Bộ GTVT – TP.Hà Nội bàn nhiều giải pháp về phát triển hạ tầng và đảm bảo TTATGT

Thứ ba, 12/09/2017 20:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều nay (12/9), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội. Đoàn công tác có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng; Lãnh đạo các cơ quan của Bộ.
Làm việc với Lãnh đạo Bộ GTVT có Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung; các đồng chí Phó Chủ tịch, lãnh đạo các ban, ngành của Thành phố.

Đồng ý khôi phục vòm cầu đường sắt đoạn Phùng Hưng – Long Biên

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cũng như quyết tâm của lãnh đạo Thành phố, các ban ngành của Hà Nội trong công tác quản lý Nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo TTATGT trên địa bàn TP.Hà Nội.


Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung
điều hành buổi làm việc

Cũng tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến đề xuất cũng như giải đáp của lãnh đạo các ban ngành của Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội đối với lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT, Trương Quang Nghĩa đồng tình với nhiều đề xuất của Lãnh đạo Thành phố trong lĩnh vực GTVT.

Cụ thể, thống nhất ủng hộ thành phố Hà Nội thực hiện phương án khôi phục lại các vòm cầu đường sắt đoạn Phùng Hưng đến Ga Long Biên, khu vực quận Hoàn Kiếm, để trang trí, phục vụ du lịch.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thông báo kết quả phối hợp giữa Bộ GTVT và TP.Hà Nội
trong công tác xây dựng hạ tầng, đảm bảo TTATGT

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam lưu ý, đoạn này liên quan đến tuyến đường sắt đô thị số 1 nên cần chú ý để tránh xung đột.

“Tổng Công ty ĐSVN cũng đồng tình với đề xuất này nhưng trong quá trình thi công, Thành phố cần tính toán chịu lực để đảm bảo an toàn vì một số vòm cầu đã có hiện tượng nứt”, ông Vũ Tá Tùng, TGĐ TCT Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.


Bộ GTVT đề xuất khôi phục vòm cầu đường sắt nhưng phải đảm bảo an toàn

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quận Hoàn Kiếm đã mời các chuyên gia tư vấn Pháp để đánh giá chung, các chuyên gia khẳng định việc đục thông sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu. Trước mắt, Hà Nội sẽ thí điểm đục thông một vòm để đánh giá kỹ trước khi thực hiện. 127 vòm cầu sẽ tạo ra khoảng 3.600 m2, là không gian phục vụ đi bộ, hoạt động nghệ thuật, hoặc các văn phòng làm việc chung cho startup...

Yêu cầu sớm sắp xếp luồng tuyến xe khách, kiểm soát chặt uber, grab

Về đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm tuyến xe khách du lịch 02 tầng (City Tour) trong khu vực nội đô, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là thống nhất việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ đang hoàn thiện Kế hoạch hướng dẫn thực hiện theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

“Việc nghiên cứu xây dựng phương án hoạt động thí điểm tuyến City tour do thành phố Hà Nội chủ động thực hiện trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng với tất cả các đơn vị có đề án xin thí điểm”, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định, Bộ GTVT thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện tốt nhất để địa phương mà cụ thể là TP.Hà Nội triển khai Đề án thí điểm loại hình phương tiện này.

“Doanh nghiệp nào đủ điều kiện tham gia Đề án thí điểm này là do địa phương có cơ chế toàn quyền lựa chọn, Bộ GTVT không can thiệp”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Về công tác quản lý kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố, đặc biệt đối với xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm (uber, grab...) Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cũng cho biết, Bộ GTVT sẽ kết thúc thí điểm dịch vụ vận tải này vào cuối năm 2017, sau đó có tổng kết, đánh giá đồng thời đề xuất các biện pháp quản lý tốt nhất, đảm bảo cho người sử dụng và doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, các hãng taxi truyền thống cũng cần đổi mới phương thức quản lý, hoạt động cũng như chất lượng dịch vụ và giá thành...

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thống nhất với đề xuất, yêu cầu Sở GTVT Hà Nội chủ trì phối hợp với các Sở GTVT có tuyến đi qua địa bàn thành phố để thống kê các tuyến cần điều chỉnh, báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh trong lần bổ sung quy hoạch gần nhất. Giao Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp trình Bộ. Nguyên tắc cố gắng 1 tỉnh về 1 bến xe tạo kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Nhanh chóng quy hoạch Sân bay Nội Bài dài hạn

Đồng thuận với Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng cần phải triển khai ngay quy hoạch Sân bay Nội Bài dài hạn bởi chỉ trong vòng vài năm tới nếu không triển khai sân bay Nội Bài gần như “vỡ trận.."

