Sáng 10/5, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các Bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đối với Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) khu vực phía Bắc. Đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội thảo
Luật Đường sắt (ĐS) 2005 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2006. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực GTVT ĐS. Luật ĐS 2005 cùng các văn bản hướng dẫn bước đầu đã thể hiện được tư duy mới trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ĐS, phân định rõ công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trong hoạt động đầu tư và kinh doanh ĐS. Tuy nhiên, qua thực tế 10 năm thi hành, Luật ĐS 2005 đã bộc lộ một số những tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động. Vì vậy cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật ĐS 2005 để phù hợp với Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành; một số quy định của Luật ĐS 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được chỉnh sửa chuyển thành các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi.
Dự thảo Luật ĐS (sửa đổi) gồm 9 Chương, 92 Điều, giảm 22 Điều so với Luật ĐS hiện hành. So với Luật ĐS ban hành năm 2005 thì Dự thảo Luật ĐS (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung và bổ sung mới. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các chính sách, ưu đãi trong hoạt động ĐS về phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT), kinh doanh vận tải và công nghiệp ĐS; phí sử dụng KCHTĐS trực tiếp liên quan đến chạy tàu thành giá cho thuê. Bổ sung các nội dung quản lý nhà nước về GTVT ĐS; chủ thể quản lý, sử dụng đất; quy định về tài sản KCHTĐS, quy định phân loại và xác định chủ thể quản lý tài sản KCHTĐS; quy định về niên hạn phương tiện giao thông ĐS; làm rõ kinh doanh KCHT, quyền, trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh ĐS; quản lý tài chính trong hoạt động tài chính, vấn đề phí, giá trong hoạt động ĐS…
Đặc biệt, Luật ĐS (sửa đổi) sẽ bổ sung mới một số điều liên quan đến đường sắt đô thị, ĐS tốc độ cao như các yêu cầu chung, yêu cầu đối với KCHT, kinh doanh, quản lý an toàn ĐS đô thị; chính sách phát triển, yêu cầu chung, đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì và kinh doanh, quản lý an toàn ĐS tốc độ cao; các yêu cầu chung khi đầu tư xây dựng ĐS tốc độ cao.
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, Sở, Ban ngành, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt về vận tải, hạ tầng đã tập trung thảo luận, góp ý các nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật ĐS (sửa đổi).
Dự kiến, Dự án Luật ĐS sửa đổi sẽ được UBKHCN&MT của Quốc hội tổ chức thẩm tra vào tháng 8/2016.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc sửa đổi Luật ĐS 2005 gắn với định hướng phát triển quy hoạch ĐS trong tương lai, gắn với chủ trương chính sách nhà nước.
"Thời điểm hiện nay đặt ra vấn đề lớn của ĐS Việt Nam, về vị trí của ĐS trong quy hoạch tổng thể các loại hình giao thông; Luật sửa đổi cũng xác định vai trò của ĐS trong hệ thống GTVT Bắc - Nam trong tương lai; các loại hình ĐS và triển vọng các loại hình ĐS như thế nào trong đó có ĐS đô thị, ĐS tốc độ cao, hệ thống ĐS vận tải hàng hóa, vận tải hành khách...", ông Lê Bộ Lĩnh nói.
Ông Lê Bộ Lĩnh cũng cho biết, theo dự kiến, Dự án Luật ĐS sửa đổi sẽ được UBKHCN&MT của Quốc hội tổ chức thẩm tra vào tháng 8/2016.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của đại biểu tham dự Hội thảo và cho biết Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý về Luật ĐS sửa đổi tại các hội thảo, nghiên cứu và hoàn chỉnh Dự thảo Luật trong thời gian tới trước khi trình Chính phủ xem xét.
Hội thảo sẽ được tổ chức tại khu vực miền Trung (tại Đà Nẵng) vào ngày 12, 13/5/2016 và khu vực miền Nam (tại TPHCM) vào ngày 16,17/5/2016 để tiếp tục lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Bộ GTVT nghiên cứu tiếp thu, sửa đổi lần cuối, trước khi gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét vào cuối năm 2016.
VH