Ngày 07/3, tại trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Bộ GTVT và Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm TT ATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các Ban QLDA, Tổng công ty… Đại biểu Thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND: Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Văn Sửu, Lê Hồng Sơn; giám đốc, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, các Tổng công ty, các Ban QLDA, Chủ tịch các Quận, huyện, Thành phố Hà Nội…
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định trong thời gian qua Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về GTVT, đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT đã triển khai và đưa vào khai thác nhiều công trình quan trọng: Cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, nhà ga hành khách T2, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng, đường Vành đai 3 trên cao… Thành phố Hà Nội cũng đầu tư, hoàn thành nhiều công trình như: Dự án xây dựng Đường 5 kéo dài; dự án xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; đường Trần Phú- Kim Mã; đường Cát Linh - La Thành; cầu Đông Trù, các cầu vượt trong nội thành góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT, góp phần thay đổi cảnh quan đô thị Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại hơn.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá lại việc phối hợp công tác giữa Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, đề ra phương hướng, tăng cường phối hợp công tác giữa hai đơn vị trong công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm TT ATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Tại Hội nghị, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm cả Thành phố Hà Nội. Một số Quy hoạch phát triển GTVT trên các lĩnh vực đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải có liên quan đến địa bàn thành phố Hà Nội đều được Thủ tướng và Bộ GTVT phê duyệt. Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không đều đạt được kết quả cao. Trong công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đã phối hợp tổ chức phân luồng giao thông trên các tuyến đường bộ, đường cao tốc vào thành phố, tuyến nối sân bay Nội Bài – cầu Nhật Tân… một cách phù hợp, giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT. Công tác vận tải hành khách và hàng hoá trên các lĩnh vực được đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ; triển khai quyết liệt kiểm soát tải trọng xe và điều kiện kinh doanh vận tải; ưu tiên đầu tư vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải…
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường báo cáo tại Hội nghị
Về phương hướng thực hiện năm 2016 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng phụ trách cho biết cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành cho phù hợp với Quy hoạch giao thông Thủ đô HÀ Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt đồng thời xác định lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện về nguồn lực, quy mô, chỉ giới quy hoạch… Về công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cần hoàn chỉnh danh mục đầu tư các công trình hạ tầng khung giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn; tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án… Tăng cường phối hợp trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong việc tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông cho phù hợp, giảm thiểu ùn tắc đồng thời tập trung nghiêm cứu tìm kiếm kêu gọi nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa. Tiếp tục duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, đẩy mạnh siết chặt quản lý vận tải và kiểm tra thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải; xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc trong thành phố.
Thứ trưởng phụ trách cũng đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội sẽ định kỳ giao ban 3 tháng/ lần để giải quyết kịp thời các vướng mắc, tiếp tục phối hợp toàn diện nhằm triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm TT ATGT, giàm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trình bày báo cáo
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được thể hiện rõ nét bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đã tăng từ 0,3%-0,5% đất đô thị/năm, theo đó năm 2010 (đạt 7%) đến năm 2015 (đạt 8,65%). Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2010 (đạt 9%) đến năm 2015 (đạt 15%) nhu cầu đi lại của nhân dân. Số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 (124 điểm) đến năm 2015 (46 điểm).
Báo cáo về danh mục các dự án giao thông trọng điểm thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết mục tiêu nhằm tập trung đầu tư để cơ bản hoàn thành mạng lưới hạ tầng khung GTVT của Thủ đô xong trước năm 2025 đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ đầu tư cho giai đoạn trung hạ tiếp theo 2025-2030. Đồng thời đầu tư xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng khung là một trong những giải pháp chiến lược để chống ùn tắc giao thông nhằm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt. Báo cáo cũng nêu chi tiết danh mục công trình, tổng hợp danh mục và kinh phí. Báo cáo cũng nêu chi tiết các công trình giao thông cấp bách chống ùn tắc giao thông cần triển khai ngay trong giai đoạn 2016-2017, trong đó có 06 công trình do UBND Thành phố đầu tư và 01 công trình do Bộ GTVT.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT cũng như đại diện Thành phố Hà Nội đã cùng có ý kiến thảo luận các vấn đề xung quanh việc phối hợp giữa Bộ GTVT với Thành phố Hà Nội trong công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm TT ATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự chủ động của Bộ GTVT trong việc kết hợp với Hà Nội tổ chức Hội nghị rà soát các quy hoạch về cơ sở hạ tầng giao thông, bàn bạc các vấn đề còn vướng mắc và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Theo đồng chí, những năm qua sự phối hợp giữa Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội tương đối đồng bộ, chặt chẽ. Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng GTVT của Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội đã có những bước đột phá trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy vậy, đồng chí Hoàng Trung Hải cũng chỉ ra rằng hệ thống hạ tầng GTVT của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị triển khai còn chậm. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, vấn đề hạ tầng giao thông Hà Nội đang ở mức đáng báo động, đe dọa đến an toàn giao thông. Đồng chí đề nghị, cần phải có giải pháp đặc biệt hơn, nỗ lực hơn nữa với nhiều các giải pháp đặc thù hơn để tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch đặc biệt là quy hoạch ngầm.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị Bộ GTVT phối hợp cùng Thành phố Hà Nội chủ động bắt tay ngay kế hoạch để triển khai quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội và quy hoạch chung vùng Thủ đô, chuẩn bị trước những khâu, những việc chuẩn bị thực hiện ngay khi Quy hoạch được phê duyệt.
Về phía Thành phố Hà Nội phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Thành phố cần định kỳ làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT để kiểm điểm, đánh giá công tác phối hợp triển khai thực hiện./.
KC