Ngày 15/4, sau khi kiểm tra hiện trường các ga Trảng Bom, Biên Hòa, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã có buổi họp với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác khắc phục cầu Ghềnh. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị lãnh đạo ga Biên Hòa phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của hành khách như vệ sinh, an ninh trật tự, giảm thiểu thời gian chờ đợi một cách tối đa.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng công ty Đường sắt VN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công để đảm bảo vận chuyển hàng hóa, hành khách. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai quan tâm đảm bảo dịch vụ vận tải trước ga Biên Hòa.
Hoàn thành sớm, mỗi ngày tiết kiệm 6-10 tỷ đồng
Riêng về cầu Ghềnh mới, các đơn vị cần quyết tâm hoàn thành trước 30/6 theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ. "Tiền đã có rồi, thiết bị máy móc đã cơ bản được tập kết, mặt bằng cũng đã có, do đó, chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải phối hợp nhịp nhàng, nỗ lực để sớm hoàn thành xây dựng cây cầu với tinh thần trách nhiệm cao nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn vị thi công phải hết sức quan tâm đến công tác an toàn lao động, tiến độ nhưng lưu ý cần phải tiết kiệm. Tiến độ thi công cầu Ghềnh phải tập trung cao độ và có sự phối hợp chặt chẽ theo tinh thần hoàn thành sớm ngày nào sẽ giảm bớt thiệt hại ngày đó.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa kiểm tra tiến độ thi công cầu Ghềnh mới
Bộ trưởng giao Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN phối hợp với Ban QLDA đường sắt khu vực 3, CSGT đường thủy Đồng Nai có biện pháp phân luồng giao thông hợp lý để đảm bảo ATGT đường thủy trong suốt quá trình thi công. Bộ trưởng cũng giao chủ đầu tư sớm giải quyết thủ tục ứng vốn cho đơn vị thi công ngay trong ngày 15/4. Đây là công trình thi công theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, vốn đã chuyển về Kho bạc Nhà nước nên không có lý do gì trì hoãn, không thể ứng vốn trước cho đơn vị thi công để phục vụ xây dựng cầu Ghềnh mới.
Về việc thanh thải các bãi đá ngầm dưới sông Đồng Nai, Cục ĐTNĐ VN cần phối hợp lấy ý kiến từ Đồng Nai, Bình Dương để sớm có phương án trình Bộ GTVT xem xét lập dự án. “Nếu hoàn thành sớm nối thông tuyến đường sắt Bắc-Nam, ngành Đường sắt sẽ tiết kiệm được 6-10 tỷ đồng/ngày. Sự cố này cũng là để kiểm chứng năng lực của đơn vị thi công, tổ chức quản lý dự án của các cơ ban, ngành”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại cuộc họp
Ứng vốn kịp thời để đảm bảo tiến độ
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện tại các ga ở Đồng Nai đang được khẩn trương thi công bám sát tiến độ chi tiết từng ngày. Về cơ bản tiến độ đang được kiểm soát. Tuy vậy, Cienco 1 cần sớm chốt lại phương án lao dầm, trụ. Trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn lao động, chất lượng và đảm bảo ATGT đường thủy. Thứ trưởng Đông lưu ý trong khi thi công cầu Ghềnh mới phải đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo ATGT đường thủy vì xảy ra một sự cố thôi thì hậu quả thật khó lường. Riêng vấn đề ứng vốn cho đơn vị thi công Ban QLDA đường sắt khu vực 3 phải khẩn trương làm các thủ tục ứng vốn ngay trong ngày 15/4.
“Sau khi xảy ra sự cố cầu Ghềnh, Bộ GTVT đã khảo sát và thống kê rà soát các cầu yếu và cầu đường sắt có tĩnh không thấp. Trong khi chờ bố trí nguồn vốn và thay thế các cây cầu theo thứ tự ưu tiên thì Cục ĐTNĐ cần phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp đảm bảo ATGT đường thủy tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc”, Thứ trưởng Đông nói.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN cho biết sắp tới sẽ hạn chế giao thông ĐTNĐ để thi công cầu Ghềnh mới. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông thủy. Ông Giang đề nghị Ban QLDA đường sắt 3 có phương án linh hoạt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức giao thông thủy cho hợp lý. Đối với các cầu đường sắt yếu, có 9 cầu phải quan tâm đặc biệt, chống va trôi. Cụ thể như: cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng, cầu Yên Xuân, cầu Rạch Ông, cầu Nhị Thiên Đường 1… Những cầu này cần sớm có biện pháp nâng cấp, xây mới.
Cầu Ghềnh mới đang được gấp rút thi công
Cũng theo ông Giang, tuyến ĐTNĐ qua cầu Ghềnh là thuộc tuyến cấp 3 nên lượng phương tiện thủy lưu thông rất lớn, hàng năm khoảng 20.000 lượt phương tiện qua lại. Nhiều năm nay, theo quy hoạch được phê duyệt cũng đã có phương án tính đến phương án nâng tĩnh không cầu nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn.
Sau sự cố cầu Ghềnh, tĩnh không thuyền được nâng lên 6,5m giúp vận chuyển bằng đường thủy khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thông thoáng, giảm tải cho đường bộ rất lớn. Tuy nhiên ông Giang cũng lưu ý trên sông Đồng Nai còn nhiều bãi đá ngầm thường tạo dòng chảy không ổn định. Cục sẽ xin chủ trương từ Bộ GTVT, lập dự án thanh thải các bãi đá ngầm này để tạo thông thoáng luồng, đáp ứng nhu cầu giao thông thủy ngày càng cao.