Sáng 03/10, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Vụ, Cục, các đơn vị liên quan về xây dựng Đề án lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, vận tải thủy nội địa là lĩnh vực được phát triển từ rất sớm, có nhiều ưu điểm nổi trội về khối lượng vận tải hàng hóa, tính kinh tế cao và ít gây ô nhiễm môi trường. Việc tăng cường năng lực cho vận tải thủy, tăng năng lực chuyên chở, hiện đại hóa đội tàu vận tải, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải thủy nội địa là con đường duy nhất để hiện đại hóa và phát triển vận tải thủy nội địa.
Đại diện Cục ĐTNĐ trình bày nội dung Đề án tại cuộc họp
Đề án lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa không chỉ mang lại những lợi ích to lớn trong công tác quản lý nhà nước mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc ứng dụng những công nghệ nhằm hiện đại hóa đội tàu sông Việt Nam; mở đường cho vận tải thủy phát triển đáp ứng nhu cầu hội nhập với thế giới và khu vực.
Việc triển khai đề án sẽ đạt được các mục tiêu cụ thể: Lắp đặt thiết bị AIS và VHF trên các phương tiện thủy nội địa; tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp tham gia vận tải thủy; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong vận tải thủy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Đề án thành công sẽ tạo điều kiện hiện đại hóa quản lý, khai thác vận tải thủy theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.
Nội dung Đề án tập trung đáng giá hiện trạng kết cấu hạ tầng vận tải thủy nội địa Việt Nam; tổng quan về hệ thống phục vụ quản lý hành trình và thiết bị thông tin liên lạc VHF phương tiện thủy. Từ đó đề xuất phương án lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động và VHF trên phương tiện thủy nội địa và tổ chức thực hiện lắp đặt, khai thác hệ thống AIS sau khi Đề án được phê duyệt.
Tại cuộc họp, đại diện các Vụ, Cục, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) đã có nhiều ý kiến về sự cần thiết phải lắp đặt các thiết bị an toàn trên các phương tiện thủy nội địa đồng thời góp ý, bổ sung thêm cho dự thảo Đề án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp thu ý kiến của các đơn vị, bổ sung hoàn thiện lại Đề án. Thứ trưởng nhấn mạnh đến nội dung đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; số lượng tàu thuyền cần lắp đặt thiết bị an toàn quá lớn, cần phân ra lắp đặt theo lộ trình, theo từng hạng tàu…
Đồng thời, Thứ trưởng cũng giao Cục Đường thủy nội địa làm việc chi tiết, cụ thể với Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) nghiên cứu xem xét hệ thống kết nối các thiết bị về mặt kỹ thuật. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lên kế hoạch tổ chức Hội nghị, hội thảo tại TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giới thiệu chương trình, hoàn chỉnh Đề án và triển khai thực hiện tớ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải thủy nội địa…/.
KC