Sáng nay (10/8), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai Dự án không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - Giai đoạn 1 áp dụng cho tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO.
Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông; đại diện các Vụ, Tổng cục/Cục liên quan thuộc Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin; Ban QLDA ATGT; các Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông: VNPT, Viettel; các Công ty: Tasco, FPT và Hanel.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Quang Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tasco (đơn vị được Bộ GTVT lựa chọn làm chủ đầu tư) cho biết, về công nghệ, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Công ty Cổ phần Tasco nghiên cứu, thí điểm ứng dụng công nghệ thu phí không dừng RFID tại 3 trạm thu phí tại Quảng Bình, Nghệ An (trạm Hoàng Mai) và Đắk Nông. Đến tháng 3/2015, Tasco đã hoàn thành triển khai và kiểm thử thành công công nghệ RFID tại 3 trạm thí điểm và đến tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận triển khai đại trà công nghệ RFID cho các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng trường phát biểu trong Lễ kiểm thử công nghệ RFID tại trạm thu phí Hoàng Mai
Về thủ tục đầu tư, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà đầu tư Liên danh TASCO-VETC. Bộ GTVT và Nhà đầu tư cũng đã ký kết hợp đồng dự án đầu tư BOO để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với phương án dịch vụ thu phí ETC, Nhà đầu tư dự án cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho các Nhà đầu tư BOT và được hưởng mức phí dịch vụ thu phí ETC trích từ doanh thu thu phí tại các trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư theo phương pháp tính toán như các dự án BOT.
Lộ trình triển khai trạm thu phí ETC được chia thành 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2018): đơn làn ETC có barrier, trong đó năm 2016 bố trí 2 làn ETC/trạm, năm 2017 bố trí 4 làn ETC/trạm và năm 2018 bố trí toàn bộ các làn theo hình thức ETC; Giai đoạn 2 (2019-2020): đơn làn ETC có barrier, thông xe trong trường hợp xe có thông tin thẻ E-tag hợp lệ; Giai đoạn 3 (2021): đơn làn tự do ETC, bỏ barrier; Giai đoạn 4 (từ 2022 trở đi): đa làn tự do ETC.
TGĐ Công ty Cổ phần Tasco Vũ Quang Lâm báo cáo tình hình triển khai dự án tại cuộc hop
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng: đây là công nghệ hiện đại, có thể tích hợp hệ thống dễ dàng, triển khai nhanh, đơn giản và tiết kiệm chi phí mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, lưu lượng xe ngày càng tăng với tốc độ cao, nếu không sớm đưa hệ thống ETC vào các trạm thu phí sẽ làm tăng khả năng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí. Về công nghệ, chủ trương của Bộ GTVT là chuyển dần công nghệ DSRC (sử dụng OBU) hiện đang sử dụng tại một số trạm sang công nghệ RFID (sử dụng thẻ E-tag) để thống nhất một công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay một số dự án sử dụng vốn ODA do nước ngoài tài trợ họ muốn sử dụng công nghệ và thiết bị của họ, điều này cũng gây khó khăn cho việc tích hợp hệ thống ETC chung trên toàn quốc.
“Cần có phần mềm tích hợp mọi hệ thống, các thiết bị phải được lựa chọn từ nhiều công ty, hãng khác nhau, trong đó ưu tiên các thiết bị được sản xuất từ trong nước với tính năng tương đương”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Còn Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đây là lĩnh vực mới nên cần phải có cơ quan thẩm định giá độc lập để xác định giá; hướng sản xuất thiết bị tại Việt Nam để giảm giá thành và tổ chức đấu thầu lựa chọn thiết bị.
“Cần xem xét lại lộ trình triển khai, mở rộng trạm ETC phù hợp với thực tế tại Việt Nam; đồng thời lưu ý việc lựa chọn công nghệ thu phí trên các tuyến đường cao tốc để có khả năng kết hợp nhiều tính năng trong quản lý, điều hành giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị.
Hệ thống ETC tại trạm thu phí
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện, quá trình lựa chọn nhà đầu tư Tasco là đúng quy định, đảm bảo tính công khai; sớm hợp đồng giữa Nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các Nhà đầu tư BOT đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà cung cấp dịch vụ, Nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Về lựa chọn giải pháp công nghệ thu phí yêu cầu cần bảo đảm tính thuận tiện, minh bạch, chính xác và an toàn để triển khai tại các trạm thu phí.
“Đây là dự án đầu tiên về dịch vụ thu phí tự động, do đó thủ tục pháp lý liên quan còn nhiều, rút kinh nghiệm từ dự án này, các cơ quan tham mưu thuộc Bộ cần rà soát lại tất cả các thủ tục để lược bớt một số thủ tục không cần thiết để các dự án tương tự sau này được thực hiện đơn giải nhất nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Hiện nay, các tuyến quốc lộ và cao tốc tuyến toàn quốc còn nhiều trạm thu phí chưa sử dụng công nghệ thu phí không dừng, Bộ trưởng rất khuyến khích và hoan nghênh các Nhà đầu tư đăng ký tham gia trong thời gian tới.
Phùng Trọng