Chiều 18/1, Bộ GTVT tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 với nhiều nội dung nóng liên quan đến các dự án BOT.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng đã yêu cầu Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải vào cuộc
Mở đầu họp báo, Báo Tiền phong đặt câu hỏi: Tại một số dự án BOT xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự, mất ATGT, làm ảnh hưởng đến việc đi lại. Vậy, trong các hợp đồng BOT có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, ATGT tại các dự án BOT hay không? Nếu có, thì quy định thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Vấn đề này cần cộng đồng trách nhiệm của các bên liên quan. Bộ GTVT chịu trách nhiệm về giá, phí, tổ chức thực hiện triển khai các dự án. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo ATGT trên địa bàn. Thủ tướng đã chỉ đạo rõ, từ Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh phải vào cuộc. Tôi cho rằng, địa phương có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá BOT. Đa số dự án do địa phương đề xuất. Bộ GTVT nghiên cứu, thấy phù hợp thì thoả thuận bằng văn bản để triển khai.
Báo Thanh Niên: Người dân rất muốn biết Bộ GTVT đề xuất giải pháp cụ thể nào để xử lý vấn đề tại BOT Cai Lậy?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Xử lý một dự án, phải xem xét tổng thể. Ngày 4/12, Thủ tướng kết luận trong vòng 1- 2 tháng Bộ GTVT phải có báo cáo. Hiện tại, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, phương án phải tổng thể. Do đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT cùng các Bộ ngành rà soát phương án của Bộ GTVT để Thủ tướng có kết luận. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì việc này. Một thời gian nữa, sẽ có kết luận cuối cùng.
Một dự án BOT có 7 Bộ, ngành chịu trách nhiệm
Báo Tiền Phong: Một số dự án địa phương có văn bản đề nghị Bộ GTVT dỡ trạm, hoặc chuyển vị trí trạm thu giá như ở BOT QL3 Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc Giang - Lạng Sơn, nhất là Cai Lậy... Bộ GTVT xử lý tình huống này như thế nào? Có những dự án triển khai trước khi có Nghị quyết 437 của Quốc hội nhưng hình thành sau khi Nghị quyết có hiệu lực. Bộ GTVT sẽ xử lý ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Mỗi dự án BOT có 7 Bộ, ngành chịu trách nhiệm xem xét, rà soát, tham gia cùng với địa phương để thực hiện. Khi hoàn thành, các bên liên quan đều phải có trách nhiệm. Việc một số trạm BOT nóng, phải có trách nhiệm của địa phương, không chỉ của Bộ GTVT. Một số địa phương có đề xuất, Bộ GTVT không đủ thẩm quyền để giải quyết. Vấn đề này, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, báo cáo cấp trên để xem xét và đưa ra kết luận cuối cùng.
Báo Tiền Phong: Tổng cục Đường bộ cho biết có một số đối tượng có dấu hiệu cản trở giao thông tại nhiều trạm. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an đánh giá như thế nào và có biện pháp nào xử lý?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tất cả trạm thu phí đều có hệ thống camera rất tốt. Tổng cục Đường bộ VN quản lý các trạm BOT. Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan. Hình ảnh cá nhân đi qua đều lưu toàn bộ và lưu dài hạn. Khi bên công an, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có yêu cầu, Tổng cục Đường bộ VN và các trạm sẽ cung cấp đầy đủ. Việc xử lý như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Chúng tôi trân trọng những phản ứng hợp lý nhưng cản trở giao thông là trái pháp luật
Báo Thanh niên: Sau Cai Lậy, một số trạm BOT cũng đề nghị di dời, người dân phản ứng quyết liệt không phải muốn giảm giá mà muốn di dời trạm. Hiện tại, Bộ GTVT có chủ trương nào, có tính đến phương án di dời trạm để giảm nhiệt?
Bộ trưởng Thể cho biết: Các giải pháp xử lý các điểm nóng Bộ GTVT đã và đang triển khai là rà soát giảm giá tại 51/55 trạm BOT, đẩy nhanh quyết toán dự án BOT - nhà đầu tư nào chậm trễ sẽ không cho thu phí, thanh tra các dự án BOT để đảm bảo không có sai, lạm dụng, khuất tất, trong năm 2019 triển khai thu phí tự động...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Mỗi trạm BOT có vị trí, ý nghĩa khác nhau. Ví dụ trạm BOT Cai Lậy vừa để đảm bảo ATGT, vừa phát triển đô thị. Mong muốn của địa phương là có hệ thống giao thông tốt, mở rộng được đô thị, tạo không gian để phát triển KT-XH, chứ không đơn thuần là một tuyến tránh. Những đề xuất di dời trạm, phải xem cụ thể.
