Đoàn công tác Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội làm việc với Bộ GTVT

Thứ hai, 23/05/2016 17:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 23/5, đoàn công tác Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội do đồng chí Trần Văn – Phó Chủ nhiệm chuyên trách làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình triển khai các dự án giao thông sử dụng vốn ODA từ năm 2011 đến nay.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía Bộ GTVT có đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch Đầu tư, Hợp tác quốc tế, Tài chính; các Cục, Tổng cục chuyên ngành; các Tổng công ty, Ban Quản lý dự án quản lý, thực hiện dự án sử dụng vốn ODA.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT
làm việc với đoàn công tác Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Mục tiêu của buổi làm việc nhằm làm rõ việc quản lý, sử dụng, hiệu quả đầu tư bằng nguồn vốn ODA cho các DA giao thông trong giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn sắp tới, danh mục DA Bộ GTVT dự kiến đề xuất sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp chung về tình hình triển khai các DA ODA giai đoạn 2011-2015, tổng mức đầu tư (TMĐT), thời gian thực hiện, kết quả giải ngân tính đến hết quý 1/2015. Cụ thể, có 05 DA đồng tài trợ, TMĐT là 4,207 tỷ USD; 03 DA do Ngân hàng Thế giới tài trợ, TMĐT 0,302 tỷ USD; 03 DA do Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB tài trợ, TMĐT 0,189 tỷ USD. Ngoài ra, Bộ GTVT đang tiếp nhận và quản lý 01 Hỗ trợ kỹ thuật TMĐT 13,72 triệu USD; 04 DA do Nhật Bản (JICA) tài trợ, TMĐT 1,930 tỷ USD.

Đối với các DA đầu tư mới giai đoạn 2016-2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ GTVT đã xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trình Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Theo đó, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này (phần Bộ GTVT trực tiếp quản lý) vào khoảng 955.448 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 221.197 tỷ đồng (131.902 tỷ đồng đã ký kết hiệp định với các nhà tài trợ; 89.295 tỷ đồng tiếp tục kêu gọi ODA và vốn vay ưu đãi). Bộ KH&ĐT đã có văn bản thông báo số dự kiến của Bộ GTVT khoảng 116.952 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 72.117 tỷ đồng, vốn đối ứng 35.251 tỷ đồng.

Đánh giá kết quả thực hiện các DA sử dụng vốn ODA, Vụ trưởng Nguyễn Hoằng cho biết: Căn cứ các Nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2011-2015” của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển các chuyên ngành đường sắt, đường sông, cảng biển, đường bộ và hàng không thuộc lĩnh vực GTVT, đặc biệt theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện các DA ưu tiên để làm việc với các nhà tài trợ thống nhất lựa chọn DA ưu tiên vào các tài khóa để thẩm định vốn vay, đồng thời phối hợp với các Bộ ngành liên quan làm việc với nhà tài trợ triển khai các DA đúng tiến độ cam kết. Thực tế, các DA sau khi hoàn thành đưa vào khai thác đều đạt mục tiêu đầu tư và tính bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các DA đang triển khai gặp nhiều vướng mắc chủ yếu về vốn đối ứng và giải phóng mặt bằng (GPMB), gây ra nhiều hệ lụy. Việc thiếu vốn đối ứng dẫn đến ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung thực hiện DA. Ngoài ra đối với vốn nước ngoài, với quy định chỉ được giải ngân theo kế hoạch được giao như hiện nay đã gây khó khăn lớn trong quá trình triển khai DA, gây chậm tiến độ cũng như ảnh hưởng đến cam kết của Nhà nước và Chính phủ VN đối với các nhà tài trợ. Do vậy cần có chính sách linh hoạt hơn, cho phép giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực tế.

Đối với DA sắp tới có khó khăn về vay vốn ODA, do Việt Nam sẽ không được vay vốn ODA (vốn ưu đãi cao) mà phải chuyển sang vay lại vốn vay ưu đãi, Bộ GTVT không thuộc đối tượng vay lại, sẽ ảnh hưởng đến một loạt các DA sắp tới vay, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, ODA là nguồn lực rất quan trọng cho đầu tư phát triển hạ tầng, vì nguồn lực ngân sách nhà nước rất khó khăn. Các lĩnh vực đều có tài trợ nhưng rất khác nhau, ví dụ tỷ trọng lĩnh vực đường bộ vẫn là lớn nhất, sau đó là đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt; tỷ lệ đầu tư khác nhau do nhà tài trợ đánh giá tổng quan đầu tư thứ tự ưu tiên các lĩnh vực trên cơ sở hiệu quả phát huy cho nền kinh tế. Vấn đề nữa là do thay đổi về thể chế của VN thay đổi suốt từ năm 1994 đến nay; năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT cũng nâng lên; cân đối thứ tự ưu tiên đầu tư giữa VN và nhà tài trợ vẫn có sự không đồng nhất; có sự vênh về hệ thống pháp luật cũng có tác động nhất định đến thực hiện, sử dụng nguồn vốn ODA…

Thứ trưởng nêu rõ, trong thời gian sắp tới tính chất vốn ODA sẽ thay đổi nhưng Bộ GTVT vẫn xác định đây là nguồn lực quan trọng để bổ sung vào ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, do đó vẫn xem xét tính lan tỏa, cân nhắc đến thứ tự, lĩnh vực ưu tiên những dự án trọng điểm có tính thương mại và hạ tầng cốt yếu như như đường cao tốc, đường sắt.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng tình và đánh giá sự cần thiết và hiệu quả mang lại của nguồn vốn ODA trong đầu tư hạ tầng giao thông chung bao gồm hệ thống giao thông Trung ương và địa phương và đề nghị Bộ GTVT hoàn thành nội dung  báo cáo để làm cơ sở trình Quốc hội trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Văn - Phó Chủ nhiệm chuyên trách UB Tài chính-Ngân sách của QH
(thứ 3 từ trái sang) phát biểu tại buổi làm việc

Thay mặt cho đoàn công tác, đồng chí Trần Văn – Phó Chủ nhiệm chuyên trách UB Tài chính-Ngân sách của QH cảm ơn Bộ GTVT đã báo cáo đầy đủ trong việc quản lý vốn ODA trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn sắp tới. Những thông tin này giúp đoàn nắm bắt tình hình, số liệu cần thiết để sau này tham gia thẩm tra các báo cáo tài chính của Chính phủ.

Đồng chí Trần Văn nhận định: Trong lúc ngân sách nhà nước hết sức khó khăn thì ODA là nguồn vốn hết sức quan trọng, không thể thiếu được. Nhờ ODA mà hạ tầng giao thông của đất nước phát triển và thay đổi đáng kể trong thời gian vừa qua. Bên cạnh những tích cực, nhiều cố gắng của các cơ quan  của Chính phủ, Bộ GTVT trong quản lý, sử dụng vốn trong khuôn khổ pháp luật chung cũng tồn tại nhiều hạn chế. Do đó, đồng chí đề nghị Bộ GTVT hoàn chỉnh nội dung báo cáo bổ sung gửi Quốc hội trong thời gian tới, để UB tham chiếu xây dựng các báo cáo thẩm tra ban hành tài liệu trong Quốc hội. 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cảm ơn ý kiến trao đổi của đoàn công tác và cho biết Bộ GTVT sẽ tiếp thu, hoàn thiện nội dung Báo cáo và gửi Ủy ban Tài chính trong thời gian tới đây.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)