Triển khai Đề án phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

Thứ hai, 01/02/2016 15:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều nay (01/2), tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp Triển khai Đề án phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Tham dự có Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục HHVN Đỗ Đức Tiến, Phó tổng giám đốc SBIC Ngô Tùng Lâm.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp triển khai Đề án phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

Theo báo cáo của Cục HHVN, công tác xây dựng VBQPPL liên quan đến hoạt động phá dỡ tàu đã xây dựng được 02 luật và bộ luật: Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 và Luật Bảo vệ môi trường 2014; 03 Nghị định, số 19/2015/NĐ-CP, 18/2015/NĐ-CP quy định về đánh giá tác động môi trường và bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu; số 114/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở phá dỡ và nhập khẩu tàu biển để phá dỡ; 02 Thông tư, số: 27/2015/TT-BTNMT hướng dẫn bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; 37/2015/TT-BGTVT Quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 2 Thông tư và một số văn bản liên quan đến môi trường và hướng dẫn các loại thuế liên quan chưa được ban hành.

Hiện, 4 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) là Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bến Thủy được đề xuất nghiên cứu thí điểm về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho việc phá dỡ tàu biển, tuy nhiên về thủ tục pháp lý, hiện tại các cơ sở này mới đáp ứng được 8/13 quy định của Bộ TNMT.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, trong hoạt động phá dỡ tàu biển thì vấn đề môi trường rất quan trọng. Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên môi trường đã nỗ lực cố gắng thúc đẩy quá trình triển khai Đề án phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Tuy nhiên đến nay vẫn còn thiếu một số văn bản quy phảm pháp luật, đặc biệt là 2 Thông tư của Bộ TNMT, văn bản về thuế… Do chúng ta chưa có kinh nghiệm trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, nên cần thực hiện thí điểm để từ đó phối hợp với Bộ TNMT hoàn thiện các văn bản liên quan.

Để triển khai Đề án đúng tiến độ và đạt hiệu quả của công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động tái chế và phá dỡ tàu tại Việt Nam, tuân thủ các quy định về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, an toàn lao động, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu SBIC xây dựng phương án, đề xuất mô hình hoạt động cho 4 đơn vị được lựa chọn (4 đơn vị này đã từng có hoạt động phá dỡ tàu biển) thí điểm phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, lập kế hoạch lựa chọn cán bộ quản lý và công nhân đủ năng lực của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc để gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ đào tạo tại chỗ theo thỏa thuận giữa hai bên. Đối với 5 tiêu chuẩn, quy định mà 4 doanh nghiệp chưa đáp ứng được, yêu cầu SBIC và các doanh nghiệp này có giải trình lý do và phương án khắc phục.

Vụ Môi trường, Cục HHVN, cụ thể là Tổ công tác rà soát các nội dung, làm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ TNMT, Bộ Tài chính để khẩn trương ban hành các thông tư có liên quan theo Nghị định 19, để tạo điều kiện triển khai Đề án.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổ công tác cần chủ động phối hợp, tháo ngỡ vướng mắc cho SBIC và các doanh nghiệp được chọn trong quá trình thực hiện thí điểm.

H.N

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)