Ví dụ như Cần Thơ - Phụng Hiệp, chúng ta sẽ dời đi đâu? dời trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp là không hợp lý. Bộ GTVT tiếp nhận toàn bộ đề xuất của người dân nhưng quyết định từng trường hợp như thế nào, cái gì thuộc thẩm quyền sẽ quyết, vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên giải quyết.
Báo Tuổi trẻ: Khi Cai Lậy chưa có phương án giải quyết, ở các trạm khác, người dân vì nhiều lý do khác nhau, phản ứng bằng nhiều hình thức khác nhau. Rõ ràng là vì một số cá nhân, mà ảnh hưởng đến việc đi lại của nhiều người dân khác. Bộ GTVT có giải pháp gì?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Những phản ứng hợp lý, chúng tôi đều trân trọng và xem xét, điều chỉnh cho tốt. Những phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng hoạt động bình thường của dòng xe, chính là những hành động trái pháp luật. Bộ GTVT đã có chủ trương khi ùn tắc như thế nào thì phải xả trạm. Các trạm phải thực hiện nghiêm, nếu không sẽ bị xử lý hành chính. Chúng tôi sẽ xả trạm theo quy trình chứ không thể cứ ùn tắc là xả ngay được. Chúng tôi mong rằng xã hội thông cảm.
Phóng viên Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi về việc nhiều địa phương bắt đầu
có phản ứng, phủ nhận cam kết của những người tiền nhiệm tại các dự án BOT
Báo Tuổi trẻ: Cách đây một số năm, khi thực hiện BOT, chính quyền địa phương có văn bản đồng thuận với phương án mà Bộ GTVT và các bộ khác đưa ra về vị trí đặt trạm, quy mô, tổng mức đầu tư. Nhưng hiện nhiều địa phương bắt đầu có phản ứng, phủ nhận những nội dung lãnh đạo nhiệm kỳ trước có cam kết. Bộ GTVT đánh giá như thế nào về câu chuyện này, liệu có làm giảm chỉ số niềm tin của nhà đầu tư trong việc thu hút đầu tư BOT trong thời gian tới hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tất cả những việc liên quan đến trước đây đồng thuận, giờ không đồng thuận, hoặc những đề nghị thay đổi trạm, thay đổi chính sách, chúng tôi đã tập hợp và sẽ báo cáo Chính phủ.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông: “Đề nghị các cơ quan báo chí không cổ vũ cho những hành vi đang làm trái. Những nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ được tiếp thu. Tuy nhiên, cũng cần lên án những đối tượng có hành vi cố tình gây rối, làm trái pháp luật. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành có những giải pháp rất quyết liệt để xử lý những bất cập tại các dự án BOT. Trước đây, báo chí đưa tin với những mong muốn chính đáng là chỉ rõ những bất cập tại các dự án BOT, từ đó các cơ quan chức năng kịp thời có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng kẻ xấu lợi dụng để gây rối. Báo chí phải tỉnh táo khi tiếp cận thông tin”.
Báo Tuổi trẻ: Dư luận có nói một số dự án BOT như Cai Lậy tái lập lại tình trạng tại trạm Tào Xuyên, tuy nhiên Bộ GTVT không rút kinh nghiệm mà lại nhân rộng ở nhiều dự án khác?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện nay, những dự án chậm tiến độ, chúng tôi đều báo cáo Chính phủ cho dừng. Với những dự án mới, tuyệt đối không có chuyện lặp lại như BOT Cai Lậy. Thông tin như đồng chí phản ánh là đã triển khai từ trước rồi. Có yếu tố lịch sử. Không phải có bất cập tại Cai Lậy rồi mà vẫn cứ tiếp tục. Những bất cập, phản ánh, chúng tôi sẽ tiếp thu, xử lý và Chính phủ sẽ xem xét tổng thể và cho chủ trương thực hiện.
Không hồi tố các dự án đã triển khai
Báo Người đại biểu nhân dân: Nghị quyết Quốc hội đã khẳng định không làm BOT trên đường độc đạo. Như vậy, với Dự án đang làm mà chưa thu phí thì Bộ sẽ xử lý như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Vấn đề này tôi đã trả lời rồi, tuyệt đối không hồi tố. Dự án đang làm mà sắp kết thúc, nhà đầu tư đã bỏ nhiều kinh phí, nếu dừng là phải đền bù. Ngân sách lấy đâu tiền để trả.
