Chiều 14/1, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội Khóa XII Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/ 11/ 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009, thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001 gồm 8 chương, 89 điều.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện
báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008
“Qua 6 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải của các nước trong khu vực” - ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 so với 2001 có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt đưa ngành nghề kinh doanh vận tải thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý vận tải (GPS - thiết bị giám sát hành trình) đến nay đã đạt được rất nhiều kết quả.
Vận tải đường bộ là ngành nghề được xã hội hóa rất sớm và xã hội hóa triệt để, chắc không còn doanh nghiệp (DN) nhà nước nào làm vận tải, có chăng cũng chỉ là gián tiếp, nhưng vừa đảm bảo kinh doanh vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng giai đoạn này, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bộc lộ những bất cập trong quy mô DN vận tải ô tô hết sức nhỏ bé. Từ năm 2013 - 2014, thực hiện siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm tra tải trọng thì DN làm ăn chân chính hết sức hoan nghênh.
Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là trách nhiệm chung của các Bộ, ban, ngành, địa phương.
“Vận tải hành khách tuyến cố định đưa ra rất nhiều Luật để khống chế từ đó sinh ra nhiều bất cập. Ai bảo xin vào tuyến ở bến xe không mất tiền là người ngớ ngẩn, nhưng bao nhiêu thì chịu? Từ đó siết cái này thì lại lọt cái khác như bến cóc, xe dù. Người người làm vận tải. Không phải không quản được mà cấm, phải cho ngành ô tô phát triển, nền kinh tế đòi hỏi siết như thế nào?’ - ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, tại Khoản 2, Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, DN hợp tác xã được kinh doanh xe khách, xe taxi nhưng lại không quy định xe hợp đồng, gây ra bất bình đẳng loại hình vận tải đường bộ. Vận tải xe hợp đồng ít điều kiện hơn nên xảy ra cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, sẽ chỉnh sửa đối với loại hình vận tải xe hợp đồng.
“Chưa đưa xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vào Luật, hiện nay loại xe này sử dụng nhiều ở các thành phố du lịch, với ưu điểm tiết kiệm điện, an toàn, vận chuyển khách du lịch thân thiện môi trường. Thời gian tới, cần quy định loại hình này vào Luật Giao thông đường bộ” - ông Trần Bảo Ngọc kiến nghị.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu sớm hoàn chỉnh Luật Giao thông đường bộ
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian qua đã tiến hành sửa Bộ luật Hàng hải, Đường thủy, Hàng không, thời gian tới sẽ tiếp tục sửa Luật Đường sắt và Đường bộ. Bộ trưởng cho rằng Luật Giao thông đường bộ rất quan trọng, gắn với người dân và có những điều chỉnh rất rộng.
Theo Bộ trưởng Luật Giao thông đường bộ mới thực hiện 6 năm nhưng bộc lộ nhiều tồn tại dẫn đến quản lý Nhà nước hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa lường hết được sự phát triển của kinh tế đất nước và thế giới. Đặc biệt, một số điều quy định trước đây không thực hiện được. Ví dụ đất dành cho giao thông đô thị của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM phải từ 20-26% nhưng thực tế chỉ có 7-8%, không lường được sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân, như xe máy có 45 triệu xe máy (mỗi năm tăng 3-4 triệu xe máy và 300.000 ô tô).
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thành Luật Giao thông đường bộ nhằm áp dụng vào cuộc sống của người dân, doanh nghiệp được quyền làm theo Luật, cải cách thủ tục hành chính giảm tối thiểu cơ chế xin cho. Tạo thị trường cho vận tải phát triển lành mạnh, dự báo sự phát triển của đường bộ trong tương lai.
Liên quan đến cơ chế, Bộ trưởng cho rằng cơ chế, thể chế tạo thuận lợi cho các cá nhân, DN đầu tư đường cao tốc mang tính chất đột phá. DN nào cũng xin đặc thù nếu đặc thù thì “loạn” và không còn là đặc thù nữa. Làm sao chấm dứt vĩnh viễn được xe quá tải.
“Dứt khoát vấn đề nào người dân, doanh nghiệp làm được thì để người dân, doanh nghiệp làm. Cơ quan nhà nước quản lý vốn sửa chữa, bảo trì đường bộ. Một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước không thể chấp nhận được tư duy cũ” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là trách nhiệm chung của các Bộ, ban, ngành, địa phương. Cơ hội sửa chữa Luật là rất khó vì không thể chốc lát làm được mà cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, tập trung trí tuệ, nhân lực, không thể sửa hời hợt, Luật phải tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy và phát triển.
Xuân Nguyên