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, Sân bay Nội Bài có 2 đường cất hạ cánh, các đường lăn sân đỗ. Hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai mở rộng nhà ga hành khách T1, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 với công suất đạt 15 triệu khách/năm. Đồng thời đã lập kế hoạch mở rộng nhà ga hành khách T2 trong giai đoạn đến năm 2020 có công suất đạt 15 triệu khách/năm. Tổng công suất nhà ga ( cả T1 và T2) khi đó đạt 30 triệu khách/năm. Theo tính toán hiện nay, khu bay Nội Bài có thể mở rộng đảm bảo công suất đến 45 triệu khách/năm. Theo phương án thiết kế, sân đỗ máy bay hiện nay có 71 vị trí đỗ máy bay, thời gian tới có kế hoạch nâng lên sẽ được 86 vị trí đỗ. Công suất hiện là 25 triệu khách/năm. Dự báo lưu lượng khách năm nay đạt 23,9 triệu hành khách, tăng 16,5% so với năm trước đó. Vào năm 2020, sân bay Nội Bài sẽ đạt 34,5 triệu khách lưu thông, năm 2025 là 54 triệu khách/năm và tới năm 2030 là 65 triệu khách/năm.

“Theo tình hình thực tế và kết quả dự báo thì việc quy hoạch Cảng hàng không Nội Bài trong 2 giai đoạn được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2008 đạt công suất 50 triệu khách/năm vào năm 2030 không còn phù hợp với nhu cầu phát triển và tiềm năng phát triển của Nội Bài trong giai đoạn dài hạn. Do đó, cần nghiên cứu tổng thể để tiếp tục phát triển Nội Bài đáp ứng công suất đạt 80-100 triệu khách/năm trong tương lai”

Ông Đinh Việt Thắng cũng kiến nghị BộGTVT và Hà Nội thống nhất lập phương án quy hoạch quỹ đất khu tái định cư, phương án đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện quy hoạch và cho phép thuê đơn vị tư vấn nước ngoài sớm để rà soát, quy hoạch Cảng hàng không Nội Bài đảm bảo công suất 80-100 triệu khách/năm trong giai đoạn dài hạn.

Bộ trưởng giao Cục Hàng không triển khai đề xuất với Hà Nội ứng nguồn vốn trước đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao gói giải phóng mặt bằng cho Hà Nội làm trước tiên.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cam kết sẵn sàng ứng vốn ra trước để đơn vị của Bộ GTVT làm quy hoạch sân bay Nội Bài.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, đảm bảo ATGT

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng Cho rằng, Hà Nội là địa phương có số phương tiện hết niên hạn lớn nên Thành phố cần tập trung tốt cho công tác kiểm soát tải trọng và chất lượng phương tiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần tiếp tục lập lại trật tự vỉa hè đường bộ và đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt; đề nghị Thành phố quan tâm phối hợp với Uỷ ban ATGT QG triển khai khu vực giao thông an toàn cho các trường học...


Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng phát biểu tại buổi làm việc

“Để đảm bảo TTATGT, kiềm chế tai nạn và giảm ùn tắc giao thông, đề nghị các lực lượng chức năng của Thành phố tiếp tục sử dụng camera giám sát xử phạt “nguội”, đặc biệt trong giờ cao điểm, có như thế mới đảm bảo đủ sức răn đe các hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội, Lãnh đạo Bộ GTVT cơ bản đồng thuận, thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách, huy động nguồn vốn đã được TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ các các dự án giao thông quan trọng của TP Hà Nội như: Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; Cầu Mễ Sở (Vành đai 4); Hoàn thiện nút Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, thống nhất chủ trương giao lại UBND TP Hà Nội kêu gọi thực hiện đầu tư theo hình thức PPP các công trình nêu trên, sớm đưa vào khai thác, giảm ách tắc giao thông cho tuyến đường vành đai 3 – TP Hà Nội; Thống nhất cùng UBND Thành phố đồng trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giao thầu đối với 14 công trình cầu yếu cấp bách cần triển khai để đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng giao các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Sớm khởi công tuyến đường Vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long) và tuyến đường sắt đô thị số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên)...

Phong Kỳ
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)