Bộ GTVT - Hà Nội tập trung hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm

Thứ sáu, 06/04/2018 19:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều nay (6/4), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Tp.Hà Nội. Cùng đi có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật và các đồng chí đại diện các cơ quan thuộc Bộ, các Ban QLDA, TCTy đang triển khai các dự án, công trình trọng điểm tại Thành phố.
Làm việc với Bộ GTVT, về phía UBND TP.Hà Nội có Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung, các đồng chí Phó Chủ tịch và lãnh đạo các Sở, ban ngành.

Ngành GTVT-Hà Nội phối hợp hoàn thành 11 nhóm vấn đề

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, ngày 12/9/2017, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự ATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố” và đã ban hành Thông báo số 370/TB-BGTVT-UBND TPHN ngày 27/9/2017. Trên cơ sở Thông báo kết luận số 370/TB-BGTVT-UBND TPHN, UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất thực hiện 11 nhóm vấn đề, các bên tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra trong công tác quản lý nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn và giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc

Theo đó, các cơ quan của Bộ GTVT đã triển khai 05/05 nhóm vấn đề, trong đó 02 nhóm đã thực hiện xong, 03 nhóm đang tiếp tục triển khai thực hiện; TP.Hà Nội đã triển khai hoàn thành 06/06 nhóm vấn đề.

Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại đang được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch; vận tải hành khách công cộng được quan tâm, phát triển tương đối đồng bộ; tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông bước đầu được kiềm chế, kiểm soát chặt chẽ; hoạt động vận tải từng bước đi vào nề nếp theo hướng công khai, minh bạch, chất lượng... Những kết quả này đã góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, tăng cường kết nối hạ tầng giữa các khu vực trong nội đô và giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội.

“Tuy nhiên, với tốc độ phát triển dân số, phương tiện trên địa bàn thành phố như hiện nay, trong khi nhiều công trình giao thông quan trọng đang trong giai đoạn đầu tư theo quy hoạch sẽ là áp lực rất lớn đối với thành phố Hà Nội. Vì vậy, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh và duy trì sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về GTVT theo hướng bền vững, phát huy vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực của khu vực phía Bắc”, giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện khẳng định.

Sẽ hỗ trợ Hà Nội kết nối phần mềm dùng chung

Đại diện Hà Nội cũng cho biết, Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang ứng dụng 41 phần mềm, thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 do Bộ GTVT (Tổng cục Đường bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Cục đường Thủy nội địa) chuyển giao, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND Thành phố để tích hợp vào phần mềm dùng chung của Thành phố; đồng thời trong năm 2018 sẽ tiếp tục xây dựng 12 phần mềm, thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Bên cạnh đó, Hà Nội đang triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh và giao thông thông minh. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ thường xuyên phối hợp với thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện, giúp Hà Nội kết nối các phần mềm dùng chung...

Về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, đối với thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, Tổng cục ĐBVN đã chuyển giao sử dụng hệ thống dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX (chuyển giao từ tháng 12/2014); hệ thống dịch vụ công cấp độ 4: Cấp GPLX Quốc Tế (chuyển giao tháng 1/2018); thủ tục cấp phù hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải ( chuyển giao tháng 7/2017).

Tổng cục ĐBVN sẽ phối hợp với UBND Tp.HN để  tích hợp vào phần mềm dùng chung của Thành phố trên cơ sở ý kiến thống nhất và chỉ đạo của Bộ GTVT.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN phối hợp với các ban ngành của Hà Nội Chính quyền điện tử giao Văn phòng, Trung tâm CNTT nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kết nối phần mềm, cải cách hành chính và thủ tục hành chính nhằm công khai minh bạch, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, điều chỉnh các phần mềm dùng chung hài hoà, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từng bước hiện đại hoá các lĩnh vực của Ngành GTVT.

Tập trung giải quyết tốt hơn nữa tình trạng bến cóc, xe dù

Về đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ bổ sung vào Nghị định 86/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ: Quy định quản lý chặt chẽ hơn xe hợp đồng nói chung và thống nhất với Hà Nội trong việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của xe taxi truyền thống đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như đối với các loại hình taxi công nghệ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông; quy định xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin phải được quản lý tương tự taxi; đấu giá quyền khai thác kinh doanh đối với số lượng xe taxi tăng thêm theo quy hoạch; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện khẳng định, hiện nay, Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan hoàn thiện xong dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và trình Bộ GTVT. Ngày 20/03/2018, Bộ GTVT đã gửi dự thảo sang Bộ Tư pháp thẩm định. Trong dự thảo có nội dung góp ý của Sở GTVT Hà Nội như quy định chặt chẽ hơn xe hợp đồng nói chung và thống nhất với Hà Nội trong việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của xe taxi truyền thống đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như đối với các loại hình taxi công nghệ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông; Quy định xe kinh doanh vận tải hành khách đến 09 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin phải được quản lý tương tự taxi.

Liên quan đến việc quản lý bến cóc, xe dù, điều chỉnh các tuyến vận tải xuyên tâm nhằm đảm bảo ATGT và cải thiện tình hình ùn tắc giao thông tại các điểm nóng, điểm đông dân cư trong Thành phố, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, trong thời gian qua các cơ quan chức năng của Bộ đã cùng Thành phố Hà Nội điều chỉnh 675 tuyến vận tải chạy xuyên tâm, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông.


Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các đơn vị của Bộ GTVT, Hà Nội
phối hợp đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn 

“Trong thời gian vừa qua, Hà Nội cũng đã rất quyết tâm dẹp bỏ xe dù bến cóc. Khi Hà Nội ra quân thì hiện tượng này giảm đáng kể nhưng chỉ lơ là một chút là đâu lại vào đó. Do vậy các ban ngành cần tập trung hơn đồng thời áp dụng các phương tiện công nghệ như lắp camera theo dõi hay cắm biển cấm dừng đỗ… để quản lý các điểm dừng đỗ trái phép, có chế tài phạt nặng thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề”, ông Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Sớm có quy hoạch Cảng Hàng không Nội Bài tương xứng vị thế

Tại buổi làm việc chiều nay, Bộ GTVT đã đề xuất tiếp với Hà Nội 6 nhóm vấn đề; Hà Nội cũng cần Ngành GTVT ủng hộ, giải quyết 9 nhóm vấn đề trước mắt và lâu dài về phát triển hạ tầng giao thông vận tải cũng như kiểm soát quản lý vận tải, đảm bảo TTATGT... trong Thành phố.

Cụ thể, đối với đề xuất của Hà Nội về việc GTVT sớm hoàn chỉnh quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới Quy hoạch, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, cùng với Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Quy hoạch chi tiết CHKQT Nội Bài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 20/5/2008, với định hướng sau 2020 sẽ triển khai đầu tư các nhà ga và đường cất hạ cánh số 3 về phía Nam, kinh phí GPMB, Cục HKVN ước tính khoảng 80.000 tỷ đồng. Trường hợp thành phố Hà Nội có thể bố trí đủ vốn cho công tác GPMB theo quy hoạch đã được duyệt nêu trên, Bộ GTVT hoan nghênh và sẽ phối hợp với thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (Theo phương án này không phải điều chỉnh quy hoạch được duyệt, chỉ rà soát điều chỉnh cục bộ vị trí các công trình trong phạm vi quy hoạch được duyệt).

Trường hợp không đủ vốn cho GPMB để phát triển theo quy hoạch đã được duyệt, trước nhu cầu vận tải hàng không tăng nhanh Cục HKVN đang đề xuất phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở quỹ đất hiện có và một phần đất quân sự phía Bắc. Đây là phương án khá phức tạp nên Cục HKVN đề xuất cần thuê tư vấn quốc tế để thực hiện (do nguồn vốn ngân sách dành cho công tác lập quy hoạch cũng khó khăn nên Bộ GTVT, Cục HKVN đang cân nhắc về nguồn để báo cáo TTgCP xem xét, cho phép lựa chọn tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch).

Về nội dung này,  đồng tình với ý kiến phát biểu tại buổi làm việc của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ trưởng  Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Cảng Hàng không quốc tế  Nội Bài là Cảng hàng không trung tâm của cả nước, cửa ngõ của Thủ đô đón khách quốc tế và cả nước đi – về, do vậy cần được đầu tư tương xứng với vị thế của nó.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo Cục Hàng không và Tổng Công ty Cảng Hàng không khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, xem còn phù hợp thực tế hay không, tránh để đến lúc quá tải như Tân Sơn Nhất mới điều chỉnh.

“Muốn làm quy hoạch thì ngoài trách nhiệm của các cơ quan trong Bộ GTVT, phải phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để có nghiên cứu khoa học, cụ thể, cần có tầm nhìn chiến lược lâu dài, phải phù hợp với sự phát triển trong 50 thậm chí là 70 năm hoặc lâu hơn nữa chứ không phải vừa quy hoạch xong đã lỗi thời không đáp ứng nổi sự tăng trưởng vận tải. Nếu các cơ quan trong nước không đáp ứng được nghiên cứu quy hoạch tốt thì mời tư vấn nước ngoài…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Khẩn trương hoàn thành các công trình trọng điểm

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn khẳng định sẽ quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, an toàn, phấn đấu sớm hoàn thành đưa các dự án vào khai thác. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ hoàn thành nêu trên,  Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ GPMB của các Dự án. Cụ thể, hoàn thành công tác GPMB Dự án cầu Việt Trì – Ba Vì trước ngày 30/4/2018; hoàn thành công tác GPMB Dự án đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trước ngày 30/4/2018…

Về các dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và cương quyết yêu cầu các đơn vị quản lý và tham gia dự án phải tập trung hoàn thành, không có bất cứ lý do nào cho lùi tiến độ.
“Trong tháng 7 sẽ hoàn thành dự án cầu Việt Trì, tháng 8 sẽ xong cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình. Riêng dự án đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 sẽ phải hoàn thành trước  30/6, dự án đường VĐ3 hoàn thành toàn bộ trước 31/8, không có bất ứ lý do nào để lùi hay trì hoãn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Liên quan đến tiến độ dự án tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông), tại Hội nghị, ông Vũ Hồng Phương – Phó Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, nhờ sự phối hợp của UBND TP Hà Nội và các quận nên công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, hiện có sự lấn chiếm gầm đường sắt trên cao làm bãi đỗ xe.

Ông Vũ Hồng Phương cũng cho biết, đến nay đơn vị này đã đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng thi công đồng bộ tất cả các hạng mục còn lại của dự án Cát Linh – Hà Đông.
“Về phần xây dựng, hiện chỉ còn 4% khối lượng dự án, 90% thiết bị của liên quan đến dự án đã được mua sắm xong; 76% lượng thiết bị đã được lắp đặt”, ông Vũ Hồng Phương báo cáo.

Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể quyết liệt yêu cầu tháng 10/2018 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải đưa vào khai thác thương mại dự án này.

“Các đơn vị liên quan phải xem xét kỹ quy trình vận hành tuyến đường sắt, trong đó có vấn đề về đội ngũ cán bộ, công nhân viên và việc ứng xử với những sự cố kỹ thuật có thể xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

 


Phong Kỳ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)