Sáng nay (08/6), tại trụ sở Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không về công tác quản lý nhà nước của Cục Hàng không Việt Nam và tình hình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp. Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch Chuyên trách UBATGT quốc gia Khuất Việt Hùng và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ tham mưu thuộc Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho mọi chuyến bay
Bao cáo tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng và là Nhà chức trách hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam đang quản lý nhà nước đối với đơn vị, doanh nghiệp là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Tổng công ty quản lý bay Việt Nam; 04 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Paciffic Airlines, VietJet Air, Vasco; 06 hãng hàng không kinh doanh hàng không chung gồm Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, Công ty CPHK Hải Âu, Công ty CPHK lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty CPHK Hành Tinh Xanh, Công ty CPHK Bầu trời xanh, Công ty CPHK Global Trans; 09 Tổ chức bảo dưỡng tàu bay gồm Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO), Jetstar Pacific Airlines, Công ty trực thăng miền Bắc, Công ty trực thăng miền Nam, Công ty Cổ phần kỹ thuật trực thăng (Helitechco), Công ty TNHH bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không miền Nam, Công ty CP dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC), Công ty CP kỹ thuật hàng không Ngôi sao Việt, Công ty CP hàng không VietJet Air.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh báo cáo
tình hình hoạt động của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam
18 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không
Công tác quản lý và bảo đảm hoạt động bay, hiện Việt Nam đang quản lý FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh, với diện tích khoảng 1,2 triệu Km2; 35 đường HK quốc tế, 30 đường HK nội địa; 2 khu vực kiểm soát đường dài, 03 khu vực kiểm soát tiếp cận và 21 khu vực kiểm soát tại sân bay; 78 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 21 cơ sở khẩn nguy sân bay; trên 340 hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay, đặc biệt là hệ thống VHF, ADS-B trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Côn Đảo. Sản lượng điều hành bay trong năm 2015 đạt 640.848 chuyến bay, tăng 17.6 % so với năm 2014; Quý I/2016: 180.880 chuyến bay, tăng 17,7% so với cùng Quý 2015.
Về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, cho đến nay không có vụ việc uy hiếp an ninh hàng không nghiêm trọng nào xảy ra, an ninh trật tự được giữ vững. An ninh hàng không đã phối hợp hiệu quả với Công an xuất nhập cảnh, Hải quan trong việc phát hiện, bắt giữ người bị truy nã, vận chuyển trái phép chất gây nghiện, vũ khí. Công tác an toàn hàng không được thực hiện theo Chương trình An toàn hàng không quốc gia; 18 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không.
Công tác giám sát an toàn, an ninh hàng không luôn duy trì các tiêu chuẩn, chỉ đạo hệ thống giám sát, quản lý an toàn hàng không, an ninh hàng không; ban hành chỉ thị, huấn lệnh, khuyến cáo và thực hiện các biện pháp khẩn cấp; phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, tai nạn hàng không. Các Cảng vụ hàng không thực hiện giám sát trực tiếp, liên tục tại CHKSB.
Tình hình hoạt động khai thác CHKSB, hiện tại 21 Cảng hàng không đang khai thác, trong đó có 09 Cảng hàng không quốc tế. Tổng công suất thiết kế (tính đến tháng 4/2016) là 72,15 triệu hành khách/năm và 1,4 triệu tấn hàng hóa/năm, trong đó chủ yếu tập trung tại hai Cảng hàng không quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài; tăng 1,8 lần về hành khách và 1,63 lần về hàng hóa so năm 2010.
Hoạt động vận chuyển hàng không (4 tháng đầu năm 2016), vận chuyển nội địa của 04 hãng hàng không Việt Nam khai thác 50 đường bay nội địa với thị phần Vietnam Airlines chiếm 42,8%, Vietjet Air chiếm 40,2%, Jetstar Pacific Airlines chiếm 14,8, Vasco chiếm 2,2%. Vận chuyển quốc tế của 03 hãng hàng không Việt Nam và 55 hãng hàng không nước ngoài khai thác 99 đường bay quốc tế. Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 43,3% thị phần; các hãng hàng không nước ngoài chiếm 56,7%.
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam tính đến tháng 5/2016 gồm 136 chiếc (Vietnam Airlines 87 tàu, Jetstar Pacific Airlines 12 tàu, Vietjet Air 35 tàu, Vasco 2 tàu); chủng loại: B777, B787, A350, A330, A321, A320, ATR72, Cessna 208B; tuổi trung bình: 5,5 tuổi; 50 tàu sở hữu, đạt tỷ lệ 36,7%.
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines phát biểu tại cuộc họp
"Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế như quy mô thị trường hàng không Việt Nam còn thấp, hạ tầng hạn chế; Logistic, vận chuyển đa phương thức chưa phát triển; còn nhiều yếu tố tiềm ẩn uy hiếp an toàn hàng không; chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không còn nhiều tồn tại; hệ thống đào tạo chưa phát triển…", ông Lại Xuân Thanh cho biết.
Định hướng trong thời gian tới
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết, một số định hướng trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không; phát triển kết cấu hạ tầng CHKSB đáp ứng nhu cầu phát triển; phát triển thị trường hàng không Việt Nam ổn định, bền vững, phù hợp với tiềm năng thị trường và yêu cầu hội nhập; giữ vững năng lực hàng đầu trong khu vực của hệ thống quản lý bay; phát triển công nghiệp hàng không, doanh nghiệp hàng không, nguồn nhân lực và cơ sở đào tạo; bảo vệ môi trường.
Đại biểu tham dự cuộc họp
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất đối với ngành Hàng không là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, do đó Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không phải phối hợp nhằm bảo đảm an toàn cho mọi chuyến bay.
Đối với Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương rà soát lại quy hoạch hệ thống giao thông của ngành Hàng không đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển hiện nay; tăng cường quản lý nhà nước trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Hàng không, ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực trong nước; lập Đề án hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực hàng không; sớm làm việc với các cơ quan chức năng để xây dựng cơ chế đặc thù, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập cho cán bộ công chức của Cục.
Về các đề xuất kiến nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu của Bộ để cùng giải quyết. Riêng vấn đề quản lý vùng trời, Bộ GTVT sẽ làm việc với Lãnh đạo Bộ Quốc phòng để thống nhất quản lý.
Phùng Trọng