Chiều 23/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp về vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2016 và triển khai chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2021.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Hoà Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia; Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia; Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; cùng Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TNGT vẫn là vấn nạn nhức nhối trong xã hội với những tổn thất hết sức nặng nề. Từ chỗ bình quân mỗi ngày có 33 người chết vì TNGT (cứ 44 phút có 1 người chết) thì vừa qua là 26 người/ngày (cứ 55 phút có 1 người chết). Tuy tình hình có chuyển biến khi mà số người chết vì TNGT 5 năm 2005-2010 là 60.432 người, bình quân 12.084 người/năm, đã giảm xuống trong 5 năm 2011 - 2015 còn 47.897 người, bình quân 9.579 người/năm, trung bình giảm 20,7%.
Kết quả so sánh năm 2015 với 2011 cho thấy, số người chết vì TNGT đã giảm 23,7%, số người bị thương giảm 59%. Tuy nhiên kết quả giảm TNGT chưa bền vững ở các địa phương: sau 4 năm, 2010-2014, chỉ có 15/63 tỉnh, thành phố, chiếm 24% là 4 năm liên tiếp giảm số người chết vì TNGT, 26/36 tỉnh, thành phố chiếm 41% có 3 năm giảm, 1 năm tăng; còn 22/63 tỉnh, thành phố, chiếm 35% có 2 hoặc 1 năm giảm và 2 hoặc 3 năm tăng. TNGT đường bộ chiếm 97% số người chết, TNGT đường sắt chiếm 2% và TNGT đường thủy (sông, biển) chiếm 1%.
Như vậy, để giảm số người chết, bị thương vì TNGT phải tập trung cao nhất nỗ lực để giảm TNGT đường bộ. Phân tích TNGT đường bộ cho thấy: 71% các TNGT là do ý thức và hành vi của người tham gia giao thông không đúng luật pháp về giao thông như đi sai phần đường, làn đường (chiếm 26%), chạy tốc độ cao quá mức cho phép (10%), chuyển hướng sai luật (8,7%), thao tác lái xe sai (7,1%), không nhường đường tại nơi giao nhau (5,8%), vượt trái luật (5,7%) và sử dụng rượu bia (3%). Các bất cập về quy hoạch giao thông, chất lượng đường và bến bãi, hệ thống tín hiệu, cảnh báo, chiếu sáng chỉ là nguyên nhân của 29% số TNGT đường bộ.
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia đã trình bày Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14 ngày 30/12/2011 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia về "Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT" giai đoạn 2011 - 2016. Theo đó, trong 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14 về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền; phát huy được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”; thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trước đây, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; với phương châm lấy khu dân cư là địa bàn phối hợp thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, cùng với việc phát huy vai trò của hơn 100 ngàn Ban công tác Mặt trận của 103.080 khu dân cư, đến năm 2015 cả nước có 18.768.131 gia đình đạt chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hoá” trên 22.073.467 gia đình trên cả nước, đạt tỷ lệ 85,03%; 70.982/103.080 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận, đạt tỷ lệ 68,86%; đây chính là các gia đình, khu dân cư làm tốt công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Toàn cảnh Hội nghị
Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân đã được cả hệ thống chính trị quan tâm; hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, có trọng điểm nên đã tạo được sự đồng thuận cao của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, nhiều cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã thể hiện sự quyết tâm và thống nhất trong việc sử dụng các biện pháp tuyên truyền vận động như đưa tiêu chuẩn chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào việc bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua của cán bộ, đảng viên tại các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học.
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo đảm TTATGT gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận ở địa phương, cơ sở. Nổi bật là công tác xây dựng Khu dân cư bảo đảm TTATGT gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT” được triển khai sâu rộng trong các cấp Mặt trận và trong các tầng lớp nhân dân đã thực sự phát huy được vai trò nòng cốt của cán bộ Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động.
Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông từng bước được nâng lên rõ nét, đa số người tham gia giao thông chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Nhân dân nhận thức được tầm quan trọng việc đảm bảo an toàn giao thông là bảo vệ tính mạng của bản thân và trật tự an toàn xã hội; trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT, góp phần hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch, các tổ nòng cốt, tổ tự quản đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Công tác phối hợp tổ chức, thực hiện giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt là Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, biện pháp cụ thể nên công tác đảm bảo trật tự ATGT thu được kết quả thiết thực.
Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong Chương trình phối hợp còn bộc lộ những hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, để góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện được mục tiêu kiềm chế các vụ TNGT, tiến tới giảm từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thuỷ nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải, tiếp tục thực hiện năm ATGT hàng năm với từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, trong thời gian tới, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, thực hiện nếp sống văn hoá, trật tự kỷ cương ATGT góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Hoà Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Uỷ ban ATGT Quốc gia trong việc thực hiện phong trào “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT” giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi và kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí, đặc biệt là đã kéo giảm được trên 12.500 số người chết do TNGT so với giai đoạn 2006 - 2010, trong điều kiện nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng. Cuộc vận động tạo nên một xung lực mới, huy động được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong công tác bảo đảm TTATGT; đánh giá, ghi nhận được những cách làm hay, sáng tạo, nhiều gương người tốt, việc tốt xuất hiện ở tất cả các ngành, các địa phương có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
“Kết quả này là nỗ lực chung của hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Trung ương MTTQVN và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng các cơ quan thành viên. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia, tôi trân trọng cám ơn và một lần nữa nhiệt liệt biểu dương những kết quả có được từ những hoạt động phối hợp hiệu quả giữa tập thể, cá nhân của MTTQ Việt Nam các cấp và Ban ATGT các địa phương trong công tác tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục phối hợp với các địa phương tiếp tục hoàn thiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải; đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên công trường của các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực.
Cùng với đó, hoàn thành xử lý dứt điểm điểm đen về tai nạn giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng; tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với tái cơ cấu thị phần các lĩnh vực vận tải; đổi mới hơn nữa chương trình, phương thức đào tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải; chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý phương tiện, người lái.
Đồng thời, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, ATGT nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông trên đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong giám sát và xử phạt vi phạm hành chính; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng sử dụng hệ thống thông tin cơ sở xã, phường, tập trung tuyên truyền cho đối tượng thanh, thiếu niên.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia
trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho 20 tập thể đã có thành tích xuất sắc
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn
trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho 9 tập thể đã có thành tích xuất sắc
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã công bố Quyết định số 1133/QĐ-MTTQ ngày 22/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Quyết định số 498/QĐ-UBATGTQG của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về việc tặng Bằng khen cho 29 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc thể thực hiện Chương trình phối hợp về vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2011 - 2016. Thay mặt Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho 20 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho 9 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác.
Xuân Nguyên