Thực hiện nhiều giải pháp để tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa

Thứ ba, 14/11/2017 15:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 14/11, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về cơ chế, chính sách và giải pháp để tăng thị phần vận tải đường thuỷ nội địa.

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Nhật, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đại diện các Vụ: Kế hoạch đầu tư, Vận tải, Tài chính, Khoa học công nghệ, Kết cấu hạ tầng, Quản lý doanh nghiệp; Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam Hoàng Hồng Giang đã báo cáo kết quả công tác thực hiện chức năng tham mưu, các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa.

Theo báo cáo, trong thời gian qua, ngành ĐTNĐ Việt Nam đã được chú trọng đầu tư đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển KT - XH của đất nước.  Vận tải thủy là phương thức vận tải rẻ nhất, bảo vệ môi trường, an toàn, vận chuyển khối lượng lớn, hàng siêu trường siêu trọng, đảm bảo phát triển bền vững, tăng cạnh tranh quốc gia. Trong khi đó, hệ thống giao thông vận tải thủy Việt Nam phát triển rộng khắp, mật độ sông ngòi dày đặc, đứng thứ 4 trên thế giới với 3200km bờ biển và 240 cửa sông ra biển.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Hoàng Hồng Giang trình bày báo cáo

Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2010-2016, thị phần vận tải hàng hóa của ĐTNĐ chiếm 17-19% toàn ngành, thị phần vận tải hành khách chiếm 4-6% toàn ngành.  Tính đến hết tháng 10/2017, cả nước có 271 cảng, trong đó có 258 cảng hàng hóa, 13 cảng hành khách. Hiện chỉ có 02 cảng có kết nối với đường sắt là Cảng Việt Trì và Cảng Ninh Phúc nhưng cũng chưa khai thác được. Cả nước hiện có 10.772 bến thủy nội địa trong đó có trên 8.000 nến bốc xếp hàng hóa, hơn 2.500 bến khách ngang sông.

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết, hiện nay số phương tiện thủy nội địa đã đăng ký là 252.000 phương tiện, đạt trên 53%; tổng số bằng, chứng chỉ đã cấp là 376.217 chiếc, đạt tỷ lệ 41%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy khối lượng vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ còn thấp, chưa phát huy được lợi thế của ngành; kết cấu hạ tầng kết nối đến các cảng, bến chưa đồng bộ; phương tiện vận tải thủy đã cũ, lạc hậu, đã sử dụng nhiều năm; nguồn vốn đầu tư cho ĐTNĐ còn thấp,  năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải thủy còn yếu…

Cục trưởng Hoàng Hoàng Giang cũng trình bày các mục tiêu phát triển cụ thể của ĐTNĐ Việt Nam đến năm 2020 gồm: Tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến hành lang vận tải chính, nâng cao năng lực quản lý, bảo trì các tuyến ĐTNĐ và các tuyến vận tải pha sông biển… góp phần tăng thị phần vận tải hàng hóa lên từ 18,62%-21,5% toàn ngành. Phấn đấu đến năm 2020 nâng cấp, cải tạo được 2.000km đường thủy, tổng trọng tải phương tiện thủy nội địa chở hàng khoảng 20-22 triệu tấn, tổng số ghế phương tiện thủy nội địa chở khách khoảng 780 nghìn ghế, trong đó có trên 1000 phương tiện mang cấp VR-SB tham gia hoạt động sông pha biển.

Để đạt được các mục tiêu trên, Cục ĐTNĐ đề ra 07 giải pháp chính gồm: Huy  động mọi nguồn lực phát triển KCHT giao thông; nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải; tập trung phát triển vận tải đa phương thức; tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT ĐTNĐ; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng KHCN toàn diện, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin tuyên truyền về vận tải thủy ĐTNĐ.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến bổ sung thêm cho báo cáo của Cục ĐTNĐ Việt Nam, đồng thời cũng đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách để tăng thị phần vận tải ĐTNĐ trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật  yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam cần chú trọng xây dựng văn bản QPPL có chất lượng cao, đi sâu vào công tác quản lý nhà nước theo Luật và Hiến pháp, tránh sự chồng chéo giữa các cấp, ngành, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp từ đó kìm hãm sự phát triển của vận tải thủy nội địa. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục ĐTNĐ cần đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát lại các quy định về an toàn ĐTNĐ, quản lý tốt tuyến vận tải pha sông biển từ đó tạo thuận lợi nhất cho hàng hóa khi vận chuyển trên ĐTNĐ, tăng thị phần vận tải cho đường thủy nội địa.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định phát triển vận tải thủy nội địa là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đây chính là cơ hội cho ĐTNĐ đột phá để phát triển cho xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành. Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam trước hết cần đổi mới tư duy, cần xem kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, ban hành các văn bản QPPL phải tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Cục ĐTNĐ cần có các giải pháp đột phá
về số lượng phương tiện vận tải ven biển để đáp ứng yêu cầu

Bộ trưởng chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam xây dựng báo cáo sơ kết một cách cụ thể chi tiết Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa. Bộ trưởng cho biết đây là nhiệm vụ trọng tâm đề nghị Cục ĐTNĐ tổng kết lại những việc làm được, những vướng mắc để cùng các Bộ, Ngành, địa phương cùng tháo gỡ, triển khai thực hiện, tận dụng được những cơ chế đặc thù, đưa Quyết định đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động Logistic Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm ra nguyên nhân vì sao đây là khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi để cho vận tải thủy phát triển nhưng lại chưa thu hút được khối lượng hàng hóa tương xứng.

Cục ĐTNĐ cần có báo cáo sơ kết về tiến độ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành ĐTNĐ, có sơ kết hàng quý về các thể chế, cơ chế, chính sách nhằm khắc phục, có sự điều chỉnh hợp lý bằng các thông tư, nghị định, quy định… Bộ trưởng khẳng định, từ nay về sau, thủ tục hành chính ngày càng gọn nhẹ và chi phí ngày càng giảm. Bộ trưởng đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam rà soát quản lý cảng vụ ĐTNĐ, tạo cơ chế chính sách thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết vận tải ven biển dù đã có sự phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, Cục ĐTNĐ cần có các giải pháp đột phá về số lượng nhằm tiếp tục giảm tải cho vận tải đường bộ. Cần có cơ chế chính sách giúp người dân tiếp cận vốn, ưu đãi đặc biệt cho người dân, doanh nghiệp khi đóng mới phương tiện thủy.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam cần cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, có lộ trình, kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Bộ trưởng hy vọng sau khi quyết tâm đổi mới tư duy, thay đổi cơ chế, chính sách, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thời gian tới, vận tải thủy nội địa sẽ có chuyển biến tốt hơn, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân./.

KC

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)