Tiếp tục nghiên cứu khả thi lập quy hoạch tuyến đường sắt mới Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng

Thứ năm, 08/09/2016 18:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 8/9, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và kết nối quốc tế.

Tham dự cuộc họp có Thứ Trưởng Nguyễn Ngọc Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương; lãnh đạo Sở GTVT Lào Cai và Hải Phòng; Văn phòng Bộ GTVT; các Vụ: Kế hoạch Đầu tư, Kết cấu hạ tầng GT, Hợp tác quốc tế; Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình GT; Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN); Ban QLDA Đường sắt; Tổng công ty ĐSVN; Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI).

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo của Ban QLDA Đường sắt về hiện trạng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hiện tại tuyến này gồm 2 tuyến chính: Tuyến đường sắt từ Yên Viên (Hà Nội) - Lào Cai với tổng chiều dài 285km chủ yếu là đường đơn khổ 1.000mm, trong đó có 11,2 km đường lồng (khổ 1.435mm & 1.000mm) từ Yên Viên đến Bắc Hồng để kết nối với các tuyến lồng khác. Tuyến có địa hình hiểm trở qua nhiều núi cao độ dốc lớn, bình diện tuyến đường rất xấu, nhiều đường cong bán kính nhỏ dưới 150m (đặc biệt là đoạn từ Yên Bái - Lào Cai). Tốc độ chạy tầu thấp, vận tốc trung bình chỉ đạt 40km/h. Năng lực thông qua 20 đôi tàu/ngày đêm do nhiều khu gian hạn chế như Cổ Phúc - Ngòi Hóp, Vũ Ẻn - Ấm Thượng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai do ADB và Pháp tài trợ đã hoàn thành giai đoạn 1 khoảng 176km đường. Tuy nhiên, dự án chỉ giải quyết được kiến trúc tầng trên, nâng cấp cải tạo một số cầu yếu, kéo dài một số đường ga mà không giải quyết dứt điểm được vấn đề bình diện tuyến do đó không cải thiện được nhiều về tốc độ, năng lực thông qua cũng như an toàn chạy tàu… hiện chỉ rút ngắn được 40 phút chạy tàu so với dự kiến 90 phút theo nghiên cứu khả thi dự án khi hoàn thành toàn bộ trong khi ADB (nhà tài trợ chính dự án giai đoạn 1) chưa xem xét đề xuất đối với giai đoạn 2 dự án.

Tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Hải Phòng đường đơn khổ 1.000mm, dài 96km, địa hình tương đối bằng phẳng tuy nhiên qua nhiều khu dân cư đông đúc đặc biệt có nhiều điểm giao cắt cùng mức với đường bộ, hành lang an toàn giao thông không đảm bảo, tốc độ chạy tầu thấp, tối đa đạt 50km/h. Năng lực khai thác hiện tại 23 đôi tàu/ngày đêm.

“Hai tuyến Lào Cai – Hà Nội và Hà Nội – Hải Phòng được kết nối với nhau qua thông qua đoạn tuyến Gia Lâm - Yên Viên (5,5km) thuộc tuyến Hà Nội – Đồng Đăng. Cơ sở hạ tầng của các tuyến đường sắt không đáp ứng được đòi hỏi về vận tải trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Xuất phát từ các điều kiện như trên, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là cần thiết” – Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt Lê Kim Thành đánh giá.

Báo cáo về phương án kéo dài tuyến ĐS tới ga Tằng Loỏng (Lào Cai), đại diện TEDI cho biết: Hiện nay, Khu công nghiệp Tằng Loỏng đã được quy hoạch. Kết nối ĐS tại khu này từ khu vực Phố Lu tới ga Xuân Giao A do TCTĐSVN quản lý, ga Xuân Giao B do ĐS khu mỏ quản lý. Khu công nghiệp này đã có các khu quy hoạch mở rộng, nhu cầu vận tải ĐS cho khu vực này tăng lên. Ban QLDA Khu công nghiệp đang có quy hoạch xây dựng ga Tằng Loỏng mới thay thế cho ga phía trong. Để hiệu quả trong khai thác, TEDI nghiên cứu theo hướng về tổ chức vận tải, kết nối hạ tầng ở đây, đề nghị chuyển giao đoạn ga Xuân Giao vào tới ga Tà Loỏng mới này do TCTĐSVN quản lý khai thác. Lúc đó toàn bộ vận hành về tàu cũng như hạ tầng do ĐSVN quản lý, còn lại do ĐS mỏ tiếp tục quản lý khai thác; sẽ cải tạo lại khu vực ga Xuân Giao đảm bảo tổ chức hợp lý với khu vực này. Ở vị trí 4ha đất dành cho ga mới, ngoài bố trí mặt bằng ga sẽ bố trí mặt bằng kho bãi cũng như các hệ thống đảm bảo các vấn đề về logistics cho khu vực này.

Các thành viên dự họp tập trung báo cáo các nội dung liên quan đến tuyến ĐS Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng

Tại cuộc họp, các đại biểu đã báo cáo, thảo luận về hiện trạng kết nối giữa các ga trên tuyến ĐS Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; phương án kéo dài tuyến ĐS tới ga Tằng Loỏng (Lào Cai), từ ga Đình Vũ đi Vật Cách (Hải Phòng); hướng tuyến ĐS vào Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; hiện trạng, phương án và giải pháp kết nối để tổ chức khai thác vận tải giữa ĐS Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai, vị trí kết nối ray; cơ chế đầu tư...

Với phương án kéo dài tuyến ĐS tới ga Tằng Loỏng, Bộ trưởng đồng tình với tỉnh Lào Cai nhằm giảm tải đường bộ, tăng  năng lực ĐS. Với phương án tận dụng hạ tầng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thống nhất vị trí ga Tằng Loỏng và yêu cầu TCTĐSVN, TEDI trong quá trình lập dự án, nghiên cứu phối hợp với tỉnh Lào Cai đánh giá kỹ Quy hoạch không gian phát triển kinh tế-xã hội cũng như phát triển khu công nghiệp để đánh giá hàng hóa, cùng với việc tăng cường vận tải hàng hóa bằng phương thức này đưa ra doanh thu dự kiến từ đó đưa ra đề xuất cụ thể báo cáo Bộ GTVT.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định, đối với Hải Phòng hiện nay, đường sắt chưa phát huy được đúng với tiềm năng và nhu cầu thực tế, chưa tận dụng hết hạ tầng đã có, do đó, Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Ngọc Đông chủ trì nghiên cứu cụ thể phương án thiết kế tuyến mới từ ga Vật Cách đến Cảng Lạch Huyện, làm việc với TP Hải Phòng để chốt phương án tuyến, kết nối với các cảng mới, tính toán tổng mức đầu tư, nghiên cứu phương án hiệu quả hơn để Bộ GTVT sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

VH

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)