Báo Đầu tư: Hợp đồng BOT là các hợp đồng kinh tế nên việc xử lý các bất cập phải bằng các giải pháp kinh tế để vừa giữ cam kết với nhà đầu tư, vừa không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, nhất là bối cảnh các dự án cao tốc đang chuẩn bị đầu tư rất cần thu hút nguồn vốn. Quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đối với các dự án BOT, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đã xem xét từ việc cấp chứng nhận đầu tư cho đến việc ký hợp đồng và theo dõi sát trong quá trình triển khai dự án. Không phải nhà đầu tư muốn làm gì thì làm, quy mô đường thế nào, chất lượng ra sao, nhà thầu nào, tư vấn nào vào dự án để làm đều có sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của Bộ GTVT và các đơn vị liên quan. Hợp đồng BOT là hợp đồng kinh tế, do đó, khi xử lý các bất cập của dự án phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Nhưng nhà đầu tư cũng là người dân, chúng ta đã có cam kết thì phải giữ cam kết. Do vậy, mọi hình thức xử lý đều phải tuân thủ đúng pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên để làm sao chúng ta giữ được môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
107 đoàn thanh tra kiểm toán, phải công khai đầu vào và đầu ra dự án BOT
Thời báo Kinh tế Việt Nam: Làm thế nào để minh bạch thành quy trình, quy chuẩn tại các dự án BOT để người dân có thể giám sát, DN có thể tin tưởng để yên tâm đầu tư, họ bỏ tiền ra mà không sợ đồng tiền của mình bị thay đổi theo cơ chế chính sách, nhiệm kỳ?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Vấn đề minh bạch các dự án BOT Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục làm mạnh mẽ, quyết liệt. Hiện nay, trên website của Bộ, chúng tôi đã cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến từng dự án BOT về quy mô, tổng mức đầu tư, nhà đầu tư,…. Nếu chưa thỏa mãn, mọi người có thể liên hệ với Vụ Đối tác công tư của Bộ để tìm hiểu đầy đủ các thông tin của từng dự án.
Tuy nhiên, xã hội hiện nay đang đòi hỏi hai vấn đề là công khai đầu vào xem giá trị đầu tư thực tế của công trình là bao nhiêu tiền và công khai đầu tư của dự án, tức là nhà đầu tư của dự án thu phí đã đủ chưa? Hiện nay, chúng tôi đang làm. Vừa qua, đã có 107 đoàn thanh tra, kiểm toán của Chính phủ và các Bộ ngành vào cuộc để giúp Bộ GTVT công khai đầu vào, kiểm tra công tác đầu tư của các dự án ra sao? Bộ GTVT hiện đang tập trung quyết toán các dự án BOT hoàn thành để xác định giá trị đầu vào của các dự án. Khi chúng tôi công bố giá trị quyết toán, các đồng chí phát hiện ra sai chỗ này, sai chỗ kia thì các đối tượng trực tiếp hay liên quan phải chịu trách nhiệm.
Đến thời điểm này, gần như toàn bộ các dự án BOT đều đã quyết toán xong phần xây lắp, còn quyết toán GPMB thuộc trách nhiệm của các địa phương. Chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thành quyết toán các dự án để công khai minh bạch đầu vào của các dự án BOT. Còn đầu ra của các dự án, hiện nay các trạm thu phí chủ yếu áp dụng thu phí thủ công, chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm sao để 2018 - 2019 tiến hành thu phí tự động tại toàn bộ các trạm BOT trên cả nước. Thu phí tự động, người dân sẽ nắm được tình hình doanh thu của dự án từng giờ, từng ngày. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ VN cũng giám sát chặt chẽ toàn bộ tình hình thu phí của các trạm BOT. Như vậy dự án BOT đều được minh bạch đầu vào và đầu ra.
Cũng tại buổi họp báo, Báo Tiền Phong đặt câu hỏi, Tổng cục Đường bộ cho biết có một số đối tượng có dấu hiệu cản trở giao thông tại nhiều trạm. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an đánh giá như thế nào và có biện pháp xử lý ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Hiện trên cả nước 24 dự án BOT có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Sáng 18/1, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ GTVT cùng với chính quyền địa phương giải quyết một cách căn cơ, không để điểm nóng xảy ra tại các dự án BOT.
“Đối với những đối tượng kích động, gây rối cầm đầu, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ GTVT trích xuất dữ liệu các camera để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Thiếu tướng Hà khẳng định.