Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng kiểm tra tình hình an toàn giao thông và khảo sát trên tuyến sông Hồng

Thứ tư, 18/03/2009 08:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ GTVT - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình giao thông trên tuyến sông Hồng qua địa bàn Hà Nội. Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo cụ thể về công tác đảm bảo ATGT và khai thác hiệu quả tuyến sông này.
Ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ GTVT - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình giao thông trên tuyến sông Hồng qua địa bàn Hà Nội. Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo cụ thể về công tác đảm bảo ATGT và khai thác hiệu quả tuyến sông này.
 
Trước khi xuống tàu đi kiểm tra thực tế hoạt động giao thông trên tuyến sông Hồng, Bộ trưởng Bộ GTVT - Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia cùng đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 báo cáo về tình hình của tuyến vận tải này. Theo báo cáo, trên 60km sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội hiện có 7 cầu, hơn 100 kè chỉnh trị và thuỷ lợi, 111 bến thuỷ nội địa; 9 cảng hàng hoá, bốc xếp và 49 bến khách ngang sông.  
 
Số lượng, chủng loại phương tiện tàu, thuyền lưu thông trên tuyến cũng rất đa dạng và không ngừng gia tăng về tải trọng. Trước đây, những đoàn kéo đẩy có trọng tải lớn nhất cũng chỉ 600 - 800 tấn và phương tiện tự hành chỉ từ 100 - 250 tấn với chiều sâu mớn nước 1,5m thì nay các phương tiện tự hành thường có trọng tải từ 300 - 1.000 tấn với chiều sâu mớn nước từ 1,8 - 2,5m. Thậm chí gần đây còn có cả phương tiện mớn nước từ 2,7 - 3,0m tham gia lưu thông trên sông.  
 
Theo ông Lê Văn Lượng - Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6, trong 5 năm gần đây, mật độ phương tiện tăng đều hàng năm từ 6 - 8% và số tấn phương tiện tăng từ 14 - 18%. Trung bình mỗi ngày đêm, số lượng tàu, thuyền lưu thông qua trạm Sơn Tây ổn định từ 400 - 450 phương tiện; còn qua trạm Hà Nội cũng rơi vào khoảng 200 - 250 phương tiện. Dù vậy, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông thuỷ nội địa còn nhiều hạn chế, nhiều người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn và phương tiện không đảm bảo an toàn những vẫn tham gia lưu thông... khiến TNGT đường thuỷ nội địa trên tuyến sông Hồng vẫn diễn biến rất phức tạp.  
 
Cụ thể, năm 2005 chỉ xảy ra 7 vụ thì năm 2006 tăng lên 10 vụ. Tiếp đến, năm 2007 giảm xuống còn 8 vụ thì năm 2008 tăng lên 11 vụ... Thực trạng luồng tuyến hiện nay của sông Hồng qua Hà Nội cũng rất phức tạp, bởi dòng chảy ngày càng phát sinh thêm nhiều bãi cạn; trên tuyến còn nhiều chướng ngại vật chưa được thanh thải, 56 kè chỉnh trị dòng chảy trong nhiều năm không được duy tu đã xuống cấp. Đặc biệt, trong mùa lũ, nguy cơ mất ATGT luôn thường trực tại khu vực cầu Long Biên do dòng nước chảy xiết.  
 
Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã khảo sát gần 40km sông Hồng qua địa bàn Hà Nội với hàng chục bến cảng, bến thuỷ nội địa và bến khách ngang sông như: Trần Phú, Văn Đức, Mễ Sở, Hoàng Vân và cảng Hà Nội, Khuyến Lương... Bộ trưởng đánh giá tốt việc các bến bãi, chủ phương tiện chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường thuỷ nội địa, nhất là trước việc hầu hết các phương tiện đều không chở quá số người và trang bị đầy đủ phao cứu sinh.  
 
Ngay trong khi kiểm tra, nắm tình hình, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chỉ đạo các cục, vụ và các cơ quan liên quan phải tăng cường kiểm tra, giám sát hơn nữa hoạt động giao thông thuỷ nội địa, đặc biệt là đối với phương tiện chở khách trên sông. Đồng thời, cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tập trung phát triển giao thông thuỷ nội địa theo hướng hiện đại và an toàn. Mục tiêu cũng như yêu cầu đặt ra là giao thông thuỷ nội địa phải thực sự "chia lửa" được cho giao thông vận tải đường bộ...  
 
Liên quan đến Dự án cải tạo giao thông thuỷ trên sông Hồng qua Hà Nội, sau khi khảo sát, Bộ trưởng cũng đã nhất trí sẽ nhanh chóng tìm nguồn vốn để đầu tư triển khai dự án. Bởi dự án này không chỉ có ý nghĩa về giao thông thuỷ mà còn góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và là tiền đề để Thủ đô Hà Nội hoàn thiện quy hoạch phát triển trong tương lai. Được biết, Dự án cải tạo giao thông thuỷ trên sông Hồng qua Hà Nội đã có báo cáo khả thi, trình Chính phủ từ năm 2003. Tuy nhiên, do những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư nên đến thời điểm này dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.  
 
Theo ông Lê Huy Thăng - Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án đường thuỷ, mục tiêu của dự án này là chỉnh trị dòng chảy để phát triển giao thông thuỷ nội địa và quy hoạch xây dựng hệ thống bến cảng dọc sông Hồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô cũng như các tỉnh trong khu vực. Trước thực tế giao thông thuỷ và hiện trạng dòng chảy sông Hồng qua địa bàn Hà Nội hiện nay, đòi hỏi dự án phải sớm được triển khai đầu tư xây dựng. Ông Thăng cho biết thêm, nếu được phê duyệt kinh phí, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD và sẽ được thực hiện thành 2 giai đoạn, trong khoảng từ 8 - 10 năm.
 BĐ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)