Xây dựng các đề án GTVT phải hài hòa các phương thức vận tải và đảm bảo tính kết nối

Thứ hai, 18/07/2016 16:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tại buổi họp với các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT nhằm rà soát Chương trình xây dựng Đề án 6 tháng cuối năm 2016 và công tác tổ chức thực hiện các đề án đã được phê duyệt, chiều nay (18/7).


Tổng cục trưởng TC ĐBVN Nguyễn Văn Huyện đang báo cáo công tác xây dựng Đề án
tại đơn vị trước Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và các đồng chí lãnh đạo Bộ

Báo cáo tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cho biết, về chương trình xây dựng Đề án 6 tháng cuối năm 2016, sau khi rà soát, các cơ quan của Bộ GTVT đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 01 Đề án trình Chính phủ và 02 Đề án trình Bộ trưởng. Trong 6 tháng cuối năm 2016 còn 10 Đề án trình Bộ trưởng.

Về tình hình thực hiện các Đề án đã được phê duyệt, ông Nguyễn Trí Đức cũng cho biết, sau khi rà soát số lượng đề án tiếp tục theo dõi thực hiện là 76 (trong đó có 03 đề án sắp hoàn thành, 02 đề án được ghép lại, 05 đề án điều chỉnh việc thực hiện một số nhiệm vụ, 29 đề án quy hoạch và 36 đề án giữ nguyên).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ cùng rà soát, cho ý kiến về các Đề án của Bộ GTVT được giữ lại để triển khai, thực hiện, bởi đây là cơ sở, là khung nền tảng cho sự phát triển của Ngành GTVT trong năm 2016 nói riêng và trong cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Các đề án được đưa ra góp ý đều là các đề án nhằm tái cơ cấu, phát triển các lĩnh vực “nóng” của Ngành như: Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực, gắn với đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Tổng cục ĐBVN; Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa đến năm 2020; Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu lĩnh vực đường thủy nội địa; Đề án Tái cơ cấu vận tải lĩnh vực Đường bộ; Đề án Tái cơ cấu vận tải lĩnh vực Đường sắt...

Về công tác xây dựng các đề án, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cũng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị, nhìn chung các Đề án đều được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hầu hết có kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện với những nhiệm vụ được phân công cho từng đơn vụ cụ thể, có thời hạn rõ ràng.

“Các giải pháp, nhiệm vụ phần lớn được thực hiện đúng thời hạn đề ra. Các báo cáo cũng nêu một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, phổ biến nhất là khó khăn về nguồn kinh phí đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Ngoài ra còn có khó khăn về cơ chế, thiếu văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh”, ông Nguyễn Trí Đức nói.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các đơn vị chủ trì xây dựng các đề án báo cáo bảo vệ mức độ cần thiết của các đề án yêu cầu được giữ lại để thực hiện cũng như vướng mắc, khó khăn của các đề án đã và đang được triển khai thực hiện như thế nào? Các đề án được các cơ quan chủ trì xin rút hoặc xin dừng, hoặc thậm chí ghép các đề án nhỏ vào một đề án lớn nguyên nhân từ đâu, lý do nào, ưu nhược điểm của nó thế nào, cần các giải pháp nào cũng như cơ quan nào phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong nhiệm kỳ này, nguồn vốn đầu tư cho ngành GTVT là rất hạn hẹp. Tuy nhiên, Ngành GTVT vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao phó.

Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ thông qua các đề án đã được rà soát, rút gọn và mang tính cấp bách của mình.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý các cục, vụ cần xác định rõ các lĩnh vực, vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GTVT khi lập kế hoạch xây dựng đề án. Có lĩnh vực thuộc thẩm quyền, chức năng của các Bộ, ngành khác hoặc địa phương mà Bộ GTVT chỉ giữ vai trò phối hợp, kết nối như vấn đề đất đai, phí, môi trường… Ví dụ, khi xây dựng quy hoạch phát triển giao thông phải xuất phát từ quy hoạch phát triển KT-XH của từng vùng và giao thông giữ vai trò kết nối. Hoặc có vấn đề xuất phát từ thực tiễn doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tự xây dựng đề án, kế hoạch, Bộ GTVT chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp.

”Việc cân đối đầu tư hài hòa 5 lĩnh vực GTVT nhằm tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, nâng hiệu quả hoạt động của đường thủy nội địa; đường sắt; hàng hải; hàng không vừa đảm bảo ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và thúc đẩy phát triển Ngành, phát triển đất nước là nhiệm vụ mà ngành GTVT phải hoàn thành”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Hoài Lâm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)