Sớm xây dựng đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Thứ sáu, 19/02/2016 11:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 19/2, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp về công tác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các địa phương. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Vụ Vận tải, Khoa học Công nghệ, An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện Chiến lược và phát triển GTVT.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp.
 
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, nhìn chung, hiện tại 54/63 tỉnh thành phố trên cả nước đã có xe buýt hoạt động, nhiều phương tiện cũ, kém chất lượng đã dần được thay thế bằng các loại phương tiện mới có công suất lớn, giá cước phù hợp tạo thuận lợi cho người dân sử dụng xe buýt ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, chất lượng xe buýt hoạt động trên một số tuyến tại một số tỉnh còn chưa đảm bảo, các điểm dừng, đỗ, đón trả khách bố trí chưa hợp lý, có cự ly quá dài (dài hơn 500m) gây khó khăn cho hành khách. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông còn chưa phát triển so với tốc độ tăng trưởng phương tiện, quy đất xây dựng điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển còn thiếu kết cấu hạ tầng giao thông đô thị chưa phù hợp hệ thống đường quá chất hẹp khó bố trí tuyến. Công tác giáo dục đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ chưa được chú trọng, vẫn còn một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ trong công tác phục vụ. Cơ chế quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, đặc biệt là mô hình phân cấp hệ hống quy hoạch xây dựng kinh tế xã hội đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp. 
 
Báo cáo cũng cho thấy hiện tại chỉ có tại hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là có hệ thống xe buýt theo đúng nghĩa, các tỉnh, thành phố còn lại hệ thống xe buýt hoạt động như xe khách nội tỉnh. Cụ thể, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội đến nay đã có 91 tuyến bao gồm 72 tuyến buýt có trợ giá, 11 tuyến buýt không trợ giá và 08 tuyến buýt kế cận bao phủ khắp các địa bàn quận, huyện, thị xã của Thành phố và kết nối với các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Hưng Yên và luôn được phát triền, điều chỉnh hợp lý, năng lực vận chuyển được cải thiện đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Từ năm 2010 đến năm 2014, số lượng tuyến buýt tăng 14% (từ 80 tuyến lên 91 tuyến), sản lượng hành khách tăng trưởng liên tục đáp ứng từ 12-13% nhu cầu đi lại của người dân.  Đối với TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/12/2015, trên địa thành phố có 136 tuyến xe buýt, bao gồm 105 tuyến xe buýt có trợ giá và 31 tuyến xe buýt không trợ giá, tổng khối lượng VTHKCC năm 2015 ước đạt 575 triệu lượt HK, giảm 3,3% so với năm 2014 và đạt 95,8% kế hoạch năm 2015 (600 triệu lượt hành khách).
 
Tại cuộc họp các ý kiến phát biểu đã tập trung vào việc cần xây dựng các hướng dẫn, cơ chế, chính sách để khuyến khích các địa phương tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng của dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ giao Viện Chiến lược và phát triển GTVT phối hợp với Tổng cục ĐBVN chuẩn bị báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên toàn quốc. Thứ trưởng yêu cầu báo cáo phải đánh giá được các nhóm vấn vấn đề như sự phát triển của VTHKCC bằng xe buýt tại các loại hình đô thị khác nhau, các văn bản chính sách hiện tại cho loại hình vận tải này, công tác quy hoạch mạng lưới xe buýt tại các địa phương, cơ chế chính sách riêng của từng địa phương, kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt, phương tiện vận tải, chất lượng dịch vụ VTHKCC cũng như việc ứng dụng KHCN, mô hình quản lý hệ thống VTHKCC bằng xe buýt. Từ đó, Báo cáo phải nêu ra các hạn chế, tồn tại nguyên nhân  cũng như chỉ ra các giải pháp cho từng vấn đề. 
 
Để có thể xây dựng Đề án nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt, Thứ trưởng giao Vụ Vận tải và Tổng cục ĐBVN sớm tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm lấy ý kiến của các địa phương trước khi xây dựng Đề án.
 
DT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)