Thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc

Thứ năm, 20/07/2017 14:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 20/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ GTVT tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc.
Đồng chủ trì hội nghị có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh.

Ban Kinh tế Trung ương,  Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ GTVT tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và đại diện lãnh đạo 14 tỉnh vùng Tây Bắc.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng mạng lưới giao thông trong vùng, rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá, động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của vùng và cả nước.

Trong những năm qua, giao thông vùng Tây Bắc đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và nổi bật, nhiều dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đặc biệt các dự án đường cao tốc đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đối với giao thông nông thôn cũng có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc còn thiếu và nhiều yếu kém, xuống cấp nhanh, hiệu quả kinh tế-xã hội chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Nhiều dự án tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu. Hệ thống đường ngang còn thiếu; đường tuần tra, vành đai biên giới đầu tư rất hạn chế. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không) chưa hợp lý và đồng bộ…

Theo báo cáo tổng hợp tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc do Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Cảnh Việt trình bày, do vùng có địa hình hiểm trở, chia cắt, địa chất thiếu ổn định, lượng mưa lớn gây sạt lở… nên suất đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ cao hơn nhiều vùng khác.

GTVT vùng Tây Bắc hiện có 4 phương thức, trong đó vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất. Thời gian qua, phương thức này đã được quan tâm, đầu tư, cải tạo nâng cấp, xây dựng mới, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội.

Toàn vùng đã hoàn thành được 3.718/6.730 km quốc lộ. Các dự án đường cao tốc Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Các dự án Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới đang tiếp tục được đầu tư.

Ba phương thức còn lại là giao thông đường sắt, đường thủy, hàng không còn hạn chế. Hệ thống đường sắt có tổng chiều dài khoảng 700 km, cơ bản được đầu tư giai đoạn 1, tuy nhiên năng lực vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

5 tuyến giao thông đường thủy nội địa trong vùng gồm: Hà Nội - cảng Việt Trì - Lào Cai, Việt Trì - Tuyên Quang, tuyến ngã 3 Hồng Đà - Cảng Hòa Bình, Phả Lại - Đa Phúc, Phả Lại - A Lữ, chủ yếu liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, khả năng khai thác liên vùng hạn chế do lưu vực sông nhỏ và dốc.

Giao thông hàng không mới có sân bay Điện Biên. Sân bay Nà Sản dừng hoạt động. Sân bay Lào Cai và Lai Châu đang ở khâu quy hoạch.

Các đại biểu dự hội nghị nhất trí cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội.

Trên các tuyến quốc lộ vẫn tồn tại cầu yếu, sạt lở, ách tắc về mùa mưa lũ; chất lượng mặt đường còn thấp, cấp hạng kỹ thuật của một số tuyến vẫn thấp so với quy hoạch. Hệ thống đường bộ là loại hình giao thông chủ yếu của vùng nhưng chưa được xây dựng kết nối liên hoàn. Hệ thống đường vành đai chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Chỉ tiêu kỹ thuật giữa các cung, tuyến đường, giữa đường với cầu, phà còn quá chênh lệch.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hằng năm cho ngành GTVT còn thấp so với nhu cầu. Việc thu hút đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa rất khó khăn so với vùng khác. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Vấn đề quản lý đầu tư, khai thác công trình còn nhiều bất cập.

 

Cao tốc Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai

Các giải pháp đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Bắc

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhất trí với các ý kiến, đề xuất của đại diện các bộ, ban, ngành, các địa phương; thống nhất tập trung vào 9 giải pháp và kiến nghị đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Bắc đến năm 2020.

Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tại hội nghị này, chủ trì phối hợp với các địa phương trong vùng tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển GTVT để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển. Xác định thứ tự ưu tiên, lựa chọn những dự án trọng điểm, cấp bách, tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó, phân công rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương.

Đối với đường bộ, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư 3 tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Bắc Kạn, Bắc Giang - Thành phố Lạng Sơn theo hình thức BOT. Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay vốn đầu tư dự án Hòa Lạc-Hòa Bình.

Đối với các tuyến quốc lộ đang triển khai dở dang sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương đẩy nhanh đầu tư hoàn thành các công trình trên các quốc lộ đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý để khai thác công trình bảo đảm an toàn, phù hợp với tổng kinh phí. Trọng tâm là các tuyến quốc lộ: 279B và 12 đoạn Km 102-Km 139+650, tỉnh điện Biên; 4A đoạn qua tỉnh Lạng Sơn; 37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi, tỉnh Sơn La; 279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô, tỉnh Hà Giang; 37 đoạn Km 280 - Km 340 và 32C đoạn Hiền Lương-TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái; 4E đoạn Km 0 - Km 40+600 và 279 đoạn Phố Ràng - Khau Có, tỉnh Lào Cai.

Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục đầu tư tuyến nối các tỉnh miền núi phía Bắc với cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Đẩy nhanh đàm phán để thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong giai đoạn đến năm 2020 đối với các dự án: Lai Châu - Yên Bái, Yên Bái - Hà Giang, Lạng Sơn - Cao Bằng. Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục để khởi công tuyến cao tốc TP. Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị.

Đối với tuyến cao tốc Tuyên Quang-Đoan Hùng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhất trí về đề xuất hình thức đầu tư BOT, giao Ban Cán sự đảng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo sớm triển khai.

Đối với hàng không, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Ban Cán sự đảng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bố trí nguồn vốn nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; nghiên cứu, xem xét thực hiện hình thức BOT đối với sân bay Lào Cai.

Đối với đường thủy nội địa: Thống nhất chủ trương nâng cấp đường thủy, ưu tiên đoạn Việt Trì-Yên Bái; đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương nghiên cứu, tiếp tục cho phép nạo vét luồng tuyến theo hình thức xã hội hóa và có giải pháp để kiểm soát phù hợp trong quá trình thực hiện.

Đối với đường sắt, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, năng lực vận chuyển, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có tại vùng Tây Bắc.

Đối với giao thông nông thôn, nhất là tại các xã có tỉ lệ nghèo và cận nghèo trên 40%, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan ưu tiên bố trí vốn cho xây dựng giao thông nông thôn vào các xã nghèo theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ, bố trí vốn đầu tư các tuyến đường đến trung tâm xã đối với các xã chưa có đường ô tô đi lại được 4 mùa.

Đối với đường liên thôn, liên bản: Các địa phương chủ động đầu tư theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (ngân sách địa phương hỗ trợ xi măng, sắt thép, kỹ thuật; nhân dân góp vật liệu cát, sỏi, đá và công lao động làm đường bê tông xi măng).

Về vấn đề xử lý đối với nợ đọng vốn các dự án giao thông đã hoàn thành, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, các địa phương bố trí nguồn vốn trả nợ đọng các dự án giao thông đã hoàn thành.

Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác quản lý, giám sát các dự án đầu tư, khai thác GTVT; quản lý, giám sát các phương tiện tham gia giao thông, chú trọng quản lý chặt chẽ về tải trọng xe.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các địa phương vùng Tây Bắc nghiên cứu sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động cân đối ngân sách, huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện các dự án phù hợp với khả năng nguồn lực.

Đối với dự án cấp bách, trong trường hợp không cân đối được bằng ngân sách địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một phần từ ngân sách Trung ương, phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình triển khai dự án đầu tư trên địa bàn.

toanld

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)