Sáng 10/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tiếp và làm việc với Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Jonathan Taylor. Cùng tham dự còn có Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó Chủ tịch Jonathan Taylor thống nhất
sẽ nghiên cứu, thúc đẩy khả năng hợp tác trong các dự án hạ tầng giao thông thời gian tới
Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp Đoàn, Phó Chủ tịch EIB Jonathan Taylor cho biết, EIB là định chế cung cấp tài chính dài hạn, hoạt động khắp thế giới nhưng chủ yếu ở châu Âu. “Hàng năm, EIB vẫn dành khoảng 8 tỉ EUR cho vay ngoài châu Âu. Những năm gần đây, EIB dành khoản tài chính hỗ trợ cho các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, EIB hiện là đồng tài trợ cho một số dự án đường sắt đô thị như: tuyến số 3 Nhổn – ga Hà Nội (Hà Nội) và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương (TP. Hồ Chí Minh)”, Phó Chủ tịch EIB Jonathan Taylor chia sẻ và cho rằng, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. EIB rất quan tâm tới các dự án phát triển hạ tầng, tuy nhiên nguồn vốn của EIB thường ưu tiên dành cho các dự án liên quan đến vấn đề khí hậu, bảo đảm môi trường sạch, ngăn ngừa và chống biến đổi khí hậu…
“Với các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam, chúng tôi quan tâm với các dự án nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm phát thải ô nhiễm không khí như đường sắt…”, ông Jonathan Taylor nói và bày tỏ mong muốn được cung cấp thông tin về các dự án hạ tầng giao thông có tiềm năng hợp tác hai bên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể rất hoan nghênh các tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và ngoài nước
hỗ trợ, tham gia vào các dự án giao thông của Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện Việt Nam đang nghiên cứu triển khai một số dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và Việt Nam cũng đồng quan điểm về việc phát triển hạ tầng giao thông đi đôi với bảo vệ môi trường.
“Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với đường đôi, khổ 1.435mm nếu được Quốc hội thông qua, sẽ xây dựng theo lộ trình phù hợp, trước tiên tập trung vào hai đoạn tuyến tiềm năng vận tải lớn là Hà Nội – Vinh và Sài Gòn – Nha Trang. Dự án này hoàn thành không chỉ đảm bảo giao thông vận tải khối lượng lớn, an toàn, đảm bảo môi trường mà sẽ là trục vận tải xương sống trên tuyến Bắc – Nam, giảm tải cho đường bộ, từ đó giảm phương tiện vận tải đường bộ”, Bộ trưởng cho biết.
Với hệ thống đường bộ cao tốc, theo kế hoạch, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện xây dựng để đến năm 2020, hoàn thành thi công 654 km/khoảng 1.300km đường cao tốc Bắc – Nam. Về hàng không, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, kế hoạch đặt ra là sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 để đáo ứng lưu lượng 25 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, cần nghiên cứu đầu tư xây dựng một cảng lớn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vựa trái cây, thủy sản, nhu cầu xuất nhập khẩu cao để giảm chi phí vận tải vì hiện phải vận chuyển hàng hóa ra cảng biển tại TP. HCM… Ngoài các dự án đường sắt đô thị đang triển khai còn các dự án khác cần vốn để thực hiện sớm vì đây là loại hình vận tải công cộng vô cùng quan trọng, sẽ góp phần giảm phương tiện cá nhân, đảm bảo môi trường và nhất là giảm ùn tắc nghiêm trọng tại các đô thị.
“Việt Nam đang rất cần vốn để triển khai thực hiện các dự án trên cũng như dự án hạ tầng giao thông nói chung để thúc đẩy phát triển kinh tế, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, Việt Nam rất hoan nghênh các tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rất mong EIB và thông qua EIB đến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, các nhà đầu tư châu Âu quan tâm đến các dự án này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, để triển khai các dự án trên, Việt Nam sẽ huy động mọi nguồn lực: Ngân sách Nhà nước, đầu tư PPP, BOT, vốn vay ODA… Ngoài nghiên cứu tài trợ vốn, EIB có thể tham gia với tư cách nhà đầu tư, kinh doanh…
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để thúc đẩy khả năng hợp tác trong các dự án hạ tầng giao thông thời gian tới.
H.N