Không thể trì hoãn đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Thứ sáu, 03/11/2017 14:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay (3/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình   về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình
về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020

Đến 2020, cần đầu tư trước 654 km đường cao tốc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2017 – 2020, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn 2021 – 2025, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe.

Giai đoạn sau 2025, đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ – TP. Cà Mau.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP (gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện GPMB 654 km, 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP và 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2). Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng).

Liên quan đến quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, căn cứ nhu cầu vận tải (có tính đến đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang dự kiến đầu tư giai đoạn 2020 - 2030), trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn khó khăn, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Chính phủ lựa chọn phương án phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 - 25m. Riêng đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.

Theo tính toán, quy mô giai đoạn phân kỳ đầu tư đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2040. Đoạn Cam Lộ - La Sơn có thể đáp ứng nhu cầu vận tải khoảng năm 2030. Đối với cầu Mỹ Thuận 2 là công trình có kết cấu đặc biệt, việc phân kỳ đầu tư sẽ không hiệu quả nên đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 - 2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt cơ quan thẩm tra cho rằng, cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt, dự án này cũng kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội kết quả thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam nhánh phía đông

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội kết quả
thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam nhánh phía đông

Về phạm vi đầu tư, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với hướng Chính phủ đưa ra là lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đầu tư mang tính cần thiết, cấp bách trên cơ sở nhu cầu vận tải, quy hoạch đã được phê duyệt và khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư.

Về quy mô đầu tư, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25 m, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12 m, nhưng yêu cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ vào quá trình vận hành và quản lý Dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải GPMB theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các ý kiến này.

Ủy ban Kinh tế tán thành với phương án của Chính phủ phân chia Dự án thành các dự án thành phần, triển khai vận hành độc lập trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ và khả năng kết nối. Việc thực hiện Dự án có quy mô rất lớn theo một hình thức đầu tư, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn chế là không khả thi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội kết quả thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam nhánh phía đông

Cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị  Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác; mặt khác, các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.

Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban ThưTVQH để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.

Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước đối với 3 dự án thành phần còn lại, sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này.

Về nguồn vốn nhà nước bố trí cho Dự án, Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia, trong đó bố trí cho dự án chống ngập TP. HCM 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55.000 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Bắc – Nam và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ tiêu chí lựa chọn các dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu phân bổ 70.000 tỷ đồng cho toàn bộ Dự án để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Trường hợp chỉ sử dụng 55.000 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, có ý kiến cho rằng, cần bố trí 15.000 tỷ đồng này cho dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các dự án giao thông quan trọng, cấp bách theo đề nghị của Chính phủ sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng nguồn vốn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Về nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng cho Dự án, khoảng 40.845 tỷ đồng, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT khoảng 27.694 tỷ đồng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong bước nghiên cứu khả thi đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Về phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho Dự án, dự kiến khoảng 63.716 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm giảm áp lực đầu tư công, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đầu tư, huy động nguồn lực đột phá để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo Tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long).  8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) – Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công gồm Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.

xuannguyen

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)