Phát triển dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp

Thứ hai, 16/04/2018 15:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại “Hội nghị toàn quốc về logistics – các giải pháp giảm chi phí kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông”, sáng nay (16/4) tại Hà Nội.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt đánh giá cao ý nghĩa Hội nghị cũng như khâu chuẩn bị của Bộ Giao thông nói riêng, các bộ, ngành liên quan nói chung.


Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị

“Đây là Hội nghị rất thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề mà như phát biểu của TS. Nguyễn Đình Cung là giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm. Tôi còn thấy cả hiện tượng vô thời hạn trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, ngoài những vấn đề được đưa ra bàn bạc tháo gỡ ở Hội nghị này thì sau Hội nghị phải có sản phẩm, kết quả cụ thể như Chỉ thị về phát triển logistics ”, Thủ tướng nhấn  mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực logistics, tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng,
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo các Bộ, Ngành tại Hội nghị

“Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%, đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng yêu cầu.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Bộ ngành xây dựng các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ này bằng cách rà soát lại các quy định pháp luật theo hướng đẩy mạnh phát triển hệ thống kho bãi. Đồng thời kết nối hạ tầng giao thông, kết nối các loại hình vận tải. Đặc biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN ngành dịch vụ logistics thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cho nguồn nhân lực…
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành như Bộ Giao thông vận tải phải có cơ chế đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng phát triển cảng nước sâu, cảng cạn; phát triển các loại hình giao thông song hành với kết nối các loại hình giao thông để tạo thuận lợi, giảm tối đa chi phí cho DN. Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp các địa phương triển khai Quyết định 200/QĐ-TTg. Chú trọng triển khai quy hoạch phát triển các trung tâm logistics; kêu gọi nguồn vốn đầu tư để xây dựng các trung tâm logistics kết nối Việt Nam với quốc tế…

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải 10 nhiệm vụ, Bộ Công Thương 7 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan thì căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, thay đổi điều kiện giao hàng "mua CIF, bán FOB", nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.

Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Ngành GTVT sẽ tiếp thu chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu đại diện các bộ ngành, các địa phương, Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp vận tải…đồng thời mong muốn nhận được sự phối hợp từ các bên trong việc nâng cao chất lượng logistics, giảm giá thành vận tải, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thẳng thắn chia sẻ,  GTVT đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, quốc phòng, Ngành GTVT cũng đã và đang tập trung phát triển nhưng chưa đáp ứng hết được yêu cầu. 


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
cũng như của các đại biểu nhằm nâng cao hiệu quả vận tải,
 xây dựng kết cấu hạ tầng cân đối, phù hợp

“Có những lĩnh vực chỉ khai thác mà không cần đầu tư hạ tầng nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao như phát triển các tuyến vận tải sông pha biển Bắc – Nam hay tận dụng lợi thế sông nước của Đồng bằng Sông Cửu Long và tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho doanh nghiệp vận tải là có thể giảm tải cho đường bộ, giảm chi phí vận tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng cũng như ATGT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, Ngành GTVT đang nỗ lực cải tạo hệ thống đường sắt hiện đã lạc hậu cũng như tăng năng lực cảng biển, đường thủy nội địa, hàng không, phát triển cân đối với hạ tầng đường bộ.

“Song song với đó, Bộ GTVT cũng sẽ tập trung vào nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ rõ là nhiệm vụ không cần vốn đầu tư nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao nhưng Ngành GTVT vẫn chưa làm tới, đó là tham mưu với Chính phủ tạo cơ chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách hành chính, giảm bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực vận tải một cách tốt nhất. Từ nay đến tháng 5/2018, Bộ GTVT sẽ cắt giảm 61,15% 372 thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

 

Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)