Tiếp tục kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày báo cáo
Thực hiện thu hồi đất 1 lần cho toàn bộ dự án
Theo Báo cáo, dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, được quy hoạch từ năm 2005. Trong nhiều năm qua, người dân sống trong vùng dự án bị hạn chế quyền sử dụng đất, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Việc sớm thực hiện dự án sẽ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỷ đồng. Trong số này, đáng kể nhất là hơn 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hơn 4 nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, gần 480 tỷ đồng tái lập hạ tầng ngoài ranh giới CHK và 388 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Ngân sách Trung ương đảm bảo bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án; toàn bộ các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định.
Nguồn vốn và cơ cấu vốn triển khai dự án theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương hơn 21,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư dự án), Ngân sách Trung ương ứng 1.160 tỷ đồng (chiếm 5% tổng mức đầu tư dự án), UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định.
Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thông qua, dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng. Nếu được Quốc hội chấp thuận, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng phương án thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án.
Do khối lượng công việc quá lớn nên không thể triển khai trong một năm mà sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện liên tục từ năm 2018 với khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nguồn được bố trí.
Trước mắt, ưu tiên triển khai trước việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn; xây dựng nghĩa trang; ưu tiên chi trả bồi thường GPMB phạm vi giai đoạn 1 của Dự án CHK quốc tế Long Thành và tiếp tục thu hồi phần diện tích còn lại theo Nghị quyết số 94/2015/QH13”.
Nhất trí bổ sung vốn từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn
Thẩm tra Báo cáo, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thống nhất cao với các cơ chế đặc thù như đề xuất Chính phủ.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một trong các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất là phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Cũng theo ông Thanh, cần phân biệt rõ sự khác biệt về cơ chế bồi thường với cơ chế hỗ trợ, làm rõ phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư, đặc biệt là phương án bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ tái định cư nông nghiệp.
Về tái định cư, theo quy hoạch, tái định cư cho Dự án gồm 2 khu là Lộc An - Bình Sơn (282,35 ha) và Bình Sơn (282,79 ha). Theo Uỷ ban Kinh tế, các khu tái định cư nói trên nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, đã tính đến nhu cầu phát triển cho tương lai khi Cảng HKQT Long Thành đi vào khai thác, do đó, việc thực hiện đầu tư xây dựng hai khu tái định cư là cần thiết và phù hợp với nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần có sự tách bạch rõ ràng nguồn vốn đầu tư, phần nào thuộc Dự án Cảng HKQT Long Thành do ngân sách Trung ương bảo đảm, phần nào thuộc các dự án khác do ngân sách địa phương bảo đảm để xác định chính xác khi tính toán mức đầu tư cho Dự án. Đồng thời, đề nghị làm rõ số hộ có nhu cầu tái định cư.
“Theo Báo cáo trong số 4.864 hộ dân có 4.330 hộ gia đình bị giải tỏa trắng, số hộ không bị giải tỏa trắng vẫn còn đất thì có cần tái định cư không?”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi. Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, bảo đảm tiến độ GPMB phù hợp với tiến độ tái định cư theo quy định.
Liên quan đến tổng mức đầu tư và cơ chế bố trí vốn, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi thì tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần này khoảng 23.049 tỷ đồng nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỷ đồng.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, đặc thù công tác GPMB thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách để thực hiện. Mặt khác, đây là dự án có quy mô thu hồi đất rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Do vậy, để bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 94 là thu hồi đất 1 lần, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân, Ủy ban Kinh tế tán thành đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội bố trí bổ sung vốn cho dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đủ kinh phí thực hiện; toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất Dự án sẽ được hoàn trả vào ngân sách Trung ương.
Mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng được hỗ trợ 4,5 tháng lương tối thiểu vùng
Ủng hộ cần có cơ chế đặc thù triển khai Dự án, Uỷ ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc “được khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất đã được giao chưa xây dựng hạ tầng và không phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không bị thu hồi đất khi chưa đưa đất vào sử dụng theo tiến độ thực hiện dự án”.
Phối cảnh CHK quốc tế Long Thành
“Nghị quyết 94 đã quyết định cơ chế đặc thù về thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án và đã giao Chính phủ có biện pháp khai thác quỹ đất chưa sử dụng ngay cho dự án. Xét tính chất đặc thù về quá trình thực hiện đầu tư dài hạn của dự án, công trình quan trọng quốc gia, Ủy ban Kinh tế tán thành đề xuất này”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cùng đó, Ủy ban Kinh tế cũng tán thành về mặt chủ trương đề xuất “ngoài các chính sách hiện hành, cần hỗ trợ phục hồi thu nhập và ổn định cuộc sống của người dân với mức hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng là 4,5 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tại thời điểm hỗ trợ. Mức hỗ trợ không chi trả bằng tiền mặt mà thông qua các hoạt động của chương trình phục hồi thu nhập cụ thể để hộ gia đình hưởng lợi thực hiện”.
“Cần có khoản hỗ trợ này để ổn định cuộc sống người dân, đề xuất này dựa trên cơ sở tham khảo chính sách đã áp dụng cho các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian vừa qua”, ông Thanh nói.
Ngay sau đó, các đại biểu về làm việc tại tổ, thảo luận về nội dung này.