Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trả lời chất vấn về suất đầu tư, hiệu quả và sự minh bạch trong đầu tư dự án...
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cùng tham gia trả lời các vấn đề liên quan đến giao thông
Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trong phiên làm việc sáng 15/6, nhiều ĐBQH đặt câu hỏi về hiệu quả đầu tư công, tình trạng đầu tư vốn dàn trải, hiệu quả của các dự án giao thông, suất đầu tư cao tốc quá cao. Cùng trả lời trong phần chất vấn này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã đưa ra nhiều con số chứng minh suất đầu tư cao tốc ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước khác.
Làm sao giảm suất đầu tư ở cả đường bộ, đường sắt?
Đại biểu (ĐB) Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu vấn đề ĐBSCL có hơn 2 triệu ha đất trồng lúa và 800.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, câu chuyện về vận tải vẫn luôn là bế tắc lớn, do tiến độ thực hiện các công trình quan trọng, có tính chất động lực đang chậm so với kế hoạch, trong đó có tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ vẫn chưa hoàn thành. "Đây là dự án trọng điểm của cả khu vực. Xin hỏi Bộ trưởng nguyên nhân của sự chậm chễ, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu trong huy động và công khai phân bổ nguồn vốn. Dự án này đến khi nào hoàn thành?", ĐB Ry chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là một câu hỏi nhẹ nhàng, nhưng phần trả lời sẽ rất “nặng”.
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) đặt câu hỏi: "Theo báo cáo của bộ KH-ĐT, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam sẽ làm trên 1.370 km, với tổng mức đầu tư 312.435 tỉ đồng, tương đương 14 tỉ USD, và suất đầu tư đường cao tốc là trên 12 triệu USD/km.
So sánh với Trung Quốc, chi phí của họ chỉ 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là trên 3 triệu USD/km. Như vậy, chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe của ta cao gấp 2 đến 4 lần các nước, nhưng chất lượng lại không bằng. "Đường sắt cao tốc của ta thì suất đầu tư cũng 50 triệu USD, cao hơn các nước rất nhiều, cao hơn 2,5 lần của Thái Lan. Vậy Bộ trưởng làm thế nào để trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, giảm suất đầu tư ở đường bộ, đường sắt?".
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn: “Nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục quy trình đấu thầu còn rườm rà, tốn nhiều thời gian gây chậm trễ tiến độ giải ngân của đầu tư công, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục? Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT và Bộ GTVT trong việc hầu hết các dự án BOT đều chỉ định thầu dẫn tới thiếu minh bạch? 2 Bộ phối hợp tham mưu cho Chính phủ như thế nào để đảm bảo tính cạnh tranh trong đầu tư công và các dự án BOT?
Với những chất vấn này, điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cùng tham gia trả lời.
Nguồn vốn trung hạn cho giao thông đang "thiếu vô cùng"
Cụ thể, về suất đầu tư của cao tốc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho hay, thời gian qua, Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo nội dung này.
“Hiện Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang tổng hợp báo cáo suất đầu tư dựa trên tiêu chuẩn của Quy định 1161 năm 2015 của Bộ Xây dựng, suất đầu tư quy ra đường 6 làn xe khoảng 200 tỷ/km. Tuy nhiên, đặc điểm của Việt Nam có 1 số khu vực có những mức giá rất khác nhau như khu vực miền núi trung du phía Bắc, miền Trung Nam Bộ, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ… Cũng theo Bộ trưởng Nghĩa, trong đầu tư, giá thành phụ thuộc vào nhiều vấn đề, đặc biệt là địa chất.
Báo cáo chi tiết về suất đầu tư cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra con số so sánh cụ thể ở rất nhiều nước: Đối với đường cao tốc 6 làn xe quy về tiêu chuẩn, quy mô đường ở Đức là khoảng 10,9 triệu đô/km, ở Bồ Đào Nha khoảng 12,1 triệu đô/km, Hung-ga-ry là 13,3 triệu đô/km, ở Áo là 16,7 triệu đô/km, ở Mỹ là từ 12,8-40,8 triệu đô/km. Bộ trưởng nói thêm với điều kiện địa hình khác nhau, mức giá cũng khác nhau. Ở Trung Quốc là từ 10,5-13,6 triệu đô/km. Và trong đề án đường cao tốc Bắc Nam thì chỉ dự kiến 9,5 triệu đô/km.
Còn về đường sắt, dự kiến ban đầu theo nghiên cứu của tư vấn của Nhật Bản là 50 tỷ đô, nhưng theo Bộ trưởng Nghĩa, đây cũng là một nội dung mà Bộ GTVT đang nghiên cứu lại và sẽ báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 năm 2018, lúc đó sẽ có số liệu chính xác và đảm bảo hơn.
Về đường cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ mà ĐB Hoa Ry hỏi, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Đoạn cao tốc này được khởi công từ 2010 nhưng vừa rồi, trước những khó khăn và có cái chưa hợp lý, chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra lại”. Bộ trưởng dẫn chứng đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn trước làm quy mô 13m, trong khi đó Sài Gòn – Trung Lương là 17m, Mỹ Thuận – Cần Thơ là 17m nên tạo nút thắt ở chỗ này, vì thế đã xin điều chỉnh lại. Đến nay, Chính phủ cơ bản đã đồng thuận với quy mô điều chỉnh đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận thành 17m cho đồng bộ với quy mô chung từ Sài Gòn đi Cần Thơ. Theo Bộ trưởng GTVT, hiện Ngân hàng công thương VN cũng đang đàm phán thu xếp vốn, hy vọng cuối quý 2 sẽ xong để làm tiếp dự án.
Về việc chỉ định thầu trong các dự án BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định đây là vấn đề được xã hội rất quan tâm.
Bộ trưởng đánh giá giai đoạn qua, chúng ta làm rất nhiều dự án huy động vốn, đây là hình thức đúng đắn theo Nghị quyết T.Ư và cũng đã huy động được nhiều nguồn lực. “Từ 2011-2015, chúng ta huy động được 171 nghìn tỷ đồng, các dự án này cơ bản là chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu và triển khai các dự án BOT là nội dung đã được kỳ họp thứ 2 Quốc hội đưa vào chương trình giám sát của TVQH, và tôi nghĩ rằng sẽ có kết luận đầy đủ vào tháng 8 để giải quyết một cách khách quan. Đề xuất của Bộ GTVT cũng như yêu cầu của xã hội là làm sao các dự án BOT triển khai một cách minh bạch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng mong muốn các ĐBQH cùng chia sẻ với ngành giao thông, bởi nhu cầu kinh phí của ngành giao thông tổng hợp từ tất cả các địa phương và đã được cập nhập vào vốn trung hạn khoảng 925 nghìn tỷ, nhưng cho đến hiện nay, vốn cân đối trung hạn đó mới chỉ được khoảng 31%, có nghĩa là đang thiếu vô cùng.
“Tôi đang xin báo cáo riêng với Thủ tướng có chủ trương làm sao để sớm giải quyết thêm vốn dự phòng, riêng vốn dự phòng của ngành giao thông thì đề nghị ưu tiên giải quyết sớm từ nguồn dự phòng của các lĩnh vực khác, vì nếu đầu tư vào giao thông sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác, đây là nhu cầu cấp bách của các địa phương” – Bộ trưởng Nghĩa chia sẻ.