Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Phải lắng nghe, trao đổi mới tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp

Thứ sáu, 28/10/2016 14:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 28/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì Hội nghị tiếp xúc các doanh nghiệp vận tải thủy, cảng thủy nội địa khu vực phía Nam tại TP.HCM. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT và các doanh nghiệp phía Nam.

Tăng cường quản lý, đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã không ngừng tăng cường công tác quản lý, đồng hành cùng các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực vận tải thủy nội địa, đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

"Bộ GTVT cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định; ban hành 04 thông tư, Cục ĐTNĐ đã trình Bộ GTVT, Bộ Tài chính thẩm định 05 thông tư; Xây dựng quy hoạch cảng thủy nội địa, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông.... Tất cả các nội dung văn bản QPPL đều đáp ứng mục tiêu phát triển của kinh tế, xã hội, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp", lãnh đạo Cục ĐTNĐ nhấn mạnh.


Đông đảo các doanh nghiệp vận tải thủy, cảng thủy nội địa tham dự hội nghị

Lãnh đạo Cục ĐTNĐ cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ GTVT đã ban hành nhiều công điện, Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, văn bản chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, đồng thời tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó trọng tâm về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bảo đảm an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện.

Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Cục làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở GTVT địa phương đối với công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa, tăng cường tập huấn, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngay tại địa phương.

Nói về thực trạng đường thủy nội địa, Lãnh đạo Cục cho biết, hiện nay có 255 cảng thủy nội địa trong đó cảng hàng hóa là 244 cảng, cảng hành khách 11 cảng, cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài 13 cảng, cảng thường xuyên có tiếp nhận tàu biển 24 cảng. Toàn quốc có 8.506 bến thủy nội địa trong đó bến có phép hoạt động là 6.381 bến, bến không phép là 2.125 bến. Số bến khách ngang sông là 2.283 bến, trong đó 1.898 bến được cấp giấy phép hoạt động.


Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì Hội nghị

Tính đến hết tháng 9/2016, đã đào tạo và cấp được 342.255 bằng, CCCM trên phạm vi toàn quốc. Cục ĐTNĐ đang đẩy nhanh việc thực hiện áp dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, thi, kiểm tra, cấp bằng, CCCM cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Khi hoàn thành được đăng tải trên trang Website của Cục để tra cứu thông tin liên phục vụ công tác quản lý hoặc các nhu cầu khác. Các trường Cao đẳng nghề giao thông vận tải đường thủy thường xuyên tổ chức khai giảng khóa đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký đào tạo.

Triển khai thực hiện công khai minh bạch toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa trên bảng tin tại nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính; trên Cổng thông tin của Cục tại địa chỉ: viwa.gov.vn. Đã thực hiện thí điểm đăng ký làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn. Đến nay, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết là 238.840 hồ sơ; số lượng hồ sơ được đăng ký giải quyết qua mạng và qua tin nhắn là 300 hồ sơ.

Năm 2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đăng ký thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 64 thủ tục. Hiện tại, Cục đang phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải, Tư vấn hoàn thiện các quy trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ cho việc xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 cho toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục (phấn đấu 100% đạt mức độ 3 trong tháng 11/2016).


Phát triển vận tải thủy tại đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Báo Giao thông)

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã triển khai bình độ tuyến cập nhật hệ thống báo hiệu trên cổng Thông tin điện tử Cục và từng bước hoàn thiện bản đồ số, đáp ứng khai thác luồng tuyến đường thủy nội địa về nhu cầu phương tiện vận tải.

Về công tác vận tải và dịch vụ vận tải, Cục ĐTNĐ cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, vận chuyển hành khách đạt 123,97 triệu hành khách, tăng 5,6% và 6,16 tỷ HK.km, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hoá đạt 160,25 triệu tấn, tăng 6,2%; về luân chuyển đạt 33,19 tỷ tấn.km, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Cục, trong 9 tháng đầu năm, các cảng vụ ĐTNĐ đã làm thủ tục chi 12.557 lượt phương tiện VR-SB vào, rời cảng, bến thuỷ nội địa với 11.822.039 tấn hàng hoá thông qua. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 7358 lượt, tăng 6.819.971 tấn hàng hoá.

Theo báo cáo, tháng 5/2016, Cục ĐTNĐ đã tổ chức Hội nghị Tiếp xúc các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, cảng thủy nội địa năm 2016 với mục đích giúp cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận với tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, cảng thủy nội địa, đồng thời nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; từ đó đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác hiệu quả vận tải thủy nội địa, cảng thủy nội địa. Cục đã nhận và trả lời giải quyết ngay các đơn kiến nghị, công văn và yêu cầu từ Doanh nghiệp.

Tích cực nâng cấp, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: “Trong thời gian vừa qua xác định được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đường thủy, Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp, cải cách thủ tục hành chính và đưa vào thí điểm làm thủ tục qua tin nhắn ra, vào cảng giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian cho các doanh nghiệp”.

