Đây là yêu cầu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VB QPPL) trong lĩnh vực GTVT, hôm nay (8/9).
Đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc
Báo cáo tại buổi họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, trong năm 2017 Ngành GTVT phải xây dựng là 98 văn bản quy phạm pháp luật, 07 Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản và 03 Quyết định cá biệt. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải còn phải tiếp tục xử lý những nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL từ cuối năm 2016 (như Nghị định của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (thay thế Nghị định số 175/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Nghị định số 69/2015/NĐ-CP ngày 16/8/2015); Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và khai thác cảng; rà soát và hoàn thiện hơn 10 Thông tư trình Bộ trưởng từ cuối năm 2016)...
“Mỗi một văn bản, mỗi một hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Nghị định đều đòi hỏi qua nhiều quy trình, chứa đựng những nội dung quan trọng, phức tạp, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và thường có nhiều ý kiến khác nhau... Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL của Bộ GTVT là rất nặng nề”, bà Trịnh Thị Hằng Nga nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga cũng cho biết thêm, sau khi Bộ trưởng ký Quyết định ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện đúng theo tiến độ được giao. Tính đến hết tháng 8/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định, 03 Quyết định do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo và Bộ trưởng đã ký ban hành 27 Thông tư. Từ nay đến cuối năm 2017, còn 78 văn bản (12 Nghị định, 66 Thông tư) cần được hoàn thiện, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành và 04 Hồ sơ lập đề nghị xây dựng văn bản. Các văn bản này đều đang được xây dựng theo đúng tiến độ và các bước của quy trình xây dựng văn bản.
“Tất cả văn bản do Bộ GTVT soạn thảo, gửi Bộ Tư pháp thẩm định đều được Bộ Tư pháp thống nhất, ủng hộ về tính hợp hiến, hợp pháp. Tuy một số văn bản sau khi ban hành có sự phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân nhưng về cơ bản, đa số các văn bản khi triển khai vào đời sống đều được người dân, doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ”, bà Nga nói.
Cũng theo báo cáo của Lãnh đạo Vụ Pháp chế, theo kết quả chỉ số MEI, chỉ số Par Index và theo nhận xét của các Bộ, ngành, người dân và doanh nghiệp, Bộ GTVT được đánh giá là một trong những Bộ dẫn đầu về công tác xây dựng pháp luật, được cộng đồng doanh nghiệp gọi tên là Ngôi sao cải cách khi số lượng văn bản xây dựng trong một năm rất nhiều, đáp ứng linh hoạt, kịp thời với nhu cầu phát triển của xã hội và liên tiếp nhiều năm không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, các đồng chí Ủy viên Ban Cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ cũng đóng góp nhiều ý kiến vào những hạn chế của công tác này trong các lĩnh vực GTVT.
Đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, mặc dù Ngành GTVT luôn đứng đầu các bộ, ngành trong cả nước có chỉ số cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính nhưng khi doanh nghiệp còn “kêu” nghĩa là còn tồn tại, còn phải nỗ lực hơn nữa.
“Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu công tác xây dựng các văn bản QPPL ngày càng yêu cầu cao hơn, mở hơn. Văn bản xây dựng xong khi áp dụng vào thực tiễn phải “sống” để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp chứ không phải làm cho xong, cho có, cho hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Qua đó, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các cơ quan quản lý 5 ngành cơ bản của GTVT phải coi đây là nhiệm vụ số 1, là tiêu chí đánh giá quan trọng về năng lực, trình độ đối với cán bộ, công chức của đơn vị mình.
H.L