Chiều nay (24/7), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có Lễ ký kết thống nhất Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình” giai đoạn 2017-2022 , trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 82/CTPH-HPN-UBATGTQG giai đoạn 2013-2016.
Dự Lễ ký kết có đồng chí Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG, Bộ trưởng Bộ GTVT; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Hội và Bộ GTVT.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch Hội LHPN VN Nguyễn Thị Thu Hà
Ký kết Chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan
Tại buổi Lễ, đánh giá kết quả 4 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN VN và Ủy ban ATGT QG “Phụ nữ tham gia bảo đảm TT ATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội cho rằng Hội phụ nữ các cấp từ TW đến cơ sở đã phát huy vai trò tích cực của mình trong thực hiện CTPH; Hội đã nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình chủ động phối hợp với ban an toàn giao thông và các ngành chức năng tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền vận động cán bộ hội viên tham gia giữ gìn TTATGT.
Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG Trương Quang Nghĩa phát biểu
Đại diện Hội LHPN VN cũng khẳng định, trong thời gian qua công tác tuyên truyền gắn với nhiệm vụ công tác trọng tâm, phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội, đặc biệt là gắn với các tiêu chí Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; Mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cấp Hội phụ nữ với Ban ATGT các cấp được tăng cường đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp liên ngành trong giải quyết những vấn đề bức xúc về an toàn giao thông trên địa bàn.
“Cuộc vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình” đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ; nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân thực hiện tốt các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị. Chị em phụ nữ đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt các quy định an toàn giao thông khi tham gia giao thông và sử dụng các phương tiện giao thông đảm bảo an toàn, từ đó góp phần giữ gìn tốt trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh trong cán bộ, hội viên, góp phần làm giảm tình trạng trẻ em vị thành niên chưa đủ tuổi sử dụng xe phân khối lớn; góp phần cùng cả nước giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông xảy ra trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương”, Trưởng ban Gia đình xã hội Hội LHPN VN Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, mặc dù số người gặp TNGT là phụ nữ chiếm tỷ lệ ít nhưng số còn lại đều là chồng, con hoặc anh em mình, điều này cũng rất đau lòng. Do vậy, bản thân mỗi cán bộ của Hội sẽ phải có trách nhiệm cao hơn nữa, gương mẫu hơn nữa tuyên truyền đến từng chị em từng cấp Hội, từ đó tuyên truyền cho gia đình cùng chung tay giảm thiểu TNGT, bảo vệ chính gia đình mình.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG Trương Quang Nghĩa đánh giá cao Hội Phụ nữ các cấp đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo với nhiều mô hình được nhân rộng trong cả nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như mô hình: Phụ nữ với an toàn giao thông, Mô hình: Gia đình phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; Mô hình: Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông gây tai nạn và ùn tắc giao thông, Mô hình: Gia đình phụ nữ tích cực đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy vì sự an toàn của trẻ…
“Có thể nói, với truyền thống “Phụ nữ Việt Nam anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang” - “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị em phụ nữ đã phát huy vai trò người mẹ, người chị, người em trong gia đình, tích cực là tuyên truyền viên vận động người thân, cộng đồng chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, ùn tắc giao thông gây ra”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG khẳng định
Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG Trương Quang Nghĩa cũng cho biết, nữ giới chiếm trên 50% dân số cả nước, tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ vi phạm về trật tự, ATGT là rất thấp, khoảng 15%, điều đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của chị em phụ nữ là rất cao.
Các đại biểu tham dự và chứng kiến Lễ ký
“Ở Việt Nam có lẽ rất hiếm khi chúng ta thấy hình ảnh phụ nữ lái xe lạng lách, đánh võng, chen lấn, giành đường mà thường là những hình ảnh chị em đoan trang, thuỳ mị tham gia giao thông một cách có văn hoá, luôn chủ động nhường đường cho người khác, tuân thủ tuyệt đối hiệu lệnh điều khiển giao thông”, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định.