Trao đổi tại Hội nghị, Đại diện Công ty TNHH vận tải Cửu Long nêu ý kiến, công ty thường xuyên vận chuyển hàng hóa đi An Giang và Đồng Tháp Mười qua đường rạch, nhưng sau đó được các doanh nghiệp chỉ dẫn đi qua Âu Rạch Tranh. Tuy nhiên mới đi qua được vài hôm thì bị đóng cửa, chúng tôi không biết thời gian đóng, mở cửa như thế nào để doanh nghiệp nắm được thông tin. Trước thắc mắc của doanh nghiệp, ông Giang giải thích, Âu Rạch Tranh vừa mới hoàn thành và đang trong quá trình vận hành thử nghiệm để nghiệm thu kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử nghiệm vẫn còn một số bất cập nên đã phải ngừng sửa chữa làm thủ tục nghiệm thu và trong thời gian sớm nhất sẽ mở cửa, tiếp tục đưa vào hoạt động. Không đồng tình với lý giải của ông Giang, Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp điện thoại cho Ban Quản lý các dự án đường thủy yêu cầu chậm nhất ngày 15/11 phải mở Âu Rạch Tranh nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp.


Đại diện doanh nghiệp vận tải thủy phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Ông Trần Văn Thanh, Công ty cổ phần Bourbon Bến Lức kiến nghị Bộ GTVT cho nạo vét 2km (đoạn ngã 3 Xoài Rạp đến Vàm Cỏ) do khu vực này phương tiện lưu thông hạn chế. Trước kiến nghị của doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi Cục đường thủy nội địa phía Nam cho biết, hiện nay luồng đã bị lệch một bên, hệ thống phao tiêu báo hiệu cũng chưa đầy đủ chúng tôi đã báo cáo lên Cục đường thủy nội địa. Về phần kinh phí đầu tư phao tiêu báo hiệu, ông Hùng cho biết, nếu tận dụng những phao tiêu, báo hiệu cũ vừa thu hồi thì kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã giao cho Chi Cục đường thủy nội địa phía Nam lắp đặt ngay phao, tiêu báo hiệu để tàu bè lưu thông qua vực an toàn, đặc biệt, phần nạo vét 2 km phải ưu tiên đưa vào ngay kế hoạch năm 2017 để có ngân sách triển khai.

Ông Đoàn Văn Bích, Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh cho biết, hội nghị rất bổ ích để các doanh nghiệp chúng tôi được đóng góp, đề xuất những ý kiến còn hạn chế, vướng mắc. Hiện nay ngành vận tải đường thủy nên nghiên cứu và đưa ra một giá thành vận tải chung để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh". Trả lời ý kiến của ông Bích, người đứng đầu Cục ĐTNĐ cho biết đang rà soát lại toàn bộ để thống nhất đưa ra giá thành bốc xếp và vận tải giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và cạnh tranh phù hợp.

Phải lắng nghe, trao đổi mới tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc

Sau khi lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước nên trách nhiệm rất quan trọng, phải lắng nghe, trao đổi từng bước tháo gỡ những hạn chế, khó khăn còn vướng mắc tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp phát triển. Trách nhiệm, thẩm quyền đến đâu phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ tránh phiền hà, sách nhiễu.


Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu lãnh đạo Cục ĐTNĐ
phải lắng nghe, trao đổi mới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc,
tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp

"Trong năm nay Bộ trưởng GTVT cũng đã yêu cầu cố gắng tháo gỡ việc chồng lấn giữa đường thủy và hàng hải. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ đường sông trung ương, địa phương để phân cấp thẩm quyền quản lý rõ ràng, tránh tình trạng thu phí 2 lần. Về thủ tục hành chính, hiện nay Bộ GTVT đã có sàn giao dịch vận tải biển, yêu cầu Cục ĐTNĐ phải công khai minh bạch, chuyển tải đến các doanh nghiệp tham gia đăng ký rút ngắn thời gian và giảm chi phí", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Về nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo Cục ĐTNĐ đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản QPPL theo chương trình công tác năm 2016; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án, quy hoạch đã được phê duyệt; trong đó, chú trọng triển khai quyết liệt đối với Đề án Tái cơ cấu vận tải; Đề án huy động vốn XHH để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy nội địa góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

"Cục ĐTNĐ VN cũng phải tập trung thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính vì sự hài lòng hơn của doanh nghiệp và người dân trong đó hoàn thiện thủ tục điện tử ở cấp độ 3 và 4 với nhiều thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên người lái phương tiện, thủ tục ra vào cảng bến và quản lý vận tải. Đồng thời phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong đó các dự án sẽ đảm bảo đưa vào khai thác đúng tiến độ, tăng cường huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng, kinh doanh KCHTGT với các hình thức đầu tư phù hợp, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển, bảo trì KCHTGT đường thủy nội địa...", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Lê Quyết

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)