Chiều 21/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về tình hình triển khai thực hiện một số công trình, dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Đồng Tháp có các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở GTVT Trần Trí Quang, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoa chủ trì buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 30 (đoạn từ Km1+200 - Km34+230) qua địa bàn 02 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang được chia làm 3 đoạn. Đoạn đầu từ Dinh Bà - Thị xã Hồng Ngự đã có quyết định đầu tư và bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, hiện đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Nút thắt nhất của QL30 là đoạn nối từ Thị xã Hồng Ngự tới TP.Cao Lãnh, trong đó có đoạn dở dang là tuyến tránh TP.Cao Lãnh thi công dở dang. Đoạn 3 từ TP.Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) đã được phê duyệt đầu tư theo hình thức BOT và khởi động từ năm 2015, đến nay chưa được triển khai, nguyên nhân chủ yếu do chuyển đổi chủ đầu tư BOT và việc phê duyệt khung chính sách cho dự án còn gặp nhiều vướng mắc.
“Hiện nay vướng mắc lớn nhất là quy định của Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành ngày 21/10/2017 đối với các công trình giao thông thực hiện theo hình thức BOT. Theo Nghị quyết này, hình thức BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường làm mới, không đầu tư trên trên các dự án cải tạo, nâng cấp. Trong khi, QL30 là dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu. Địa phương đang rất băn khoăn bởi không làm thì tuyến QL30 sẽ trở thành nút thắt, còn nếu thực hiện thì lại vướng thủ tục pháp lý” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng cho biết và kiến nghị Bộ GTVT tính toán để lựa chọn hình thức đầu tư hợp lý cho dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng kiến nghị phương án đầu tư QL30
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc triển khai đầu tư QL30 bằng hình thức BOT là rất đúng đắn và đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND thống nhất cao tại thời điểm đó. Về nguyên tắc, quy định pháp luật là không được xét hồi tố lại những quy định cũ. Dự án QL30 được phê duyệt đầu tư từ năm 2015 nên không vi phạm Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng bây giờ với hiệu ứng xã hội. Tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ GTVT cân nhắc, xem xét phương án đầu tư mới tuyến đường từ TP.Cao Lãnh - An Hữu song song với tuyến QL30 hiện hành theo hình thức BOT để người tham gia giao thông được quyền lựa chọn cung đường phù hợp với điều kiện của mình.
Qua ý kiến của Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và đại diện các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, Tuyến QL30 đoạn từ An Hữu - TX.Cao Lãnh, là dự án BOT đáng lẽ cắt hợp đồng từ lâu vì nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hợp đồng đã ký. Do nhà đầu tư mới đến thời điểm này chỉ mới làm các thủ tục, chưa triển khai động thổ, thi công ngoài công trình. :Hiện nay tình hình thu phí trên đường hiện hữu đang là vấn đề nóng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát toàn bộ các trạm BOT còn bất cập để đưa ra giải pháp xử lý. Thêm nữa, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định rõ, từ nay chỉ làm BOT đối với đường song hành, không làm trên đường hiện hữu”, Bộ trưởng cho biết và nhận định việc mở rộng quy mô nền, mặt đường cũng không giải quyết được nhiều vấn đề cho QL30 đoạn An Hữu - TP.Cao Lãnh vì một bên là kênh, một bên là nhà dân khiến công tác GPMB rất khó khăn.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Ban QLDA 7 tổ chức ngay cuộc họp với nhà đầu tư NĐT để thương thảo các điều khoản hợp đồng và xử lý theo hướng cắt hợp đồng dự án để bàn giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam duy tu sửa chữa tuyến hiện hữu.
Về lâu dài, QL30 đoạn An Hữu – TP.Cao Lãnh sẽ không mở rộng trên đường cũ mà chỉ duy tu sửa chữa. Bộ trưởng đánh giá, tuyến đường này rất đông xe, giải pháp tốt nhất là làm một tuyến đường mới song hành với tiêu chuẩn đường cấp cao và quản lý như dự án đường cao tốc. Để đảm bảo khả thi, Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu trước mắt, tuyến đường song hành với QL30 sẽ đầu tư với quy mô 2 làn, nền đường rộng 12m, mặt đường 11m, phần đất dọc tuyến đường sẽ được rào chắn để phục vụ cho nhu cầu sau này mở rộng lên 4 – 6 làn xe.
“Tiềm năng con đường này rất lớn. Chúng ta sẽ kêu gọi những nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tham gia đấu thầu để chọn nhà đầu tư, nếu cần thiết sẽ tạo điều kiện làm đường song hành theo hình thức BOT. Làm như vậy sẽ rất hiệu quả, vừa có hạ tầng, vừa không gây bức xúc cho xã hội và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thu phí. Bởi, chủ phương tiện có quyền lựa chọn, ai không muốn mất tiền thì đường QL30 cũ, ai muốn đi nhanh, an toàn thì đi tuyến đường mới và phải trả phí”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu Ban QLDA 7 chỉ đạo tư vấn tiến hành nghiên cứu ngay tuyến đường mới này.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và tỉnh Đồng Tháp phối hợp thực hiện đối với công tác đầu tư, triển khai thực hiện Dự án QL30 đoạn TP.Cao Lãnh – TX.Hồng Ngự; việc giải ngân đúng quy định đối với đoạn TX.Hồng Ngự - Dinh Bà; nghiên cứu đề xuất sử dụng vốn bảo trì để nâng cấp QL80; kiểm tra hồ sơ, quy trình, chất lượng trước khi tổ chức nghiệm thu QL54 và giải pháp thanh toán cho địa phương; đánh giá vận tải thủy trong đó có hành lang II của đường thủy kết nối đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh.
VH