Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý chất lượng công trình hạ tầng giao thông đường bộ

Thứ năm, 28/07/2016 10:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 28/7, Bộ GTVT phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo Quản lý chất lượng công trình hạ tầng giao thông đường bộ. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản Katsuro Nagai cùng đại diện các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng giao thông của Nhật Bản, các Cục, Vụ, Viện, Ban QLDA thuộc Bộ GTVT.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh thời gian qua nhiều công trình giao thông đã được hoàn thành và đánh giá có chất lượng cao, tuy nhiên công tác quản lý chất lượng công trình giao thông vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách thức, đặc biệt đối với các công trình ngày càng có quy mô lớn hơn như quản lý tiến độ song song với chất lượng dự án, quản lý năng lực của nhà thầu, vai trò của các chủ thể tham gia gia dự án... Thứ trưởng hy vọng thông qua Hội thảo các đại biểu sẽ có nhiều sự trao đổi kinh nghiệm để vai trò và nhận thức về quản lý chất lượng công trình được nâng cao hơn trong thời gia tới đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm quốc tế để có những quy định nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình giao thông đặc biệt đối với các công trình đã được dành nhiều nguồn vốn đầu tư.
 
Công sứ Katsuro Nagai phát biểu tại Hội thảo
 
Thay mặt Đại sứ quán Nhật Bản, Công sứ Katsuro Nagai cũng hy vọng Hội thảo là cơ hội để Nhật Bản chia sẻ các kỹ thuật, công nghệ cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung công trình giao thông nói riêng mà Nhật Bản đã trải qua.
 
Phó Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT Dương Viết Roãn trình bày tham luận
 
Tại Hội thảo, ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, thời gian qua Bộ GTVT đã chủ động đổi mới cơ chế, chính sách và phương thức quản lý các dự án theo hướng hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, tăng cưòng kiểm tra, giám sát các chủ thể phân cấp và tăng cường quản lý tại các đơn vị cơ sở, tuy nhiên chất lượng công trình giao thông vẫn bị ảnh hưởng bởi các khó khăn vướng mắc trong cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xây dựng, trong công tác xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn và ứng dụng KH&CN cũng như công tác quản lý dự án, tư vấn, xây lắp...
 
Để từng bước giải quyết các khó khăn, thực hiện mục tiêu hoàn thành các dụ án bảo đảm chất lượng, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị trong ngành nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện dự án, với các giải pháp cụ thể đối với từng đối tượng như các Ban QLDA, các tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, các nhà thầu xây lắp. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, hình thức đấu thầu, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có năng lực tổt để đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả kinh tế, khuyến khích áp dụng các giải pháp hiệu quả về kỹ thuật - công nghệ, vật liệu để giảm giá thành, khắc phục triệt để những tồn tại và nâng cao chất lượng công trình, như: các giải pháp ổn định nền đường, mái dốc, xử lý đất yếu, xử lý lún các phạm vi chuyển tiếp đường và cầu/cống, HLVBX mặt đường BTN, cũng như tiếp tục tăng cường thực hiện công tác quản lý khai thác, bảo trì công trình; quyết liệt thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường, đồng thời đẩy mạnh công tác đánh giá các chủ thề tham gia dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá các nhà thầu xây lắp (là nhân tố chính ảnh hưởng tới chất lượng thi công xây dựng).
 
Các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo
 
Chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội thảo, ông Yoshiaki. Matsuno, Chuyên gia JICA, cho biết, để đảm bảo chất lượng xây dựng công trình công cộng,  Nhật Bản áp dụng hệ thống lựa chọn nhà thầu theo chất lượng và chi phí (QCBS) thay cho lựa chọn nhà thầu chỉ dựa trên chi phí.  Theo ông Yoshiaki, QCBS là một cơ chế đấu thầu toàn diện, xem xét đến chi phí và các yếu tố khác, chẳng hạn như thời gian xây dựng, chức năng, an toàn, v.vv...Ngoài ra, Nhật Bản còn sử dụng hệ thống thông tin công nghệ mới (NETIS) nhằm chia sẻ thông tin về công nghệ mới tới tất cả các bên liên quan cũng như hệ thống thông tin về hồ sơ xây dựng (CORINS tập hợp các hệ thống thông tin về các nhà thầu) nhằm đảm bảo tính trung thực và loại bò các nhà thầu có năng lực yếu kém.
 
Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu đã nghe các chuyên gia Nhật Bản trình bày về: Đề cương và sản phẩm của Dự án "Tăng cường năng lực quản lý an toàn và chất lượng công trình"; Cải thiện an toàn và chất lượng trong xây dựng cầu; Đảm bào chất lượng kết cầu bằng ứng dụng các công nghệ mới (thép chịu thời tiết, cọc vít NS-ECO). Đại diện Tổng cục đường bộ Việt nam trình bày "Công tác bảo trì đường bộ và ứng dụng KHCN, vật liệu mới nhăm nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ.
DT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)