nổ, nổ lốp, xịt lốp… nên khi gặp tình huống này anh em hoàn toàn chủ động. Sau khi nhận được thông tin từ tổ lái, anh em kiểm soát viên không lưu đã triển khai phương án khẩn nguy theo yêu cầu của tổ bay.
Trả lời câu hỏi của PV về việc tâm lý của hành khách như thế nào khi gặp sự cố, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) Phan Xuân Đức cho biết theo quy định, không nhất thiết trong trường hợp nào cũng phải thông báo cho hành khách.
“Có thông tin cần tham khảo hành khách, có thông tin thì không nên. Nếu cháy nổ thì có thể thông tin để hành khách biết và lường trước tình huống đối phó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, theo quy định tổ lái không nhất thiết phải thông báo bởi nếu hành khách biết thông tin có thể hoảng loạn, gây khó khăn cho hoạt động của tổ lái. Do đó, hành khách chỉ được biết thông tin khi máy bay chuẩn bị hạ cánh” – ông Đức cho biết.
Phó TGĐ Vietnam Airlines Phan Xuân Đức
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thông tin, cơ trưởng chuyến bay là ông Manual Erique C.B, người Bồ Đào Nha; Cơ phó người Việt Nam tên là Cao Ngọc Bách. Tàu bay gặp sự cố là tàu A321 – VNA601 được sản xuất và đưa vào sử dụng tại Việt Nam năm 2013. Hiện tại, tổ lái đã tiếp tục bay vào Đà Nẵng theo kế hoạch bay định sẵn. Chiếc máy bay gặp sự cố cũng đã hoàn tất việc thay thế lốp và có thể khai thác trở lại bình thường.
Hoài Lâm