Người đứng đầu Bộ GTVT còn cho biết thêm, trong cuộc sống hầu hết phụ nữ Việt Nam không uống rượu, không sử dụng chất kích thích thần kinh; trong gia đình thì đa số phụ nữ là người đưa đón các con của mình đi học, đi chơi; phụ nữ cũng là người mua mũ bảo hiểm cho cả gia đình; hầu hết chị em sẵn sàng và luôn có mong muốn đi dự tiệc với bạn trai hay chồng của mình để cùng chia sẻ niềm vui và hơn nữa có thể lái xe đưa người bạn đời của mình về nhà sau khi anh ta đã uống rượu. Có thể khẳng định rằng phụ nữ đã, đang và luôn là những người bảo vệ sự an toàn trong giao thông ở Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch TT Ủy ban ATGT QG Trương Quang Nghĩa đề nghị các cơ quan thành viên của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cùng thực hiện một cách tốt nhất những nội dung đã ký kết ngày hôm nay, phối hợp một cách hiệu quả nhất, tạo các điều kiện cần thiết cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện công tác chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền thực hiện Chương trình phối hợp.
Đồng thời, Uỷ ban chỉ đạo, hướng dẫn Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với Hội phụ nữ Việt Nam cùng cấp tại tất cả các địa phương.
“Nhân đây tôi cũng đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quan tâm chỉ đạo Hội phụ nữ các tỉnh có đồng bào dân tộc Thái phối hợp với Uỷ ban và Ban An toàn giao thông các tỉnh huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả Chương trình vận động “Hỗ trợ mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn” mà Uỷ ban đã triển khai hơn 1 năm qua”, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT QG Trương Quang Nghĩa yêu cầu.
Theo Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT QG Nguyễn Trọng Thái, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thống nhất Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình” giai đoạn 2017-2022 với mục đích: Nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông; xây dựng “Văn hóa giao thông” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ;Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; giảm số vụ tai nạn giao thông tại các địa phương; Phát huy nguồn lực của hai ngành để vận động và hỗ trợ hội viên, phụ nữ tích cực tham gia đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình.
Để thực hiện được mục tiêu này, 2 cơ quan sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Vận động phụ nữ và các thành viên trong gia đình xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa trong tham gia giao thông; Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội phụ nữ, cung cấp kiến thức về kỹ năng an toàn giao thông, văn hóa giao thông; về phương pháp tổ chức, thực hiện các hoạt động, cách thức vận động phụ nữ và các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định về an toàn giao thông, tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình; Nghiên cứu xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ Hội tuyên truyền về giáo dục hành động thực hiện an toàn giao thông và áp dụng công cụ giám sát giới về an toàn giao thông. Xây dựng, phát hành cẩm nang tuyên truyền về vai trò của phụ nữ trong tham gia đảm bảo an toàn giao thông; Tổ chức các hoạt động hội thảo, giao lưu, diễn đàn, hội thi vào các dịp lễ, tết, ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông gắn với các hoạt động truyền thông tại cơ sở của Hội. Tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy vai trò, trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông của phụ nữ trên “Diễn đàn góp sức giảm thiểu tai nạn giao thông”; trên kênh truyền thông Fanpage “Phụ nữ Việt Nam với An toàn giao thông” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia quản lý; Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông”; “Gia đình hội viên phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật”; “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây tai nạn và ách tắc giao thông”... Chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Giáo dục hành động đảm bảo an toàn giao thông” tại 15 tỉnh, thành đại diện các vùng miền có tỷ lệ tai nạn giao thông cao...Tuyên truyền, vận động phụ nữ và gia đình tham gia xây dựng các công trình giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; đẩy mạnh thực hiện tiêu chí gia đình “không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” của Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch của Hội; phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông” nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp “Phụ nữ tham gia đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình”; Tổ chức thực hiện chương trình “Uống có trách nhiệm” vì an toàn giao thông và hạnh phúc của gia đình. Phối hợp triển khai Chương trình “Vòng tay nhân ái chia sẻ nỗi đau tai nạn giao thông”; Chương trình Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc”; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời phụ nữ và trẻ em bị tai nạn giao thông; Nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng của tai nạn giao thông với phụ nữ và gia đình, đề xuất xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông.
H.L